Đại Kỷ Nguyên

Suốt 40 năm, cụ ông ngày ngày gánh củi đi 20km để bán lấy… 20 nghìn đồng

Cuộc đời là những ngày tháng khó khăn kéo dài đối với ông Nguyễn Đào Dinh ở xóm Sao Vàng, xã Kim Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hơn 70 tuổi, không một người thân thích, cuộc đời ông gắn liền với lộ trình 20 km cõng củi hàng ngày đi bán để kiếm kế mưu sinh.

Nghệ An đầu tháng 10 với những cơn mưa nặng hạt của đợt áp thấp mới về, cả xã Kim Thành ai cũng biết hoàn cảnh của ông Dinh, một thân một mình sống trong ngôi nhà nhỏ bên con đường đất, rêu bám xanh cả một góc tường phía sau.

Ông đã quen với cuộc sống ẩm thấp của căn nhà tuềnh toàng chẳng có gì đáng giá ngoài mấy cái nồi, một vài cái bát, đôi đũa, tất cả nó cũng lạnh lẽo như cuộc đời cô quạnh của ông vậy.

Ngôi nhà tình thương mà ông Dinh đang ở này là được chính quyền tặng

Khi ông Dinh mới được vài tháng tuổi thì bố mẹ bị bệnh qua đời, thế rồi ông được bà con họ hàng cưu mang, đi xin sữa cho ăn, sống nhờ vào tấm lòng của người thân khi đó. Vì mồ côi không cha không mẹ, sống nhờ vào người thân, ông không được đến trường mà bắt đầu đi làm mướn cho người ta ngay từ khi bé.

Năm 1963, ông đến xóm Sao Vàng trong một đợt khai hoang cùng dân làng. Vốn là trẻ mồ côi, không nghề nghiệp ổn định lại nghèo đói… vậy nên ông cũng không dám hỏi cưới ai.

Vốn là trẻ mồ côi, không nghề nghiệp ổn định lại nghèo đói…

40 năm qua, ông Dinh lấy nghề kiếm củi để mưu sinh. Mỗi ngày, từ sáng sớm ông tìm lên rừng kiếm củi khô, tối về chẻ chặt bó gọn gàng rồi sáng hôm sau gánh lên chợ đem bán. Một gánh củi đeo trên vai nặng khoảng 20 đến 30 kg, cộng thêm 20 km đi bộ, ông Dinh bán được 20 nghìn đồng. Có hôm may mắn thì bán được ngay, cũng có hôm phải gánh đi gánh lại, lúc nào bán được mới lại quay trở về rừng tiếp tục kiếm củi cho ngày hôm sau.

Mỗi ngày, từ sáng sớm ông tìm lên rừng kiếm củi khô, tối về chẻ chặt bó gọn gàng rồi sáng hôm sau gánh lên chợ đem bán.

Tiền củi bán được mỗi ngày cũng là chi phí sinh hoạt của ông luôn, không phải ngày nào cũng đều đặn có 20 nghìn đồng như vậy. Những khi trái gió trở trời ốm đau bệnh tật không đi lấy củi bán được thì ông chỉ đun gạo thành bát cháo loãng húp để cầm hơi.

Đây chính là những thứ tài sản có giá trị nhất trong nhà ông.

Những người hàng xóm cũng đã quen và thông cảm với hoàn cảnh của ông Dinh, nhưng cũng chẳng thể giúp được gì cho ông. Ông Phạm Xuân Niêm ở gần nhà ông Dinh cho biết: “Hằng ngày, thấy ông Dinh đi bán củi mua gạo cũng thấy tội, nhưng rồi cũng quen, chỉ tội thân ông nay đã già yếu những lúc ốm đau cũng không biết kêu ai…”

Dù cuộc sống khó khăn nhưng ông Dinh luôn cảm thấy hài lòng với điều đó, trên khuôn mặt luôn nở nụ cười thật niềm nở khi người khác hỏi thăm. Ông cũng không muốn làm phiền tới những người khác nhiều, đại diện chính quyền xã ông Nguyễn Văn Quân cũng cho biết: “Hoàn cảnh của ông Dinh rất khó khăn, là người đơn thân không nơi nương tựa, chính quyền xã cũng không quan tâm được nhiều vì trên địa bàn cũng có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn”.

Dù cuộc sống khó khăn nhưng ông Dinh luôn cảm thấy hài lòng với điều đó.

Năm 2013, có một đoàn từ thiện đã về muốn giúp đỡ ông vào trung tâm để ở nhưng ông Dinh từ chối. Theo ông giãi bày thì ông đã quen sống một mình và ông cũng không muốn làm phiền ai, nơi đó nên dành cho những người già yếu hơn ông.

Ông đã quen sống một mình và ông cũng không muốn làm phiền ai.

Mỗi con người đều mang trong mình những giá trị đặc biệt, không thể làm mòn bản thân bằng cách so sánh mình với người khác, không cần đề ra mục tiêu của mình chỉ vì người khác cho đó là quan trọng. Mà chỉ có mình mới biết được điều gì là quan trọng nhất đối với bản thân mình, ông Dinh vẫn đang hàng ngày sống một cuộc sống nghèo khó của mình vẫn như bao nhiêu năm tháng qua. Dù chẳng được bằng ai nhưng trong tâm ông Dinh vẫn mong đoàn từ thiện dành suất của mình để giúp đỡ người khó khăn hơn. Trong gian khó mà vẫn còn nghĩ đến được những người khác, một tấm lòng thật đáng trân quý biết bao.

Gia Viên – Hồng Tâm

Exit mobile version