Đại Kỷ Nguyên

Tác dụng kỳ diệu của khoai lang: Chữa tiểu đường, táo bón và phòng chống ung thư

Tác dụng kỳ diệu của khoai lang: Chữa tiểu đường, táo bón và phòng chống ung thư

Ảnh: Ivabalk / Pixabay.

Khoai lang là một món ăn bình dân, nhưng tác dụng phòng chữa bệnh của nó thì không hề “bình dân” chút nào. Các công dụng kỳ diệu của khoai lang dưới đây sẽ khiến bạn phải bất ngờ.

Theo Đông y, khoai lang vị cam bình, vào tỳ, thận. Có tác dụng kiện tỳ, ích khí, hòa vị, sinh tân, thông tiện. Dùng cho các trường hợp tỳ vị hư nhược (đái tháo đường, táo bón, quáng gà, vàng da…).

Ngoài ra, khoai lang còn rất giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt dồi dào vitamin A và chất sắt. Loại củ này cũng có lượng chất xơ cao, rất giàu chất chống oxy hóa. Vì vậy, khoai lang có nhiều lợi ích trong chữa bệnh.

Công dụng chữa bệnh của củ khoai lang

Báo Sức Khoẻ Đời Sống có liệt kê một số cách dùng khoai lang làm thuốc như sau:

Chữa bệnh tiểu đường, tỳ vị hư nhược: Khoai lang 60g, kê 50g. Khoai lang gọt vỏ, thái lát; kê xay bỏ vỏ; nấu cháo, ăn bữa sáng.

Chữa táo bón: Củ khoai rửa sạch, gọt bỏ vỏ, xay (giã) nhỏ, thêm ít nước sôi, khuấy đều. Uống 1 bát vào buổi sáng. Dùng 3-7 ngày đến khi hết táo bón.

Chữa quáng gà, thị lực giảm: Khoai lang đỏ (tươi) 200g, gạo tẻ 100g. Khoai rửa sạch, gọt vỏ, thái miếng. Nấu với gạo thành cháo, thêm đường trắng đảo đều.

Chữa bệnh viêm gan vàng da sốt nóng: Khoai lang vàng (kim thự) 100-150g, rửa sạch, thái miếng. Nấu canh ăn hoặc thêm 50g gạo tẻ, nấu cháo.

Chữa phù nề: Khoai lang 100-150g, rửa sạch, thái miếng. Nấu canh hoặc nấu cháo với 300ml nước giấm.

Chữa khô miệng đau họng: Bột khoai lang hòa nước sôi hoặc nấu chín thêm đường.

Bồi bổ cho sản phụ bị suy nhược: Khoai lang 500g, cá quả 1 con (500g), nghệ 1 củ (20g). Khoai rửa sạch, thái miếng, cá đánh vảy, mổ bỏ ruột, nghệ giã nát. Cho vào nồi hầm kỹ.

Lưu ý:

– Để có tác dụng bổ dưỡng, nên ăn khoai vỏ đỏ ruột vàng. Để chữa táo bón, phải dùng khoai vỏ trắng ruột trắng.

– Người có thực tích, đầy ợ hơi nên hạn chế ăn khoai lang.

Cháo khoai Lang (ảnh: Katiklinski / Pixabay).

Công dụng chữa bệnh của lá khoai lang

Không chỉ củ khoai lang mà lá khoai lang cũng có nhiều lợi ích cho sức khoẻ:

Nhuận tràng: Dùng 100-150g lá tươi luộc ăn hàng ngày có tác dụng chữa táo bón.

Chữa đái tháo đường: Lá khoai lang tươi 150g, bí đao 50g. Lá khoai rửa sạch, bí đao gọt vỏ, thái miếng. Nấu canh ăn trong ngày.

Trị mụn nhọt, chín mé: Lá và ngọn non 1 nắm nhỏ, muối ăn 1 nhúm. Rửa sạch khoai, giã nát với muối. Đắp lên chỗ bị nhọt hay chín mé.

Phụ nữ băng huyết: Lá khoai lang tươi 100-150g, giã nát, cho ít nước sôi, ép nước uống.

Lưu ý:

– Không ăn thường xuyên rau lang vì nó chứa nhiều canxi, có thể gây sỏi thận.

– Những người bị bệnh thận thì không nên ăn rau lang nhiều bởi loại rau này có chứa rất nhiều chất xơ.

– Rau khoai lang kiêng kỵ với các trường hợp tiêu chảy, viêm dạ dày đa toan, đường huyết thấp.

Ảnh: GeorgeB2 / Pixabay.

Ăn khoai lang phòng chống ung thư?

Bên cạnh các tác dụng chữa bệnh kể trên, Báo Bác sĩ Gia đình (Trung Quốc) còn cho hay khoai lang có khả năng chống ung thư rất tốt.

Hàng ngày, ăn một lượng khoai lang vừa đủ có thể giúp cho cơ thể nâng cao mức thể chất tổng thể, tăng cường chức năng của hệ miễn dịch, giảm những nguy cơ mắc các loại bệnh, đồng thời có tác dụng hiệu quả trong việc phòng ngừa ung thư.

Người có hàm lượng axit folic trong cơ thể quá thấp thì sẽ làm tăng nguy cơ ung thư, và khoai lang có thể duy trì mức độ folate bình thường của cơ thể. Các vitamin trong khoai lang có vai trò chống oxy hóa, có thể loại bỏ các gốc tự do dư thừa trong cơ thể, khởi tác dụng chống ung thư rất tốt.

Thiên nhiên vốn đã ban tặng cho con người rất nhiều “bài thuốc” tự nhiên, và khoai lang là một trong số đó. Duy trì một lối sống lành mạnh và nội tâm an hoà, kết hợp với các loại thực phẩm thanh đạm mà bổ dưỡng như khoai lang là tiền đề để bạn có được sức khoẻ tốt.

Video xem thêm: Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Vệ, người lo trước cái lo của người khác

Exit mobile version