Đại Kỷ Nguyên

Tại sao ăn măng lại gây tắc ruột và những đối tượng cần tránh

Có rất nhiều món ăn ngon được chế biến từ măng nhưng không phải ai cũng có thể thoải mái thưởng thức, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người mắc một số bệnh dưới đây.

Trường hợp ăn măng bị tắc ruột

Theo báo Gia đình & Xã hội, một cháu bé 6 tuổi đã phải nhập viện BVĐK Phú Thọ để cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, bụng chướng căng, nôn nhiều dịch xanh vàng, đau bụng, bí trung đại tiện… Kết quả thăm khám cho thấy tắc ruột non, quai ruột nổi rõ, các bác sĩ chẩn đoán tắc ruột cơ học do bã thức ăn.

Mẹ cháu bé cho biết, cháu có sở thích ăn măng xào nên mẹ cho ăn thường xuyên, cùng thời điểm đó, bé có ăn thêm quả hồng ngâm và quả sung. Trước khi cấp cứu, bé có biểu hiện đau bụng, nôn nhiều, bụng chướng, gia đình cho dùng thuốc nhưng không đỡ nên đưa bé vào viện khám.

Theo các bác sĩ, tình trạng tắc ruột nếu không được phát hiện và phẫu thuật sớm dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc, hoại tử ruột, suy đa tạng, thậm chí gây tử vong.

Trước đó, trên báo VietQ đưa tin, một bệnh nhân 59 tuổi ở Hà Nội, gia đình bán măng khô nên thường xuyên ăn. Nhưng sau một lần ăn măng, bệnh nhân thấy đau bụng dữ dội.

Ảnh: VietQ.

Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cấp cứu với triệu chứng đầy bụng, ăn uống khó tiêu, đau âm ỉ nóng rát vùng thượng vị.

Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột, chỉ định nội soi gắp bã thức ăn ra khỏi dạ dày. Khi mổ, các bác sĩ đã lấy ra được một lượng lớn chất xơ bị tắc lại, trong đó có nhiều miếng măng khô chưa được tiêu hóa. Trước khi vào viện một tuần, ông ăn khoảng 200g măng, do răng đã rụng nhiều nên không nhai được kỹ.

Bác sĩ Vũ Huy Hiền, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, không thể cắt nhỏ được khối bã thức ăn để những miếng nhỏ này đi xuống ruột mà phải nội soi gắp từng mảnh nhỏ ra. Sau một giờ rưỡi làm thủ thuật, các bác sĩ lấy ra khỏi dạ dày bệnh nhân khoảng 100 gram măng.

Bác sĩ Hiền thông tin thêm, nếu không gắp kịp thời măng sẽ gây viêm loét dạ dày hoặc trôi xuống ruột gây tắc ruột nguy hiểm.

Tại sao ăn măng lại gây tắc ruột?

Theo bác sĩ Vũ Huy Hiền, măng nhất là măng khô có nhiều đoạn già hóa gỗ rất khó tiêu hóa nên người già và trẻ em không nên ăn nhiều. Khi ăn nên lựa chọn các thực phẩm dễ tiêu hóa, cắt nhỏ hoặc nấu mềm, tránh ăn các chất xơ dai, già như măng kẻo dẫn tới rối loạn tiêu hóa, thậm chí tắc ruột như hai trường hợp trên.

Ảnh: IStock.

Khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng ngâm, xoài xanh, ổi… và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, rau muống, cam, bưởi, quýt, mít, ngô… Đặc biệt, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật tạo thành khối bã rắn chắc. Thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.

Nếu không được xử trí kịp thời, tắc ruột do ứ đọng bã thức ăn có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn tới tử vong.

Những đối tượng không nên ăn măng

Phụ nữ đang mang thai: Trong măng có chứa khá nhiều độc tố, nguy hiểm nhất là glucozit, thành phần này sẽ sinh ra acid xyanhydric. Khi vào dạ dày, glucozit bị phân hủy với tác dục của men tiêu hóa, chất chua trong dạ dày, sau đó acid xyanhydric sẽ bị đẩy ra ngoài dưới dạng dịch nôn. Nếu acid bị đẩy ra ngoài tức là cơ thể không chịu nổi chất độc.

Đã có không ít mẹ bầu bị ngộ độc măng nhiều mức độ. Các dạng ngộ độc măng là: nôn, đau bụng, đau đầu gần giống hiện tượng ngộ độc sắn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp với thai nhi.

Trẻ tuổi dậy thì: Măng tre chứa một lượng lớn chất khó tiêu hóa là cellulose và axit oxalic. Khi kết hợp với canxi, sắt và kẽm, chúng sẽ tạo thành chất phức hợp làm cơ thể khó hấp thụ dinh dưỡng. Ăn nhiều măng dẫn đến tình trạng thiếu canxi dẫn đến còi xương và thiếu kẽm gây chậm phát triển, nên trẻ em tuổi dậy thì cần hạn chế.

Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng: Măng tươi rất giàu chất xơ. Theo Đông y, loại thực phẩm này có tính hàn, khó tiêu hóa nên những người mắc bệnh loét dạ dày và tá tràng, viêm dạ dày, xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản không nên ăn nhiều để tránh làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.

Bệnh tiêu hóa kém: Những người mắc bệnh tiêu hóa khi ăn măng sẽ khó tiêu, đầy bụng, trào ngược axit, thậm chí bị chảy máu thành bụng. Người già có hệ tiêu hóa kém cũng được khuyến cáo không nên ăn măng.

Người bị sỏi thận: Axit oxalic kết hợp với canxi còn có thể tạo ra sỏi thận. Vì vậy, người bị sỏi thận không được ăn măng.

Người dùng aspirin thường xuyên: Người dùng thuốc aspirin nếu ăn măng sẽ bị kích ứng đường tiêu hóa, tổn thương niêm mạc dạ dày.

Lưu ý quan trọng

Để tránh ngộ độc khi ăn măng, cách tốt nhất là phải luộc măng thật kỹ, khi luộc thay nước nhiều lần, ngâm đủ thời gian trước khi sử dụng.

Video xem thêm: 4 loại thực phẩm được ví như “vàng mười” khi chúng mọc mầm

Exit mobile version