- Tiếp theo Kỳ 1: Ai định ra hôn nhân?
Khi còn nhỏ, tôi sống ở vùng quê, có đám cưới trẻ con đều rủ nhau đi xem cô dâu, chú rể đẹp hay xấu và nhặt pháo xịt, để ý cả những điều rất buồn cười là: xem cô dâu có khóc hay không? Đa phần các cô dâu khi lên kiệu hoa đều khóc, cô thì khóc thầm, cô thì khóc “thút thít”, cô lại khóc “tu tu”… Đa số đám cưới đều diễn ra khoảnh khắc đó, chỉ thấy lạ không biết tại sao.
Vẫn một sự việc, mỗi độ tuổi có trải nghiệm cảm xúc khác nhau, khi lớn lên chứng kiến nhiều đám cưới, đặc biệt là ở phía nhà gái, thời khắc cô dâu lên kiệu hoa có cảm giác rất hụt hẫng cứ như “mất đi một cái gì đó”; nói buồn cũng không đúng, vui càng không đúng, về cơ bản rất khó có ngôn ngữ biểu đạt đúng tâm trạng này.
Trong tâm tôi thắc mắc, tại sao đẻ con gái nuôi dạy lớn khôn lại gả đến một nơi hoàn toàn xa lạ để chăm sóc gia đình nhà chồng, trong khi đó cha mẹ dứt ruột đẻ ra mình thì lại không? Cảm thấy trời đất không công bằng với những cha mẹ sinh ra con gái.
Đến nay, tìm hiểu những quy tắc hôn nhân do Thần định cho con người, dựa trên những đặc trưng của người nam, người nữ và trách nhiệm của con với cha mẹ, thì những khúc mắc xưa nay chưa từng được giải đáp của tôi cũng được đả khai.
Trước khi kết hôn, nam và nữ ở hai nhà khác biệt, khi quyết định kết hôn sẽ xảy ra ba tình huống: một là nam nhân dời đến nhà nữ nhân ở; hai là nữ nhân dời đến nhà nam nhân ở; ba là, nam nhân và nữ nhân đều rời khỏi ngôi nhà của mình để xây dựng một ngôi nhà riêng. Nhưng tại sao từ xưa đến nay nếu không ở hoàn cảnh đặc thù thì nữ nhân sẽ đến nhà nam nhân ở cùng bố mẹ chồng, từ bá tánh bình thường đến con gái của Hoàng đế cũng không ngoại lệ? Chúng ta cùng xem Nữ Oa Nương Nương lý giải với Phục Hy như thế nào nhé!
Phục Hy thị nói: “Đôi nam nữ kết thành phu thê, là nền tảng của gia đình, rời khỏi nơi ở hiện tại để cùng xây dựng một ngôi nhà, như vậy chẳng phải là tốt sao? Cần gì cứ phải nữ đến nhà nam, đàn ông cưới vợ, khiến cho đàn bà bị nghi ngờ là lệ thuộc vào đàn ông chứ?”
Nữ Oa thị giải thích: “Về đạo lý này, muội cũng nghĩ tới rồi. Điều này thực cũng tốt, nhưng cũng có nhiều khó khăn. Bởi vì có phu thê thì sẽ có phụ tử, làm phụ mẫu, cha mẹ vất vả nuôi con trưởng thành, nam tử nữ tử tìm được người như ý, sau khi kết hôn lại chuyển ra ngoài sống cuộc sống hạnh phúc của họ và để lại đôi vợ chồng già ở lại nhà, cô đơn tịch mịch, quả là thê thảm đó. Vả lại, nếu một trong hai người chết đi, trong căn nhà đó chỉ còn lại một người, huynh nghĩ xem người còn lại sẽ sống tiếp như thế nào?
Huống hồ, một người khi về già thì không thể tránh khỏi bị điếc, mù, đi lại khó khăn hoặc mắc một số bệnh tật, tất cả đều phụ thuộc vào con cháu ở bên trông nom chăm sóc. Giả sử các con đều ra ngoài chăm lo hạnh phúc riêng của mình, vậy khi cha mẹ ốm đau thì giao cho ai sẽ trông nom? Nói tới đạo lý đền đáp công ơn, khi còn nhỏ, bé trai và bé gái không thể tự nuôi thân, toàn dựa vào cha mẹ chăm sóc, vậy thì khi cha mẹ già yếu, không thể tự lo cho bản thân, đương nhiên là phải dựa vào con cái phụng dưỡng rồi. Đây là việc thiên kinh địa nghĩa, há lại có thể chuyển đi nơi khác ở, bỏ mặc cha mẹ không quản ư!”
Về tình, không ai muốn rời ngôi nhà quen thuộc của mình để đến ở với những người hoàn toàn xa lạ, chỉ có hôn nhân là bắt buộc một trong hai người phải rời bỏ nơi ở của mình đến một nơi ở mới. Đến đây chúng ta đã sáng tỏ lý do tại sao khi kết hôn nữ phải rời đến nhà chồng ở, khi sáng tỏ đạo lý thì ta sẽ cảm thấy đây là việc nên làm với tâm thái của một người làm việc nghĩa, cùng chồng xây dựng mái ấm và chuyên tâm chăm sóc gia đình.
Theo đạo lý, con cái khi lớn lên phải phụng dưỡng và báo đáp ơn sinh thành và công dưỡng dục của cha mẹ, nếu con gái xuất giá thì ai sẽ đảm nhiệm vai trò này? Đây là điều khó giải quyết nhất, điều này được Nữ Oa Nương Nương lý giải thế nào?
Phục Hy thị lại hỏi: “Nếu theo như lời muội nói, con gái hẳn là nên phụng sự phụ thân và phụng dưỡng phụ mẫu, đây là việc tốt. Thế nhưng, con gái lại gả đến nhà trai thì cha mẹ của nàng ai sẽ đến để phụng sự phụng dưỡng đây? Lẽ nào con gái đều không do cha mẹ sinh ra?”
Nữ Oa thị đáp: “Muội nghĩ đến cách thức này quả thực cũng là bất đắc dĩ. Bởi vì việc gì cũng có hai mặt không thể chu toàn hết, không còn cách nào tốt hơn cho nên trước tiên cần thực hiện tốt một phương diện đã. Sở dĩ chọn cách này là bởi nó có lợi hơn cho cả đôi bên và giảm nhẹ thiệt hại. Huống hồ, nếu theo biện pháp của muội mà thực hiện thì cũng không phải là không có cách khắc phục. Bởi vì cha mẹ của người nữ có thể còn có con trai. Nếu như có con trai thì dù con gái có đi lấy chồng thì đã có con trai ở nhà chăm sóc cha mẹ rồi, lo gì không người trông nom chứ.
Nếu như nhà người nữ không có con trai thì người nam có thể ở rể trong nhà nữ tử mà, không đem con gái gả tới nhà người khác ở, cũng có thể nữ tử sẽ dẫn theo cha mẹ tới nhà chồng ở, hoặc nhận con nuôi. Đây đều là biện pháp bổ sung cho sự khuyết thiếu, tuy nhiên đó cũng chỉ là trường hợp cá biệt mà thôi”.
Cách lý giải và giải quyết vấn đề của Nữ Oa rất chu toàn. Vợ chồng kết hôn sẽ sinh con, nếu không ở những hoàn cảnh quá đặc biệt thì sẽ có cả con trai và con gái, gả con gái đi nhưng sẽ cưới con dâu về, như thế xã hội sẽ ở trong trạng thái vận động tuần hoàn lành mạnh. Mỗi người sẽ có cả dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại, không để các bậc cha mẹ về già phải sống trong cảnh cô đơn. Trong trường hợp đặc biệt thì nam có thể ở rể, điều này trước đây các cụ vẫn làm như vậy.
Ngày nay, một đôi vợ chồng chỉ có một đến hai người con, có thể sẽ có trường hợp sinh toàn con gái, lớn lên sẽ đi lấy chồng, khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh cha mẹ không người chăm sóc, sống những năm cuối đời trong cảnh cô đơn, buồn tẻ. Điều này khiến cho các cô con gái đi lấy chồng không yên tâm phụng sự gia đình chồng, cảm thấy thương cha mẹ đẻ nhưng lực bất tòng tâm; chưa kể đến phong tục tập quán về thờ phụng tổ tiên và cha mẹ đã khuất.
Chuyện không có con trai, cha mẹ cũng có thể cho ở rể vốn là việc nghĩa Thần định ra để người con làm tròn đạo hiếu, nhưng ngày nay ở rể thì sẽ bị các lời chế giễu, châm chọc đại loại như: “đồ hèn”, “núp váy vợ”, “chó chui gầm chạn”… vô tình cản trở việc thực hiện đạo làm con của đôi phu thê trong hoàn cảnh đặc thù.
Người viết không có ý định “trọng nam, khinh nữ” như một số quan niệm hiện đại, sinh con dù trai hay gái đều phải yêu thương và dạy bảo nên người, nhưng giữa nam và nữ có sự khác biệt do Tạo Hoá sinh ra không thể đi ngược, do đó mỗi cặp vợ chồng nếu có điều kiện thì nên sinh đủ cả trai và gái. Vậy thì các bậc cha mẹ khi về già có người nương tựa chăm sóc, tuổi xế chiều có được những niềm vui tinh thần, không rơi vào hoàn cảnh cô đơn, đây là báo đáp ân tình lớn nhất của mỗi người dành cho cha mẹ.
(Còn tiếp)
Tĩnh Văn