Đại Kỷ Nguyên

Tại sao sẻ chia kỷ niệm lại là một món ăn tinh thần?

Gia đình và bạn bè lúc nào cũng chia sẻ cùng nhau những kỷ niệm, “Bố sẽ không đoán được đâu…”, “Một ngày thế nào hả con?” và “Mẹ có nhớ khi mà…” là loại thức ăn bổ dưỡng hàng ngày.

Sẻ chia những kỷ niệm không chỉ là một cách tốt để kể lại và hồi tưởng, chúng ta bắt đầu nhận ra quá trình này đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển tâm lý của trẻ nhỏ và bảo vệ những hồi ức của chúng ta khi chúng ta dần trưởng thành.

Trò chuyện mang chúng ta xích lại gần nhau

Chúng ta chia sẻ những kỷ niệm trong quá khứ vì nhiều lý do. Bằng cách kể một câu chuyện buồn hay khó khăn – có lẽ là một hồi tưởng êm ái về ai đó mà chúng ta đã mất đi từ năm trước – chúng ta làm vững mạnh hơn những sự kết nối, chia sẻ cảm thông và gợi nên khích lệ.

Bằng cách kể một câu chuyện hài hước hay bối rối  – có thể là lúc con chó ăn vụng đùi thịt hun khói ngày lễ năm mới – chúng ta sẻ chia cảm giác vui vẻ hay công nhận những khó khăn đã vượt qua, dù lớn dù nhỏ. Bằng cách chia sẻ những trải nghiệm giống hoặc không giống nhau, chúng ta đồng cảm và hiểu người khác hơn.

Kể về quá khứ cũng giúp tạo nên và duy trì bản sắc chung và riêng của cá nhân. Chúng ta biết mình là ai – dù là những cá nhân, nhóm hay cộng đồng – vì những hồi ức của chúng ta cung cấp cơ sở chứng cứ cho những sự kiện chúng ta đã trải qua và chúng có ý nghĩa gì với chúng ta.

Thậm chí khi một số người đã bỏ lỡ một sự kiện, chia sẻ ký ức về nó có thể định hình tính cách của họ. Nhà tâm lý học phát triển Robyn Fivush và nhóm của cô ấy đã chứng minh điều này khi họ đề nghị những thanh thiếu niên người Mỹ kể lại chi tiết những câu chuyện “đa thế hệ”: những sự việc trong cuộc sống của bố mẹ họ mà họ biết được qua những kỷ niệm được chia sẻ trong gia đình, thường là trong những bữa cơm gia đình.

Fivush nhận thấy rằng những thanh thiếu niên mà cô kiểm tra có thể kể lại một cách dễ dàng nhiều câu chuyện kỷ niệm của bố mẹ họ. Quan trọng nhất là, họ đã tạo nên sự kết nối mạnh mẽ giữa những ký ức cũ của gia đình và ý thức phát triển bản thân của riêng họ: “Bố tôi đã chơi bóng đá khi ông còn trẻ, vậy nên tôi cũng bắt đầu chơi.”

Những đứa trẻ thể hiện những kiểu kết nối: hồi ức gia đình – tính cách bản thân, cho thấy mức độ hạnh phúc cao hơn.

Dạy trẻ nhỏ cách ghi nhớ

Với trẻ nhỏ, kể những câu chuyện kỷ niệm dạy chúng cách ghi nhớ. Những trẻ nhỏ cỡ 2 tuổi bắt đầu cho thấy dấu hiệu về ký ức tự thân: những ký ức về bản thân chúng và cuộc sống của chúng.

Mặc dầu những ký ức sớm nhất này thường thoáng qua (không phải là đến khi chúng ta 3 hay 4 tuổi chúng ta mới bắt đầu định hình những ký ức kéo dài đến tuổi trưởng thành), chúng quan trọng vì chúng thể hiện rằng những đứa trẻ đang học cách để trở thành một người biết ghi nhớ.

Nghiên cứu bởi những Nhà tâm lý học phát triển luôn cho thấy rằng cách mà cha mẹ và những người khác trò chuyện với trẻ nhỏ về quá khứ là cực kỳ quan trọng cho sự phát triển trí nhớ của chúng.

Một trong những cách tốt nhất là sử dụng phương cách “rất tỉ mỉ”. Điều này liên quan đến sự khuyến khích những đóng góp riêng của trẻ với những câu hỏi mở (ai, cái gì, tại sao, như thế nào), mở rộng ra và thêm vào kết cấu cho những câu trả lời thỉnh thoảng bị giới hạn của trẻ. Cùng với nhau, cha mẹ và trẻ có thể sau đó cùng kể lại một câu chuyện kỷ niệm hay ho, trọn vẹn và có thể hiểu được.

Hãy xem xét ví dụ này từ một trong những nghiên cứu của chúng tôi với một người mẹ và cậu con trai bốn tuổi của cô hồi tưởng về một nghi lễ Giáng sinh yêu thích:

Mẹ: … và con và bố cùng nhau dựng cây thông Nô en lên, và sau đó con trang trí cây thông. Con đã cài những gì lên cây thông nào?

Bé: Um… những quả bóng Giáng sinh!

Mẹ: Đúng rồi! Bố đã đem những quả bóng và những ngôi sao để treo lên cây thông. Chúng màu gì con nhỉ?

Bé: Màu đỏ và màu vàng.

Mẹ: Đỏ và vàng. Những quả bóng đỏ đáng yêu và những ngôi sao vàng.

Bé: Và có cả những vòng tròn giấy nữa.

Chú ý cách mà người mẹ dẫn dắt quá trình hồi tưởng của cậu con trai. Cô ấy quan tâm đến việc để cậu ấy đóng góp nhiều nhất có thể cho câu chuyện, định hình trí nhớ của cậu con trai với những gợi ý giàu thông tin, gợi mở và phù hợp. Cô ấy cũng củng cố và tán dương những đóng góp của cậu bé trong cuộc trò chuyện.

Không hề ngạc nhiên, những đứa trẻ mà cha mẹ sử dụng phương cách hồi tưởng tỉ mỉ này thì sau đó sẽ thể hiện trí nhớ chi tiết hơn và mạnh mẽ hơn về những trải nghiệm quá khứ của chính chúng.

Những đứa trẻ sắp đến trường được đặt vào lối hồi tưởng này cũng sẽ phát triển những kỹ năng đọc viết, từ vựng và nhận thức mạnh mẽ hơn. Và vì chúng ta có khuynh hướng nhớ lại và trò chuyện về những sự kiện ý nghĩa một cách giàu cảm xúc – những sự kiện làm chúng ta hạnh phúc, buồn bã, sợ hãi – sự hồi tưởng tỉ mỉ giúp trẻ hiểu và học cách định hướng những xúc cảm khó khăn và những ký ức dễ cảm động.

Những bài tập rất sớm này mang lại những kết quả lâu dài. Những đứa trẻ lớn hơn trong những gia đình kể lại và thảo luận những câu chuyện giàu tình cảm trong những bữa ăn cơm gia đình thể hiện lòng tự trọng cao hơn và thể hiện tính kiên cường hơn khi đối mặt với nghịch cảnh.

Không đồng ý cũng không sao

Những cuộc nói chuyện  về quá khứ thông thường cần đến một mức độ thảo luận nào đó. Nhiều nghiên cứu nhấn mạnh giá trị của sự cộng tác trong việc nhớ lại. Đó là, lên tiếng cùng với mọi người hơn là để một người kể chuyện lấn át, đặc biệt là một người dẫn dắt hồi ức của những người khác cùng theo họ.

Nhưng nếu một vài người kể lại ký ức sai thì sao? Bạn hẳn đã trải nghiệm sự thất vọng mà người anh trai, chị gái hay người em họ mang đến cho những người khác vào cuối buổi tiệc Giáng sinh khi họ làm rối lên những chi tiết trong sự việc mà cả hai đã cùng trải qua. Hay tệ hơn, họ quả quyết hay nhắc nhớ một kỷ niệm tuổi thơ của bạn chứ không phải là của họ.

Với trẻ nhỏ vẫn đang học cách ghi nhớ, sự phủ nhận hay phớt lờ những đóng góp về hồi ức của chúng – dẫu rằng chúng có những sai sót cơ bản hay thiếu chính xác – có thể dập tắt cuộc trò chuyện và làm kết thúc cuộc hồi tưởng cùng nhau.

Nhưng khi chúng ta càng lớn lên, chúng ta nhận ra rằng người khác có thể có một cái nhìn khác trong những sự việc. Chúng ta nhận ra rằng 100% chính xác không phải là mục tiêu duy nhất hay thậm chí là mục tiêu quan trọng nhất của sự ghi nhớ. Là người lớn, sự không đồng ý về quá khứ trên thực tế có thể  là một dấu hiệu của một hệ thống ghi nhớ khỏe mạnh.

Gợi nhớ hồi ức khi chúng ta già đi

Chia sẻ những kỷ niệm có thể cũng giúp gợi nhớ hay hỗ trợ trí nhớ khi chúng ta già đi. Trong một nghiên cứu vừa được công bố, trước tiên chúng tôi đã đề nghị những cặp vợ chồng già (từ 60 đến 80 tuổi), từng người nhớ lại những sự kiện khác nhau mà họ đã trải nghiệm với vợ/chồng của mình trong 5 năm qua. Tất cả họ đã kết hôn hơn 50 năm, đã gây dựng một cuộc sống thân tình, lâu dài và là những người sẻ chia kỷ niệm với nhau.

Một tuần sau đó, chúng tôi đề nghị một nửa số những cặp vợ chồng kể lại chi tiết cho vợ/chồng của mình về những sự kiện của họ và một nửa thì kể chi tiết cho người làm thí nghiệm.

So sánh với những người mới trưởng thành, những người lớn tuổi thường thấy khó khăn để tự mình hồi tưởng lại những ký ức chi tiết về bản thân. Nhưng khi những cặp vợ chồng già hồi tưởng lại cùng với vợ/chồng của họ, những câu chuyện kỷ niệm lại chi tiết hơn so với những câu chuyện của những cặp vợ chồng mà phải tự mình nhớ lại.

Mặc dù sự cộng tác đã không làm những cặp vợ chồng trẻ (từ 26 – 42 tuổi) nhớ lại nhiều hơn, những người được cho rằng có mối quan hệ gần gũi hơn với vợ/chồng của họ có xu hướng nhớ lại nhiều chi tiết của sự việc được chia sẻ với người vợ/chồng đó, dù đó là khi họ tự mình nhớ lại. Nói cách khác, trong khoảng thời gian đầu của cuộc sống vợ chồng, những trải nghiệm được chia sẻ và những kỷ niệm có thể chủ yếu phục vụ cho sự kết thân và những mục tiêu định hình tính cách.

Với những cặp vợ chồng già đã vun đắp những mối quan hệ thân thiết và vững chắc, họ có thể càng ngày càng cần đến và tìm kiếm sự gợi nhớ hồi ức từ bên ngoài vì khả năng ghi nhớ của chính họ đã suy giảm. Những cặp vợ chồng già có thể từ đó bắt đầu thu được những trái ngọt tinh thần của những gì họ đã gây dựng với vợ/chồng của mình, gia đình và bạn bè trong một cuộc đời dài đã sống và sẻ chia kỷ niệm cùng nhau.

Nếu bạn không có người thân nào bên cạnh hay gần gũi bạn, đừng thất vọng. Nghiên cứu này chỉ ra rằng cách mà chúng ta kể về quá khứ với những người được yêu quý là quan trọng, không đơn giản là mối quan hệ huyết thống của chúng ta với người mà chúng ta trò chuyện. Vậy nên Giáng sinh này, hãy quây quần với “gia đình” của bạn, dù họ là ai, và chia sẻ một trong những món quà độc nhất vô nhị của con người, món quà tuyệt vời nhất: những câu chuyện kỷ niệm.

Bài báo này nguyên được đăng trên “The Conversation”. Đọc nguyên bản tại đây.

Exit mobile version