Sầu riêng là loại trái cây đặc biệt: có người thì chỉ ngửi mùi đã muốn xỉu, có người lại ăn không biết chán. Thế nhưng, sau sự cố bị đo nồng độ cồn vượt mức dưới đây, chắc hẳn cánh tài xế dù thích sầu riêng đến mấy cũng phải cẩn thận hơn với loại quả này.
Trang SBS đưa tin một trang web Trung Quốc tên Pear Video đã đăng tải cảnh một cảnh sát ăn một ít sầu riêng, sau đó kiểm tra thổi rượu, và kết quả là anh đã vượt quá nồng độ rượu cho phép khi lái xe ở Trung Quốc.
Sở dĩ có thí nghiệm trên là vì trước đó, một người đàn ông ở huyện Như Đông, tỉnh Giang Tô bị cảnh sát chặn lại vì nghi ngờ sử dụng đồ uống có cồn khi điều khiển ôtô. Kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ cồn trong hơi thở của anh này vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, nam tài xế phủ nhận mình đã uống rượu.
“Tôi chỉ ăn sầu riêng!”, anh này hét lên trong video quay lại sự việc.
Qủa thực, cuộc xét nghiệm máu sau đó xác nhận không có cồn trong cơ thể của tài xế trên, BBC cho biết.
Video quay lại cuộc điều tra cho thấy nam sĩ quan Yu Pengxiang ăn một phần sầu riêng và nồng độ cồn ngay lập tức tăng lên 36mg trên 100 ml. Luật pháp Trung Quốc quy định giới hạn nồng độ cồn trong máu khi lái xe là 0,02%, tức khoảng 20mg trên 100 ml. Ba phút sau, Yu thử lại và máy đo nồng độ cồn cho thấy kết quả ngược lại, theo VnExpress.
Video trên cảnh báo mọi người không ăn sầu riêng và sử dụng các sản phẩm khác, trong đó có nước súc miệng và vải thiều, khi lái xe để tránh tình trạng tương tự.
Một số người dùng mạng Trung Quốc kêu gọi cảnh sát xin lỗi tài xế bị nghi oan. Những người khác đề nghị giới chức cải tiến việc kiểm tra nồng độ cồn và chỉ trích việc cảnh sát dựa vào những thiết bị lỗi thời, cứng nhắc, thay vì tin vào trực giác của mình.
Sầu riêng có vị rất ngon, nhưng cũng là loại trái cây hiếm hoi thường bị nêu rõ tên và cấm ở một số nơi, không được mang vào khách sạn hay các phương tiện giao thông công cộng ở khu vực Đông Nam Á.
Trang SBS cho hay một chiếc phi cơ của Indonesia đã từng phải hạ cánh khẩn cấp sau khi hành khách phàn nàn về mùi nồng quá mức của loại trái cây có gai này. Cách đây 5 năm, lực lượng cứu hỏa, bao gồm cả một đội chuyên viên được trang bị mặt nạ chống khí độc, đã được triệu tập đến một bệnh viện ở Melbourne, Australia trong bối cảnh lo ngại rò rỉ khí gas, nhưng một lần nữa, sầu riêng lại là thủ phạm.
Video xem thêm: Ngành công nghiệp hắc ám của Trung Quốc bị phơi bày trên sóng BBC