Đời người ai chẳng muốn công thành danh toại, có một chút danh tiếng ở đời, có “chiếc huy chương” gắn nơi ve áo chứng tỏ thế gian rằng mình có một chút thành quả. Thế nhưng công danh rồi cũng mất, một khi nằm xuống “chiếc huy chương” kia theo người trở về nơi cát bụi. Vậy điều còn lại là gì? Chính là yêu thương, vị tha, làm điều tốt mà không cần hồi báo.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, có một người đã âm thầm nhiều lần liều mình để cứu hơn 800 người xa lạ, mà không một lần nói ra và cũng không tự nhận mình là anh hùng. Đó là ông Gino Bartali (1914 – 2000).
Bartali, sống trong gia đình nghèo ở Tuscan, ông theo đạo Công Giáo và hết lòng tin tưởng Chúa, suốt cuộc đời mình ông luôn cố gắng sống theo lời Chúa dạy.
Sinh thời, Gino Bartali từng là tay đua xe đạp nổi tiếng và đã nhiều lần đoạt giải quán quân nước Ý.
Dũng cảm làm liên lạc mật
Chiến Tranh Thế Giới thứ hai bùng nổ, chủ nghĩa Phát-xít của Adolf Hitler phát triển mạnh, từ Đức lan sang Ý. Benito Mussolini là Thủ tướng Ý lúc bấy giờ, cũng là lãnh đạo tối cao của đảng Phát-xít Ý. Mussolini theo tư tưởng của Hitler, muốn dân tộc Ý cũng thuộc vào hàng đẳng cấp, nên rất o bế các vận động viên có khả năng đoạt huy chương vàng quốc tế, để đem lại vinh dự cho quốc gia, trong số đó có ông Gino Bartali.
Bartali giành chiến thắng tại giải Tour de France năm 1938.
Năm 1943, khi quân đội Đức thắng lớn ở Châu Âu, Hitler điều quân vào đóng ở hai miền Trung và Bắc nước Ý, rồi bắt đầu ra lệnh vây bắt người Do Thái ở đây, hễ bắt được là toàn bộ phải giết hết bất kể già trẻ, gái trai. Cho đến thời điểm đó, Hitler đã tàn sát trên một triệu người Do Thái ở Đức.
Trước sự tàn sát quá dã man này, Giáo Hội Công Giáo không thể làm ngơ. Mặc dù khác đạo, nhưng các Linh Mục Công Giáo đều cố gắng hết sức để cứu người Do Thái. Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Florencia, ông Elia Dalla Costa, bí mật cho in giấy tờ giả, thay đổi tên họ và quốc tịch của những người Do Thái để biến họ thành người Ý. Nhưng họ sống rải rác khắp nơi trên nước Ý, làm sao đưa giấy tờ giả đến cho họ mà không bị quân Hitler phát giác ?
Đức Tổng Giám Mục Elia Costa liền gọi ông Bartali đến, và nhờ ông làm người đưa thư, đem các giấy tờ giả này đến cho các gia đình người Do Thái. Ông Bartali liền vui vẻ nhận lời, dù rằng mỗi chuyến đi là một lần nguy hiểm tính mạng, nếu chẳng may bị phát giác bị bắt, thì ông sẽ lập tức bị xử tử, không những thế, mà cả gia đình ông cũng sẽ bị xử chết theo.
Nhưng nhờ là một tay đua nổi tiếng và còn là người được Mussolini sủng ái, nên ông Bartali đã không bị nghi ngờ. Ông nhét giấy tờ vào trong tay lái và khung xe đạp, và đạp xe đi khắp nơi giả bộ như đang tập luyện cho giải đua sắp tới. Mỗi khi bị dừng tại trạm khám xét, ông yêu cầu không phá chiếc xe của ông vì nó cần được lắp ráp đặc biệt để chạy nhanh hơn.
Cứ như vậy hết ngày này qua ngày khác, ông Bartali đã âm thầm đem giấy tờ giả đến cho từng gia đình, cứu được sinh mạng họ. Khoảng 80% người Italia và người tị nạn Do Thái sống tại Italia trước Thế chiến II sống sót, một phần là nhờ những nỗ lực của những người Ý như Bartali.
Từ chối phong anh hùng
Thế nhưng cả cuộc đời ông không bao giờ hé răng nói cho ai biết sự thật ngoài con trai của mình. Khi ông Bartali đã rất già và chế độ Phát xít Hitler đã sụp đổ từ lâu, con trai ông muốn đem câu chuyện ra kể, thì ông vẫn gạt đi, và nói với con rằng: “Việc tốt là để làm, không phải để kể. Huy chương cao đẹp nhất là huy chương mà chúng ta có thể đeo trong tâm hồn, chứ không phải là thứ mà chúng ta đeo trên ve áo!”
Chỉ mới khoảng vài năm trước đây, sau khi ông Bartali đã qua đời được gần mười năm, qua lời kể của nhiều gia đình Do Thái rằng họ đã được cứu như thế nào, thì người ta mới biết đến hành động dũng cảm phi thường và lòng nhân ái vô biên của ông Bartali.
Khi các gia đình này tìm đến con trai của ông Bartali để tạ ơn và vinh danh ân nhân, thì con trai ông đã nói: “Cha chúng tôi không nhận lời tôn vinh ông ấy là anh hùng đâu. Ông ấy dặn tôi rằng: Con phải nhớ cha không phải là anh hùng, cha chỉ là một người đua xe bình thường. Khi mình làm việc tốt mà mình đem ra kể lể để được khen thưởng hay được người đời ca tụng, thì là mình đã lợi dụng sự khốn khó hay tai họa của người khác để kiếm lợi cho bản thân. Những người anh hùng thật sự là những người đã phải chịu những mất mát to lớn hơn!”
Suy ngẫm:
Làm việc tốt mà không mong cầu báo đáp là một hành động nhân đức của người có đạo đức cao thượng. Vũ trụ có quy luật “có mất ắt sẽ có được”, lòng tốt chân chính và sự từ bi theo cách nói của nhà Phật sẽ tỏa sáng theo năm tháng và không bị phai mờ bởi thời gian. Trên đời, người cho đi nhiều nhất chính là người hạnh phúc nhất.
Vì sao ông Bartali không muốn những người Do Thái tôn vinh mình. Bởi ông hiểu được rằng giúp người ‘vô điều kiện’ không cần được người đời biết đến mới là lòng tốt thật sự, đem niềm vui cho người khác chính là sự thanh thản tâm hồn mình, bàn tay trao hoa hồng bao giờ cũng phảng phất mùi thơm. Như Lão Tử đã từng giảng rằng: “Danh, khả danh, phi thường danh” (Danh, có thể gọi là danh, nhưng là một cái danh phi thường) trong triết lý tu Đạo uyên thâm của mình. Cuộc sống cũng giống như một chiếc gương phản chiếu, nó có thể ghi nhận rồi phản ánh hết thảy những chuyện tốt xấu của đời người. Vậy nên, sẽ có lúc ta nhận ra, những việc mình đã làm cuối cùng đều sẽ xoay trở lại chính mình. Đó gọi là luật nhân quả.
Ngược lại khi ta làm được điều gì đó vì chút danh tiếng, sống chết vì cái tiếng tăm đó, làm đủ trò đủ chiêu để mà giữ được tiếng tăm đó sẽ làm tâm trĩu nặng. Bởi vì khi đã giành được nó ta lại sợ sẽ mất, sau khi mất đi thì lại muốn giành được nó, cũng gần giống như việc đánh bạc, mong muốn tất cả những đồng tiền ở túi kẻ khác là tiền của mình, chẳng bao giờ thỏa mãn.
Con người chỉ trở nên vĩ đại khi trái tim chan chứa lòng khoan dung và tâm hồn tràn ngập tình yêu thương. Ông Bartali ra đi trong bình yên, để lại lòng cảm phục từ những đứa con của mình và trong sự biết ơn vô cùng của những người được ông âm thầm cứu sống. Có lẽ món quà quý giá nhất ông để lại cho cuộc đời chính là tình yêu thương vô điều kiện và một tấm gương cao đẹp.
Thuần Khiết
Xem thêm: