Đại Kỷ Nguyên

Tết này mẹ là mùa xuân

Tết này mẹ là mùa xuân

Mẹ chỉ mong có một người ngồi lắng nghe chuyện của mẹ…

Nếu có thể, tôi luôn hy vọng rằng có thể sống chậm hơn một chút, thời gian hãy trôi chậm đi, ngày tháng dài rộng thêm để cha mẹ cả đời vất vả có thể được tự hào vì tôi đã trưởng thành, hạnh phúc vì có tôi ở bên. 

Năm nay tôi chuẩn bị về ăn tết với mẹ sớm hơn, bởi lẽ dù có đi bao xa thì nơi bình yên nhất trong tôi vẫn là cha mẹ. Tôi thương làm sao khi mẹ ngày một già đi, lưng mẹ còng còng và đôi chân không còn nhanh nhẹn nữa.

Miền Bắc thời tiết khá lạnh vào mỗi dịp tết nguyên đán, tôi luôn tranh thủ dọn dẹp và dành thời gian nghe mẹ nói chuyện, năm nay mẹ 84 tuổi rồi, và mẹ chỉ mong có một người ngồi lắng nghe chuyện của mẹ…

5 ngày tết bên mẹ vèo một cái qua đi, tôi thấy dường như còn chưa kịp nói lời yêu thương với tuổi già của mẹ. Tôi trở lại Hà Nội vào sáng mùng 2 tết với bao nhiêu cảm xúc đầy vơi, thương mẹ cả đêm không ngủ vì nhớ con cháu, mẹ loay hoay chuẩn bị đồ cho các con, mặc dù cũng chẳng có gì lắm nhưng mà mẹ bảo mẹ không ngủ được, mẹ bảo ngày mai con đi rồi mẹ ngủ bù, thương mẹ có một mình không cháu con bên cạnh lúc tuổi già… Giá mà có thể ở thêm với mẹ vài ngày, giá mà có thể chăm mẹ thêm chút nữa.

Sáng ngày mùng 3 tết tôi mở điện thoại ra và bàng hoàng khi đứa em họ gửi cho tôi hình ảnh của mẹ, mẹ tôi bị bỏng toàn thân bên trái, tôi không còn nhận ra mặt của mẹ mình nữa, vì vết bỏng phồng hết cả trên khuôn mặt của mẹ. Rồi tôi gọi điện, em họ tôi bảo mẹ tôi đốt rác rồi không hiểu sao đốt luôn cả mình, cháy cả bếp…

Thương mẹ! Tôi ngồi xuống tạ ơn Thần Phật đã bảo hộ mẹ tôi không mất đi sinh mệnh, trong lúc mọi người lo lắng để đưa mẹ vào bệnh viện, tôi đã quyết định đưa mẹ về nhà để tôi tự tay chăm sóc. Tôi nghĩ rằng nếu Thần Phật không cứu thì mẹ tôi không thể qua khỏi đám cháy lớn như vậy rồi, đây có lẽ là thử thách của tôi chứ không phải của mẹ. Tôi một lần nữa tự tin giúp mẹ vượt qua đại kiếp nạn.

Mẹ kiên cường và chịu đựng phi thường giỏi, mặc dù bị phồng rộp hết một bên thân trái mà tôi không hề thấy mẹ kêu đau, chỉ có điều mẹ yếu và không thể tự đi lại được. Tôi để mẹ nghỉ ngơi và tĩnh tâm lại, tôi coi như mẹ không hề có vết thương nào trên thân. Khi mẹ tỉnh lại tôi bình tĩnh lau rửa cho mẹ bằng tất cả sự yêu thương, sự yêu thương mà có lẽ đời mình tôi chưa từng một lần dành cho mẹ.

Tôi nghĩ lại ngày còn bé tôi cũng bị bỏng, lúc đó bố tôi đi công tác xa, ngày nào mẹ tôi cũng viết thư cho bố kể về vết thương của tôi ra sao, có lần mẹ vừa viết vừa khóc vì thương tôi. Đây có thể là cơ hội để tôi báo hiếu mẹ, một lần chăm sóc để thấy rằng tình yêu của mẹ dành cho tôi luôn là vô bờ bến, mặc dù cơ thể mẹ đau như vậy nhưng điều mẹ muốn nói nhất vẫn là mẹ thương tôi, mẹ muốn về quê để tôi không phải chăm mẹ. Từ trong tâm mình tôi thật sự mong mẹ bình yên, tôi cảm nhận sâu sắc những điều cao cả mẹ dành cho tôi, một cảm giác an toàn và yêu thương trọn vẹn.

Ngoảnh đầu nhìn lại đã 30 năm tôi xa mẹ, mặc dù mỗi năm tôi đều về thăm mẹ nhiều thì 5 ngày, 3 ngày một lần, nhanh thì sáng về chiều đi… một năm cộng cả giỗ tết cũng may tôi được 5, 6 lần về bên mẹ. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mẹ tôi đã già đến vậy, người mẹ gầy gò cong queo, trái ngược hoàn toàn với mẹ của ngày xưa, tôi vừa cho mẹ ăn vừa trò chuyện, tiếc nuối những ngày đã qua, những ngày tháng bận bịu chưa từng chăm mẹ.

Vậy mà trong mắt mẹ, tôi lúc nào cũng như một đứa trẻ. Cũng chẳng quan tâm tôi có thành công hay không, mẹ vẫn luôn yêu thương tôi như vậy. Giờ tôi mới hiểu điều mà người xưa thường nói: “Trong nhà có người già như một báu vật”, được phụng dưỡng cha mẹ già chính là một phước phận lớn của những người con.

Cũng có người nói: “người già hóa trẻ con” quả thật cũng không sai. Bởi khi tuổi tác đã cao, tâm trí cũng theo đó mà không còn sáng suốt, mẹ tôi hay nghĩ lung tung, xoay quanh về những điều ấn tượng trong quá khứ, và đôi lúc nói suốt những việc không đâu vào đâu. Tôi vừa chăm mà vừa thấy thương mẹ, nhớ cái thời mẹ của ngày xưa…

Thật tiếc nuối quãng thời gian tôi chỉ quan tâm đến việc chăm lo gia đình của bản thân mà vô tình quên đi sự phụng dưỡng với đấng sinh thành. Điều ấy giống như tôi lãng quên đi “báu vật” của chính mình, ký ức bỗng ùa về khiến khóe mắt cay cay.

Nhờ Thần Phật gia trì nên mẹ tôi bình phục khá nhanh, tết năm nay đối với tôi là một mùa xuân đặc biệt, mùa xuân bên mẹ trọn vẹn. Rồi những ngày nghỉ tết cũng hết, cảm giác tinh thần mẹ chưa ổn định nên tôi xin cơ quan thêm hai ngày phép để chăm mẹ được tốt hơn, qua tuần sức khỏe của mẹ bình ổn trở lại, vết thương cũng đã phục hồi, nhưng mẹ không còn nhanh nhẹn được như trước. Mẹ liên tục nói cho mẹ về quê để con yên tâm công tác, mẹ muôn đời vẫn thế, vẫn trọn vẹn tình yêu dành cả cho tôi.

Với sức nặng của thời gian, nét xuân xanh một thời của mẹ chỉ còn lại những vết chân chim, một thân thể già yếu thế chỗ cho sự khoẻ mạnh của năm xưa. Hương sắc mặn mà, mái tóc gỗ mun đã nhường chỗ cho những vệt trắng theo thời gian. Tôi biết, giờ đây dù có viết cả ngàn lời yêu thương thì tôi cũng chẳng thể níu kéo thời gian thanh xuân của mẹ trở lại. Nhưng tôi sẽ cố gắng khi còn chưa chậm trễ, dành những yêu thương để báo hiếu mẹ cha.

Trên thế gian này, chỉ có cha mẹ mới toàn tâm toàn ý yêu thương chúng ta mà không đòi hỏi gì. Nhưng ngược lại, chúng ta yêu thương cha mẹ được bao nhiêu? Chúng ta có thực sự hiểu được thế giới nội tâm của họ? Nếu như một ngày nào đó họ đột nhiên ra đi, liệu trong lòng ta có cảm thấy hối hận?

Đã bao giờ chúng ta từng nghĩ, từ khi ta đến với thế giới này cha mẹ ta đã tắm đã giặt quần áo cho chúng ta bao nhiêu lần? Từ khi bước những bước đi đầu tiên chập chững vào đời, là ai là người nắm lấy cánh tay nhỏ bé của chúng ta dìu dắt những bước đi đầu tiên?

Vậy nên lúc còn cha mẹ, hãy dành nhiều thời gian hơn để bên cạnh họ, đừng khiến cho bản thân sau này phải hối hận. Hãy đối xử tốt với cha mẹ của chúng ta để rồi nếu có một ngày thực sự họ rời đi, chúng ta sẽ thấy bản thân mình không phải hối tiếc một điều gì.

Cảm ơn mẹ đã mạnh mẽ vượt qua đại nạn, cảm ơn mẹ đã mang đến cho tôi một mùa xuân trọn vẹn yêu thương.

Gia Viên – Xuân Giáp Thìn

Exit mobile version