Đại Kỷ Nguyên

Tết xưa trong tôi đẹp lắm, tinh khôi như màu trắng của gạo nếp bánh chưng

Tết xưa trong tôi là một miền cổ tích vẹn nguyên, nơi đó trắng ngần màu gạo nếp làm bánh chưng, và mùi thơm ngai ngái lá dong cùng tiếng bếp củi kêu tí tách…

Ngày bé, cứ mỗi khi Tết đến, bố đều mua cho mỗi đứa một con lợn nhựa để bỏ tiền lì xì vào. Ngày nào mấy anh chị em cũng đem ra so xem lợn đứa nào nặng hơn với nhiều tiền hơn. Bố mẹ dụ bảo đừng để ngoài người ta vào lấy mất. Thế là tin tưởng đưa cho mẹ cất đi và đấy cũng là lần cuối nhìn thấy chúng. Hỏi thì bố mẹ bảo đợi đến khi nào lớn lấy vợ rồi đưa luôn một thể cho nhiều. Năm nào cũng lặp lại bản tình ca như thế mà vẫn cứ gật gù tin theo được. Chắc là hồi đó không ngờ sẽ có ngày mình ế như hôm nay.

Bức ảnh gợi nhớ đến tuổi thơ dữ dội của nhiều người được theo bố mẹ đi sắm Tết.

Tết của ngày xưa, giao thừa không thể ngủ được cứ nằm chờ, chỉ cần nghe tiếng pháo là mở toang cửa ào ra xem nhà nhà đốt pháo mừng xuân… Bây giờ lớn rồi giao thừa cũng cùng nhau đưa bọn trẻ đi coi bắn pháo hoa nhưng cảm giác thích thú không còn nhiều nữa.

Pháo tép hồng từng là linh hồn Tết đối với mọi nhà.
Những em bé tần ngần mê mẩn trước hàng pháo được bày bán công khai.
Rộn ràng tiếng pháo nổ đêm 30.
Trẻ em háo hức đi nhặt xác pháo.

Tết xưa, phố Hàng Lược ngày cận Tết tràn ngập toàn một màu hồng. Người người, nhà nhà đều mua đào về trưng tết. Bây giờ thì khác rồi, người ta sắm biết bao giống cây thức hoa độc lạ về nhà. Thậm chí, nhiều đại gia còn mạnh tay chi cả trăm triệu để mua cây kiểng chơi Tết.

Nói chung, ngày Tết vẫn thích nhất là cảm giác cả xóm thức thâu đêm, quây quần bên nồi bánh chưng ấm lửa, kể lể biết bao nhiêu chuyện từ đông tây kim cổ tận cho đến cả chuyện nhà ông Năm bà Bảy, chẳng loại trừ chủ đề nào. Tết bây giờ không như thế nữa, ai cũng bận rộn đến 29, 30 mới được nghỉ, rồi muốn mua bán gì đều ra chợ, siêu thị là có đủ hết, tha hồ chọn lựa. Có khi chỉ cần một cuộc điện thoại là có người “mang Tết” đến tận cửa.

Đúng là khi lớn rồi, đã trưởng thành rồi, mới nhận ra ta mất đi rất nhiều thứ, không còn như xưa được nữa. Chuyện cơm áo gạo tiền, rồi gia đình, công việc… mọi thứ cứ cuốn ta đi ngày càng xa con người thật của mình… lâu rất lâu, ngoảnh lại nhìn hình như mình không còn là mình nữa, bất giác thấy cay cay sống mũi…

Nhưng mà, nhớ Tết xưa cũng là để trân trọng hơn Tết nay, ôn lại chuyện cũ cũng là để biết trân quý hơn một thời an yên bình dị, để mình không lạc quá xa khỏi những giá trị truyền thống mà ông bà tổ tiên đã ngàn đời gây dựng.

Tết xưa vẫn âm thầm và bền bỉ sống trong một mảng ký ức thân quen, giữ chặt ta vào hồn cốt dân tộc. Tết như lạt mềm buộc chặt, cho ta nhớ, ta thương, ta chờ và khiến ta mong mãi…

Huyền Sương

Video xem thêm: Đi lễ chùa đầu năm: Những quan niệm sai lầm bạn chưa từng biết

Exit mobile version