Đại Kỷ Nguyên

Thắc mắc vì sao chồng luôn đối xử lạnh nhạt, người vợ sững sờ khi biết lý do

Cuộc sống gia đình của bạn tôi nhìn từ ngoài vào thật đáng ngưỡng mộ: chồng cô ấy là một người trung thực và tốt bụng, cô ấy bản thân cũng là một người tử tế và chăm chỉ, họ còn có một cô con gái xinh đẹp nay đã 17 tuổi. Nhưng, giống như một câu ngạn ngữ của Trung Quốc: “Mỗi gia đình đều có những nỗi đau riêng”, gia đình họ cũng không êm ấm như vẻ ngoài. Cô bạn ấy đã kể lại cho tôi câu chuyện lạ lùng về cuộc hôn nhân của cô ấy. 

Hai người lớn lên trong cùng một làng, nhưng không hề biết về nhau cho tới trước đám cưới. Khi bà mối giới thiệu người chồng với cô, cô thấy đó là một người đàn ông rụt rè và trầm lặng. Cô chưa có cảm xúc yêu thương gì với anh, nhưng vì thấy anh là người đáng tin cậy nên cô đã đồng ý lấy anh. Tuy vậy, sau khi lấy nhau, cô nhận thấy anh có những thói quen thực sự tệ hại. Anh luôn há to mồm khi nhai cơm và nếu anh ăn mì thì cả hàng xóm cũng nghe thấy những tiếng húp sụp soạp của anh.

Mỗi lần chứng kiến cảnh tượng đó trong bữa cơm, cô đều cảm thấy vô cùng khó chịu. Nhưng anh lại chẳng quan tâm chút nào tới chuyện này và vẫn tiếp tục hành xử theo cách của mình. Nhiều lúc cô giận dữ và chửi rủa anh là “khúc gỗ đu mục” – câu nói này ở Trung Quốc thường được dùng để chỉ những người không quan tâm tới bất kì nhận xét nào của người khác và không bao giờ có ý định thay đổi những thói quen của mình.

Cô thấy quá xấu hổ, khi người chồng cứ dửng dưng trước sự chê cười của hàng xóm láng giềng, những lời đàm tiếu ấy khiến cả cô và con gái không cất được đầu lên. Chính vì điều này, hai vợ chồng thường xuyên cãi lộn, chủ đề cũng chỉ xoay quanh những việc giản đơn trong cách thức sinh hoạt hàng ngày. Nhiều lần cô muốn ly dị, nhưng rồi lại thôi vì gia đình và bạn bè luôn ngăn cản.

Mỗi khi nhìn thấy chồng cô đều cảm thấy nôn nao khó chịu, giống như bị thứ gì đó chặn ngang cổ. Cả người con gái cũng vậy, cô bé luôn kêu ca rằng cha chẳng quan tâm tới cô chút nào. Cha chưa bao giờ đưa cô đi ăn tiệm hoặc ôm hôn cô như những gì các ông bố khác vẫn làm. Cha con cũng hiếm khi nói chuyện với nhau, và hai người thường nhìn nhau như người dưng, giữa họ dường như không có chút tình cảm nào.

Trong cuộc sống hàng ngày, có những khi người mẹ cùng con gái nói chuyện rất rôm rả, nhưng khi người chồng bước vào phòng, thì không khí trong phòng bỗng trở nên lạnh ngắt vì hai mẹ con không biết nói chuyện gì với anh. Sự hiện diện lạnh lùng của anh khiến họ cảm thấy không thoải mái.

Người vợ sau khi tu theo Đạo Phật đã buông bỏ được rất nhiều phiền não, nhưng chỉ còn duy nhất suy nghĩ về người chồng là không thể nào thay đổi (Ảnh minh họa dẫn qua Wikipedia)

Ít lâu sau hai mẹ con chuyển sang tu theo đạo Phật và dần dần họ có thể coi mọi việc đều rất nhẹ. Chỉ mỗi khi nhắc đến chồng, người vợ không hiểu vì lẽ gì mà vẫn cảm thấy nỗi tức giận tận sâu trong tâm can. Cô đã hy vọng qua tu luyện, sẽ quên đi và giải thoát được tất cả đau buồn mà cuộc hôn nhân mang tới. Tuy nhiên, cô càng ngày càng thấy khó chịu với chồng. Vì thế họ đã quyết định ở riêng và không nói thèm chuyện gì với nhau kể từ đó.

Sau ba năm ly thân, người vợ đã có quyết định cho mình: Một khi con gái tốt nghiệp đại học, cô sẽ ly dị chồng. Nhưng quyết định này cũng không giúp cô thoát khỏi những đau khổ và buồn phiền mà cuộc hôn nhân không có hạnh phúc mang lại, cô còn bị mắc chứng đau đầu khá nghiêm trọng vào thời điểm này.

Tôi thấy rất thương bạn mình và muốn giúp đỡ cô. Vì thế tôi nhờ tới cho một nhà sư có khả năng đoán được số phận con người và có thể nói về nhân duyên tiền kiếp của họ. Sau khi lắng nghe câu chuyện của bạn tôi, nhà sư chậm rãi nói với tôi những điều ông nhìn thấy qua con mắt thứ ba về mối quan hệ giữa hai vợ chồng họ.

Ông nói trong kiếp trước người vợ là một người đàn ông rất nghèo và kiếm ăn bằng cách tìm kiếm, thu thập cây thuốc trong rừng. Một lần ông ta đi bán cây thuốc tại hiệu thuốc dưới chân núi, người bán hàng nói với ông: “Trên núi có một cây đu đã sống hàng nghìn năm, vỏ của nó có thể dùng làm thuốc. Tuy nhiên vì nó rất khó tìm và lại ở tận trên đỉnh núi, nên không ai dám lên đó. Nếu ông có thể róc tất cả vỏ của cây đu đó và bán cho chúng tôi, ông sẽ trở nên giàu có.”

Người chồng hóa ra lại chính là cây đu ngàn năm trong một kiếp sống trước, đó cũng là nhân duyên vì sao kiếp này họ là chồng vợ (Ảnh minh họa dẫn qua Visiontimes)

Người đàn ông nghèo khổ rất sung sướng hình dung ra việc một khi kiếm được tiền, ông ta sẽ có đủ tiền cưới vợ. Vì thế ông chuẩn bị rất cẩn thận rồi trèo núi, vượt sông, cuối cùng ông ta đã tìm thấy cây đu nghìn năm tuổi. Đó quả là một cái cây rất to đến nỗi ba người cũng không thể ôm hết một vòng của thân cây. Quá đỗi vui mừng, người đàn ông bắt đầu dùng rìu để tước vỏ cây. Nhưng quá mệt mỏi vì phải vất vả tìm kiếm và leo trèo, ông ta nhanh chóng ngủ quên đi mất.

Trong mơ, ông ta thấy một người đàn ông trẻ mặc quần áo màu xanh, quỳ trước mặt ông và nói: “Tôi là câu đu già đã tu luyện hàng nghìn năm. Trong ba năm nữa tôi có thể đắc đạo và trở thành một vị thần. Nếu ông tước hết vỏ cây thì tất cả mọi nỗ lực của tồi đều sẽ trở nên vô ích. Xin hãy chờ ba năm nữa rồi hãy trở lại để tước vỏ cây. Nếu ông có thể thay đổi quyết định và làm theo lời tôi, tôi sẽ rất biết ơn và sau này sẽ đền ơn ông.”

Việc tu hành của cây đu đã bị người đàn ông nghèo làm cho dang dở (Ảnh minh họa dẫn qua dictionary.writtenchinese)

Nhưng trong mơ người đàn ông la lên: “Không, không – tôi không thể chờ. Tôi muốn lấy vợ và không thể chờ thêm ba năm nữa.”

Khi tỉnh giấc, ông nhìn xung quanh nhưng không hề thấy một ai với bộ quần áo xanh. Vì thế ông tiếp tục tước vỏ cây đu. Ông trở lại hiệu thuốc với đống vỏ cây nặng. Người bán hàng rất vui mừng khi nhìn thấy ông và lập tức cân đống vỏ cây.

Người đàn ông nghèo không thể đọc được con số trên bàn cân nên nói: “Đừng có cân sai, vì tôi đã mất rất nhiều công sức mới kiếm được số vỏ cây đu này.” Người bán hàng hứa: “Tất nhiên rồi, tất nhiên rồi, nếu tôi lừa ông, kiếp sau tôi sẽ làm con ông.”

Thầy tu nói người phụ nữ là người đàn ông nghèo khổ ở kiếp đó, và chồng cô là cây đu tội nghiệp bị róc hết vỏ, và con gái họ thực ra là người bán hàng đã lừa dối ông ta. Vì thế khi người vợ mắng chồng là “khúc gỗ đu mục”, loại người không bao giờ quan tâm tới điều gì, thực tế anh chính là cây đu bị cô đẽo hết vỏ ở kiếp trước. Vì thế mà cô đã phải khổ sở chịu đựng anh đến thế.

Mọi nhân duyên của ngày hôm nay đều bắt nguồn từ một quá khứ rất xa xôi (Ảnh dẫn qua Visiontimes)

Thầy tu già còn nói rằng tính cách và thói quen của mỗi người thực ra đều bắt nguồn từ nghiệp lực của đời trước. Vì người bán hàng đã lừa dối người đàn ông, cho nên dù ông ta không đầu thai làm con trai ông, thì cũng phải làm con gái ông trong kiếp này. Cũng do lời xúi bẩy của người bán hàng đã phá huỷ cơ duyên tu luyện của cây đu, vì thế kiếp này ông ta bị chuyển sinh thành người con gái trong gia đình. Cho nên người cha, là cây đu chuyển sinh, không bao giờ quan tâm hay yêu thương con gái. Đây là nguyên nhân sự khúc mắc giữa người cha và người con.

Suy ngẫm:

Bạn có thể cảm thấy bán tin bán nghi về câu chuyện này, nhưng nếu trong nền văn hóa của mình, bạn tìm thấy những câu ngạn ngữ như “Thiện hữu, thiện báo. Ác hữu, ác báo” hay “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”, thì có lẽ bạn nên cân nhắc tới việc suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Có những mối quan hệ trong cuộc sống khiến chúng ta không thể nào lý giải: Khi gặp một số người ta đặc biệt yêu quý họ, mặc dù chưa hề tiếp xúc. Còn có những người, dù có cố gắng đến đâu những gì họ làm cũng khiến chúng ta không vừa ý và sinh lòng ác cảm. Tất cả những điều ấy vốn luôn được chúng ta coi là tình cờ, nhưng liệu mọi chuyện có thực sự là ngẫu nhiên?

Liệu trên cuộc đời này, có cuộc gặp gỡ nào chỉ là tình cờ, hay mọi sự đều không hề là ngẫu nhiên? (Ảnh minh họa dẫn qua tinhtam.vn)

Hơn thế nữa, trong văn hóa của các quốc gia mà tinh thần Phật giáo in đậm trong tiềm thức mỗi con người như nền văn hóa của chúng ta, còn một khái niệm nữa đó là “nhân duyên”. Vợ chồng cũng chính là vì nhân duyên mà tới với nhau. Cái duyên ấy từ đâu mà có? Tất cả phải chăng đều bắt nguồn từ những gì xảy ra trong quá khứ, trong những cuộc sống khác mà sinh mệnh của mỗi chúng ta, trong hàng ngàn năm luân hồi đã nếm trải.

Nhưng rồi, sau một hồi ngẫm nghĩ bạn lại tự hỏi: Nếu tôi tin vào những điều này, tôi sẽ phải làm gì với những mối duyên không lành, tôi sẽ chịu đựng nó suốt đời hay sao? Có lẽ đó cũng là câu hỏi lớn nhất đối với người vợ khi nguyên nhân sâu xa của sự bất hạnh trong hôn nhân của cô được làm sáng tỏ.

Trong hoàn cảnh không mấy dễ dàng này, nếu bạn đặt niềm tin nơi quy luật của cuộc sống “ác hữu – ác báo”, thực sự chấp nhận được nguyên nhân đó, điều đầu tiên bạn nhận được chính là một phần gánh nặng trong tâm sẽ được gỡ xuống. Như người vợ trong câu chuyện, cô đã hiểu được vì sao chồng lại luôn lạnh nhạt với mình tới vậy. Cũng theo sự chấp nhận ấy, người vợ sẽ buông xuống được tâm oán trách với người chồng mà cô đã đeo trong tim suốt gần hai mươi năm qua. Khi nhìn rõ mọi việc, khi tâm can cảm thấy minh bạch mọi điều, cuộc sống của ta cũng sẽ vì thế trở nên rõ ràng hơn, dễ chịu đựng hơn.

Hiểu được nhân duyên, nỗi oán phiền cũng theo đó mà như mây đen u ám trút xuống một trận mưa, rồi sau đó trả lại cho bầu trời vẻ quang đãng, trong xanh, trả cho lòng người cái tĩnh lặng và thanh thản (Ảnh minh họa dẫn qua spiritualhealing)

Ly hôn tới thời điểm này không còn là một giải pháp bởi lẽ đã mắc nợ thì sẽ phải hoàn trả. Những khổ đau của cô trong cuộc sống hiện tại chính là sự hoàn trả ấy. Nhưng còn một điều cô có thể làm tốt hơn đó chính là dùng Thiện tâm để thiện giải mối nhân duyên của hai người. Câu chuyện của quá khứ cũng không thể vãng hồi chỉ trong suy nghĩ và cuộc sống hiện tại lúc này cũng chính là một cơ hội để người vợ bù đắp những gì đã làm sai trong quá khứ.

Vì lẽ đó, cô ấy hoàn toàn có thể chọn lựa một cách đối đãi khác với chồng mình, thay vì chỉ than vãn, trách móc anh, rồi cũng dùng sự lạnh lùng mà đáp lại sự lạnh lùng của chồng. Cách đối đãi phù hợp nhất là gì? Chân thành thiện đãi, nhẫn nại trước mọi sự thờ ơ là những phương cách đối đãi có sức mạnh lớn nhất để hóa giải mọi ân oán, khiến cuộc sống có những chuyển biến tốt đẹp hơn.

Theo Visiontimes

Xuân Dung biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version