Tháng trước, Liên Hợp Quốc (UN) đưa ra công bố tỷ lệ sinh tại Thái Lan đã giảm xuống tương đương với Thuỵ Sỹ và Phần Lan. Tuy nhiên, hai quốc gia Châu Âu này có nền kinh tế phát triển và dường như “không có điểm chung” nào với Thái Lan.
UN lo ngại rằng, tới năm 2030, hơn 1/4 dân số Thái Lan sẽ trên 60 tuổi và hầu hết họ vẫn nghèo. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lực lượng lao động giảm sẽ kéo tụt tăng trưởng kinh tế của nước này trong hai thập kỷ tới. Giàu hoá dân số là một vấn đề nan giải, nhưng dường như nó sẽ còn đau đầu hơn nếu quốc gia đó vẫn nghèo!
Hầu hết hiện tượng già hoá dân số chỉ gặp ở các nước có nền kinh tế phát triển bởi tỷ lệ sinh có xu hướng tỷ lệ nghịch với mức thu nhập. Trung Quốc là ngoại lệ, bởi thế kỷ trước quốc gia này duy trì chính sách một con nhằm hạn chế sự tăng trưởng dân số quá nhanh, tuy nhiên nó đã được bãi bỏ vào năm 2015. Như vậy, Thái Lan đã phá lệ trở thành quốc gia đầu tiên già đi trước khi giàu có.
“Rõ ràng đây là một vấn đề đối với Thái Lan, một thách thức”, nhà kinh tế Chua Hak Bin, phụ trách khu vực Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu Maybank Kim Eng Research Pte ở Singapore nhận định. “Thái Lan đang bị mắc kẹt: Là một nền kinh tế mới nổi nhưng lại đối mặt với vấn đề nhân khẩu học của các nước phát triển”.
Trong nhiều năm, các nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách cho rằng quá tải dân số là mối lo về nhân khẩu học lớn nhất của thế giới. Nhưng họ đã lầm. 50 năm qua, tỷ lệ sinh đã giảm tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Còn đối với Thái Lan, từ năm 2000 đến nay , làn sóng đô thị hoá có thể nói là diễn ra nhanh nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ sinh tại nước này giảm mạnh.
Trong hơn hai thập kỷ, tỷ lệ sinh tại quốc gia Đông Nam Á này đã giảm từ 6,6 xuống 2,2 và hiện chỉ còn 1,5, thấp nhất thế giới. UN ước tính, đến cuối thế kỷ này, Thái Lan sẽ mất khoảng 1/3 dân số (Dân số hiện tại đang ở mức khoảng 70 triệu người).
Già hoá dân số sẽ còn kéo theo nhiều vấn đề nan giải với một quốc gia với thu nhập bình quân đầu người chỉ 6.362 USD/năm như Thái Lan. Với cả những đất nước có thu nhập cao như Thuỵ Sỹ hay Phần Lan (78.816 USD và 48.580 USD/năm), đây vẫn là một vấn đề thách thức.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, chi phí cho y tế công của Thái Lan đã tăng 12% trong 12 năm qua và hiện đang ở mức cao nhất Đông Nam Á. Ngoài ra, trong số 54 quốc gia được khảo sát về mức độ bền vững của hệ thống hưu trí, được thực hiện bởi công ty bảo hiểm toàn cầu Allianz SE, Thái Lan đang đứng cuối bảng.
Theo Somchai Jitsuchon, làm việc tại Ngân hàng Trung ương Thái Lan, nếu không có các cải cách về thuế, các quỹ hưu trí của Thái Lan có thể sẽ cạn tiền trong vòng 15 năm tới. “Chúng tôi cần tìm kiếm thêm nguồn thu”, ông Jitsuchon nói.