Đại Kỷ Nguyên

Thằng bé mồ côi nhặt hoa ngọc lan rụng, gửi tặng “ba người thầy” với cả tấm lòng thành

Gió về chiều mang theo hơi nước phả vào khoảng không vô định, tiết trời se lạnh của mùa đông khiến lòng nó nôn nao khôn tả. Nó nhớ mẹ vô cùng, nhớ quay quắt lòng nó. Chưa bao giờ nó có cái cảm giác là lạ này.

Hôm nay nó đến trường thấy các bạn trong lớp ai cũng mang theo hoa hồng tươi để tặng thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam sắp đến. Nó không có hoa để tặng cô, nép vào một góc phòng nó chăm chú nhìn những bông hoa của bạn mà bất giác mắt nó rưng rưng. Mẹ nó ngày xưa cũng là cô giáo, cũng từng hân hoan trong những ngày kỷ niệm như thế này. Hồi đó nó thường được mẹ chở theo đến trường, nó cầm giúp mẹ những bông hoa mà thầm ao ước sẽ có ngày nó giống mẹ – làm thầy giáo để được nhận hoa.

Tuổi thơ của nó như bao đứa trẻ khác. Cho đến một ngày, cái ngày định mệnh ấy đã cướp mẹ nó đi mất. Khi nó từ trường về mới biết mẹ vừa qua đời sau cơn bệnh nặng. Nó sốc nhưng chẳng rơi một giọt nước mắt nào. Nó trầm hẳn, lặng thinh, ánh mắt vô hồn lặng đau nhìn gương mặt mẹ lần cuối. Nó uất ức trách mẹ sao bỏ nó mà đi, sao chẳng thèm nói gì với nó cả và sao mẹ ác với nó thế. Mẹ là gia tài lớn nhất của nó. Bây giờ không có mẹ nó phải làm sao đây ! Lấy ai san sẻ, bầu bạn cùng nó. Lấy ai để được vòi vĩnh, kể chuyện nọ chuyện kia. Lấy ai đan cho nó chiếc áo len tím mùa đông này nữa, lấy ai may cho nó áo quần đẹp. Hết thật rồi, nó thấy mất tất cả rồi và giờ nó chẳng còn gì nữa. Thế giới như sụt lở dưới chân. Nó lê từng bước nhưng chẳng biết đi đâu về đâu.

Rồi thời gian dần trôi mau, nó sống trong tình yêu thương của người thân, nhất là bố. Với nó, bố chính là kho báu mà ông trời ban cho. Bố còn là thần tượng trong lòng nó. Bố ít nói nhưng rất tâm lý. Bố hiểu nó hơn ai hết. Bố đọc được mọi suy nghĩ của nó. Hai bố con cùng nương tựa vào nhau vượt qua những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đêm nào cũng vậy, sau khi học bài xong hai bố con cũng thường hay kể về mẹ. Bố tin rằng ở nơi nào đó mẹ vẫn đang theo dõi bố con nó. Những ký ức, những kỷ niệm về mẹ đã giúp nó đứng vững vàng hơn. So với các bạn cùng trang lứa, nó già trước tuổi, nó suy nghĩ chín chắn hơn, có vẻ dày dạn kinh nghiệm sống hơn.

Lại một lần nữa, tạo hóa trêu số phận nó, cướp luôn kho báu mà bấy lâu nay nó ngưỡng mộ, tôn thờ. Nỗi đau đè lên nỗi đau, mát mát chồng lên mất mát. Nuốt lệ ngược vào trong, nó lủi thủi, nó trơ trọi, nó bơ vơ. Nó trở thành trẻ mồ côi. Rồi từ đây không ai tập xe đạp cho nó, không ai dạy nó bơi, không ai dạy nó học Anh văn nữa rồi. Hình bóng người đứng ở cửa chờ đợi nó mỗi khi tan trường cũng không còn nữa. Chỗ ấy bây giờ người ta trồng một cây ngọc lan đã đến độ đơm hoa lần đầu. Bao giờ tan trường, nó cũng tranh thủ nán lại nơi ấy vài phút, có khi thơ thẩn người đến vài chục phút để hít thở, để trầm tư. Để thầm thì rằng hôm nay con được 10 điểm môn Anh văn, rằng cô giáo khen con nói tiếng Anh rất tốt. Còn nữa, con vừa thi học sinh cấp thị xã về đấy, con đạt giải Nhất rồi, giấy khen mà thầy hiệu trưởng mới trao cho con sáng nay trong giờ chào cờ trước toàn trường ấy, con cảm thấy hạnh phúc lắm.

Ảnh minh họa: Pixabay.

Mùi hương ngọc lan tỏa đều, lẩn quất vào không khí, bám đầy trên vai nó, luồn vào tóc nó. Nó không quên cúi xuống, nhặt những bông hoa trên mặt đất mang về phơi khô. Góc học tập của nó lúc nào cũng thoang thoảng hương ngọc lan. Nó yên tâm rồi. Cả bố và mẹ dường như đang ở cạnh nó, nhắc nhở nó, yêu thương và chăm sóc nó như ngày xưa. Cứ vậy mà nó lớn khôn nên người.

Bây giờ nó đã là học sinh cấp hai, biết tự mình chăm lo cho bản thân. Bốn mùa, xuân – hạ – thu – đông, dù mưa hay nắng nó vẫn một mình cất bước trên lối mòn. Căn nhà cũ nát của nó vắng vẻ lắm. Sáng nó đến lớp, chiều về phụ việc ở quán cơm. Hết việc thì đi nhặt ve chai ở các quán nhậu hoặc ở bãi rác công cộng. Tiền dành dụm được không đủ cơm gạo cá mắm hàng ngày. Rồi còn tiền sách vở, áo quần và các khoản học phí nữa. Nó nghĩ chắc phải bỏ học thôi. Tiếc lắm nhưng biết làm sao được, lo cái ăn còn chưa đủ nói gì đến việc học. Ước mơ năm xưa có lẽ chôn vùi theo năm tháng. Nó quyết định không đến lớp nữa. Một ngày, hai ngày, ba ngày… nó thường gặp bạn để hỏi chuyện trên lớp. Bạn nó bảo đi học lại, nó lắc đầu cười không ra tiếng.

Ngờ đâu cô giáo lặn lội đến nhà nó trong đêm. Cô khuyên nó ra lớp. Cô bảo hãy cứ đi học rồi mọi việc cô sẽ tính tiếp. Nó cảm động trước tình cảm nồng hậu của cô, đêm đó nó trăn trở không sao ngủ được. Sáng ra nó quyết định ôm cặp đến lớp. Thế là nó đi học lại. Cô làm cho nó hồ sơ miễn học phí, hồ sơ miễn bảo hiểm thân thể. Cô đưa đơn để nhà trường xét cấp cho nó một bộ đồng phục thể dục. Cô cho nó mấy quyển sách… Thế là cơ hội tiếp tục được ấp ủ ước mơ của nó đã xuất hiện. Có hôm nó trốn học mấy ngày để đi làm. Hôm sau đến lớp nó bị cô mắng: “Sao con không nghĩ cho tương lai của mình, hoàn cảnh đã thế thì phải cố gắng nhiều hơn chứ. Con làm cô thất vọng quá”.

Nó cúi gằm xuống bàn. Nó thấy có lỗi với cô giáo. Nó phụ công cô đã vì nó bấy lâu nay. Nó cũng biết cô buồn nó lắm nhưng nói gì bây giờ… Sau khi tan học, nó ngồi lại trong lớp, lấy ra tờ giấy, nắn nót viết thư cho cô giáo: “Thưa cô, không phải con trở nên hư hỏng đâu, mà tại con cần tiền để mua thức ăn nên con đi làm thêm… Lần sau con sẽ không trốn học nữa, con hứa đấy! Cô ơi, hôm qua cậu mợ con đã sang đón con về ở với cậu mợ rồi. Cậu bảo cứ đi học đi, học cho giỏi còn những việc khác để cậu lo. Từ nay con không ở một mình nữa và cũng không đi làm thêm nữa. Con sẽ cố gắng chép lại bài đầy đủ và sẽ học chăm chỉ hơn…”.

Ngoài trời lất phất mưa, bàn tay bé nhỏ của nó run run gấp tờ giấy làm tư và luồn vào đó một bông hoa ngọc lan mà nó hái sáng nay. Bức thư thơm mùi hương ngọc lan. Nó vội chạy ra nhà xe, bẽn lẽn đưa lá thư cho cô giáo. Xong nó bỏ chạy thật nhanh ra khỏi cổng. Cô giáo nhìn theo cái dáng bé nhỏ của nó rồi sực nhớ đến tờ giấy, cô vội vàng mở ra. Hương ngọc lan thơm ngan ngát. Cô đưa mắt trên từng dòng chữ thân quen của cậu học trò mà cô đặc biệt dành nhiều tình cảm nhất. Cô đọc đi đọc lại nhiều lần, định thần một chút, gương mặt cô rạng rỡ. Cô vui vì học trò ngoan, vui vì trò đã có một gia đình, một mái ấm mới và cô vui vì cậu bé mồ côi đã trưởng thành hơn nhiều rồi. Bỗng dưng cô thấy khóe mắt mình ươn ướt, sống mũi cay cay. Cô cố hít thở sâu hơn để cảm nhận cho hết hương hoa ngọc lan còn vương lại trên thư. Một chút ân hận tự trách sao chưa tìm hiểu đầu đuôi đã vội trách mắng trò trước lớp. Hẳn đã chạm vào nỗi đau, chạm vào vết thương lòng của trò mất rồi. Như để bù đắp cho học trò, ngày hôm sau cô đến lớp sớm, cô gọi cậu bé ra, xoa đầu và bảo: “Con hãy cố gắng lên nhé, cô sẽ luôn ở bên con”.

Riêng thằng bé mồ côi, nó thấy sung sướng đến độ như quả tim muốn vỡ òa ra. Nó thấy ấm áp vô cùng. Lòng nó lâng lâng hạnh phúc. Nó bước vào lớp học, nụ cười rạng rỡ trên môi. Nó thấy các bạn ai cũng đáng yêu, thấy phòng học của lớp nó hôm nay sáng đẹp lạ thường. Thấy các thầy cô giáo mến thương làm sao. Nó bắt đầu hành trình mới mẻ ước mơ làm thầy giáo sẽ theo nó cho đến khi thành hiện thực mới thôi. Nó lại miên man nhớ ba mẹ nó.

Hôm nay nó đi học sớm để nhặt hoa ngọc lan đêm qua rụng vẫn còn nằm trên thảm cỏ ướt sương. Nó cẩn thận gói hoa vào chiếc khăn giấy và đặt lên bàn, bên trong là lời chúc nồng nàn nhất nó dành tặng cho cô giáo. Số hoa còn lại nó mang về tặng người nơi chân trời góc bể với tất cả lòng thành kính, thương yêu.

Cô Huỳnh Xuân Thư

(Giáo viên THCS Tô Hiến Thành, Dục Mỹ – Ninh Hòa – Khánh Hòa)

Tiêu đề do ĐKN đặt. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Cậu học trò bê bối trở thành bác sỹ hạng ưu nhờ lòng bao dung của cô giáo

Exit mobile version