Đại Kỷ Nguyên

Thấu hiểu nguyên tắc 80/20 – Những bí mật mà sách vở chưa từng nói với bạn

Mọi người ắt hẳn đã nghe nhiều về nguyên tắc 80/20. Thế nhưng, vận dụng nó vào cuộc sống lại chẳng hề dễ dàng. Chúng ta gần như bị mê hoặc bởi những quyển sách phát triển kỹ năng và nhầm lẫn về tầm quan trọng của các phần 80 và 20 trong nguyên tắc này.

Trước hết, hãy cùng nhắc lại một chút về quy tắc 80/20 cho những ai lần đầu nghe về nó. Một nhà kinh tế học người Ý đã phát hiện ra rằng 20% dân số là những người giàu có lại nắm giữ 80% tài sản của thế giới. 80% lợi nhuận của công ty lại đến từ 20% khách hàng hoặc ít hơn. Người ta chỉ mất 20% thời gian để học cách vận dụng 80% những kiến thức mới.

Vilfredo Pareto người tìm ra quy luật kinh tế học 80/20. (Ảnh: drsoler.com)

Tất nhiên các con số ở trên chỉ mang tính tương đối, tỷ lệ trong thực tế có thể là 70/30 hoặc 85/15, v.v… Tuy nhiên, những thống kê đó đã chỉ ra sự phân phối không cân bằng các loại nguồn lực trong cuộc sống thường nhật. Do đó, việc phát triển kỹ năng bản thân cũng tồn tại quy luật 80/20 này.

Tất cả đều có giá của nó

Phải nỗ lực thì mới có thành công. (Ảnh: showbizbalkan.com)

Giả dụ, người ta thống kê được rằng, để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần tới 10.000 giờ nghiên cứu về nó. Vậy nếu bạn đặt mục tiêu ở mức trung bình, tức là không cần trở thành chuyên gia, chỉ cần đủ dùng thôi, bạn chỉ cần bỏ ra 2.000 giờ để nắm vững nó. Nhưng đó chỉ là những kiến thức phổ thông ai ai cũng có thể học.

Đừng xem thường 20% kiến thức, thứ mà cần 8.000 giờ còn lại mới có thể nắm vững. Thực tế chỉ ra rằng chính 20% kiến thức đó mới là điểm làm nên sự khác biệt giữa người giỏi và kẻ nghiệp dư. Một anh chàng thiết kế đồ họa có thể bỏ ra vài tuần để học cách chỉnh màu và cắt ghép ảnh, nhưng có lẽ phải mất 3 năm mới vững vàng tay nghề mà mở lớp dạy người khác. Một họa sĩ chỉ mất vài tháng để học vẽ chân dung với độ chính xác vào khoảng 70% so với mẫu. Nhưng anh ta phải mất rất nhiều năm mới biết cách thổi hồn vào tác phẩm của mình.

 20% kỹ năng còn lại cực kỳ khó nắm bắt, nó buộc chúng ta phải bỏ ra 80% công sức. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu chúng ta có nên tiếp tục cố gắng để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực mình mong muốn? Có thể có và có thể không.

80/20 là một cách mô tả không phải là bí kíp

80/20 chỉ là một quy luật không phải là con đường tắt. (Ảnh: bovary)

Tôi có 2 người bạn. Một người không có chút kiến thức nào về kinh tế cả, nhưng tiếng anh của cô ấy rất khá, có thể trò chuyện, viết lách như đang dùng tiếng mẹ đẻ vậy. Và sau nhiều năm làm việc ở một tập đoàn Đa Quốc Gia, cô đã vươn lên trở thành lãnh đạo cao cấp của tập đoàn.

Một người bạn khác, cũng đang là  doanh nhân thành đạt, thế nhưng hồi đi học cậu ta lại chẳng giỏi ở một môn học nào. Thậm chí trốn học thường xuyên, nhưng cậu này ham mê các kiến thức mới, cái gì thích là học cái ấy, từ Marketing cho đến những buổi hội thảo về khởi nghiệp. Và giờ đây, bạn tôi là chủ của một doanh nghiệp, tuy không quá tầm cỡ, nhưng đối với tôi thế cũng là khá lắm rồi.

Họ chính là ví dụ cho những chiến lược khác nhau để đi đến thành công. Một người dành toàn bộ thời gian ban đầu để học thật tốt tiếng anh, một người thì phân chia thời gian để học mỗi thứ một chút.

Thực ra nguyên tắc 80/20 không thể giúp bạn có con đường ngắn nhất nó chỉ mô tả cho bạn những con đường để bạn lựa chọn mà thôi. Những người giỏi chuyên về một lĩnh vực nào đó, gần như biết 100% về lĩnh vực của mình, họ sẽ làm rất tốt những nhiệm vụ cá nhân. Nhưng để vươn lên đến thành công họ cần nhiều kỹ năng bổ trợ, và họ cũng phải bỏ công sức ra để rèn luyện học hỏi những cái mới. Giống như cô bạn giỏi tiếng Anh của tôi, cô ấy cũng phải đon đả đi học cái này cái kia trong nhiều năm thì mới có thể đạt được mức lương mà ai cũng mơ ước.

(Ảnh: Al-Rasub)

Những người bỏ ra 20% sức lực cho nhiều lĩnh vực khác nhau, dần dà họ cũng phải đẩy năng lực chuyên môn của mình lên một tầm cao nào đó. Ít nhất thì cũng là năng lực lãnh đạo người khác, như trường hợp cậu bạn mà tôi đã giới thiệu. Trở thành chủ một doanh nghiệp, chẳng những là kiến thức lãnh đạo mà còn là bao lần thất bại cay đắng và những đêm thức trắng để đi tìm hướng đi cho công ty của mình. Tựu chung lại thì họ cũng đều phải bỏ ra rất nhiều tâm sức và nước mắt trên con đường đã chọn.

Muốn thành công cần phải học được chữ “Nhẫn”

Với đa số mọi người, những người không phải quá may mắn như chúng ta, sẽ không có con đường nào là tắt cả. Bạn đừng quá tin vào những cái tít giật gân như thành công sau một đêm hay một bước lên trời! Tôi thấy rằng, có những tác giả đã nói giảm nói tránh về sự thật này để bạn không quá thất vọng. Cũng không thể trách họ được, bởi vì chúng ta quá nôn nóng để làm giàu, để giỏi giang, để thành công mà chẳng bao giờ chịu khó ngồi yên ngẫm nghĩ xem mình sẽ phải đối mặt với những thứ gì trong hành trình đoạt được nó.

Thật ra mọi việc đều cần sự nhẫn nại và bồi đắp ngày qua ngày, không bao giờ có chuyện làm ít hơn và hưởng nhiều hơn đâu! Như bạn tôi thường nói: “Sống chết có số, phú quý bởi trời. Mình chỉ là chọn con đường mình yêu thích và nỗ lực hết sức vì nó thôi.”

Nguyên Trực

Exit mobile version