Đại Kỷ Nguyên

Theo dõi người cũ trên Facebook cản trở sự phát triển của bạn

Những người thường xuyên theo dõi mối quan hệ cũ trên mạng xã hội thường gia tăng sự đau khổ và tạo ra nhiều cảm xúc tiêu cực. Sau một câu chuyện đổ vỡ, thay vì tự “đâm đầu” vào những điều khiến mình buồn, chúng ta cần tìm cách phục hồi chính mình hơn…

Một nghiên cứu được công bố năm 2012 của nhà tâm lý Tara C. Marshall đã chỉ ra, thói quen theo dõi người cũ trên Facebook sẽ cản trở việc tự chữa lành tổn thương và khả năng tiến đến các mối quan hệ mới.

Những người thường theo dõi người cũ trên mạng xã hội thường cố giải thích về vấn đề đã kết thúc. Họ buồn bã nhiều hơn vì cảm giác đã đánh mất một người từng gắn bó sâu nặng trong đời.

Qua Facebook, nếu biết người cũ có quan hệ tình cảm mới với ai khác, cảm giác đau khổ sẽ tăng lên nhiều lần. Và việc nhìn thấy một người mình luôn nhung nhớ nhưng không thể gặp mặt, sẽ khiến bạn bị luẩn quẩn trong cảm xúc, và cản trở mọi hoạt động sống của bản thân.

Quyết định hủy kết bạn

Có sự khác biệt lớn giữa việc chỉ là bạn bè Facebook đơn thuần với thói quen liên tục theo dõi trang cá nhân của một người. Luôn để ý người đó cập nhật trạng thái gì, đăng ảnh ra sao, có quan hệ tiếp xúc với ai, vào trang cá nhân của đó hàng ngày để xem lại những tin đã cũ… là đặc điểm của kiểu người này.

Trong những điều người cũ đăng tải, đôi lúc thực sự chứa đựng “tin nhắn” đặc biệt. Nhiều cặp đôi đã làm lành, trở lại với nhau nhờ những thông điệp ẩn như thế.

Tuy nhiên, với các mối quan hệ thực sự đã kết thực, Marshall đã nhận thấy những người còn là bạn bè trên Facebook với người cũ có tốc độ phát triển cá nhân thấp hơn những người huỷ kết bạn.

Phát triển bản thân sau chia tay

Cuộc sống này có nhiều điều cần trải nghiệm và phấn đấu hơn việc theo dõi một ai đó đang làm gì trên Facebook!

Một mối quan hệ kết thúc, nhưng chúng ta còn cả một cuộc đời cần sống, đó là lý do tại sao bạn nên tập trung vào bản thân và tương lai của mình.

“Tôi sẽ không bao giờ có mối quan hệ như thế nữa” là tên một cuộc nghiên cứu của Tashiro và Frazier thực hiện năm 2003. Dự án này điều tra mối liên hệ giữa việc chia tay trong tình yêu và sự phát triển cá nhân. Những người tham gia vừa trải qua chia tay đã được thực hiện một bản tự đánh giá mức độ phát triển cá nhân và trả lời các câu hỏi về dự định trong tương lai.

Kiểu người thay đổi tích cực nhất là những người tập trung phát triển cá nhân. Họ hướng vào cải thiện đặc điểm bản thân, thay đổi niềm tin và tính cách tích cực sau khi chia tay. Đây cũng là những người dám thừa nhận lỗi sai của mình trong mối quan hệ.

Kiểu người thứ 2 là kiểu “phát triển môi trường xung quanh”, họ nâng cao học thức và cải thiện mối quan hệ gia đình, bè bạn.

Một kết quả thú vị khác đã cho thấy, ngay cả khi đã cải thiện các mối quan hệ xung quanh tốt hơn, nhưng nếu không thay đổi chính mình thì cá nhân đó vẫn có xu hướng không tìm được người tốt hơn trong tương lai.

Dành thời gian để trưởng thành, không phải cho đau buồn

Ưu tiên phát triển bản thân sau khi chia tay là một cách lành mạnh để tự hồi phục. Để dứt khoát tiến lên về phía trước, bạn cần thay đổi cả cuộc sống thật lẫn “cuộc sống ảo”.

Huỷ kết bạn với người cũ không chắc làm bạn phát triển hơn, tuy nhiên, hãy tự hỏi bản thân “Mình sẽ cảm thấy như thế nào khi thấy người cũ đăng ảnh thân thiết với ai đó, hay đổi trạng thái quan hệ đang hẹn hò cùng người khác?”

Thay vì phải chịu đựng những lời nhắc nhở đau đớn về tình yêu đã mất, hãy tận dụng sự tự do bạn đang có để kết bạn, làm quen với nhiều người khác. Kết thúc một mối quan hệ thật, cũng cần phải cắt đứt cả nó trên mạng ảo, đó là cách chúng ta có thể tự mở một con đường tích cực cho mình để phục hồi sau vết thương tình cảm.

Night-fly

Exit mobile version