Đại Kỷ Nguyên

Mẹ mất tôi bị thím “ngược đãi” suốt 8 năm, sinh nhật thím 60 tuổi tôi làm điều bất ngờ

Tôi tên là Phạm Nam, 35 tuổi, là giám đốc điều hành của một công ty thương mại nước ngoài. Năm tôi học lớp 4, bố mẹ tôi ly hôn. Bố được quyền nuôi tôi, cũng kể từ hôm đó, tôi vĩnh viễn mất đi một thứ, tôi không bao giờ được gặp lại mẹ mình nữa.

Bố làm việc tại một thành phố lớn, ông đưa tôi về nhà bà nội ở một thị trấn nhỏ, hai bà cháu sống nương tựa vào nhau như vậy được một năm thì bà đột ngột qua đời sau cơn đau tim. Hôm ấy, khi thím đón tôi từ lớp học trở về thì bà đã đi rồi, bà nhắm mắt nằm kia như người đang say ngủ và không bao giờ tỉnh lại nữa.

Bà ra đi mà không để lại cho tôi một lời từ biệt. Tôi còn quá nhỏ mà sao ông trời lại nhẫn tâm cướp đi hai người quan trọng nhất đời tôi. Đến tận nửa tháng sau, tôi vẫn không thể chấp nhận sự mất mát quá lớn này, tôi khóc lóc buồn bã, cả ngày chỉ ở yên trong phòng bà, không muốn đi đâu, tôi sợ khi tôi bước chân ra ngoài, hình bóng của bà sẽ biến mất, sẽ vĩnh viễn biến mất.

Thím thấy tôi đau buồn như vậy nên đã đề nghị với bố cho tôi về ở cùng chú thím nhưng tôi không đi. Còn nhớ có lần đêm ngủ tôi lên cơn sốt, sáng hôm sau thím cạy cửa vào thì thấy tôi đờ đẫn như người vô hồn, tôi nằm mê mệt trên giường tay vẫn ôm chặt chiếc chăn của bà. Thím gọi nhưng tôi không thưa mà chỉ cười nói: “Mùi của bà nội dễ chịu quá” thím nghĩ rằng vì tôi quá kích động nên mới thành ra thế này.

Thím lập tức gọi điện cho bố đến đón tôi về, nhưng lúc này bố tôi đã tái hôn. Ông đón tôi về thành phố, tôi sống ở đây tròn một năm. Mẹ kế không ưa gì tôi, lúc nào cũng đay nghiến tôi là đồ con riêng, tôi bắt đầu biết sống cam chịu. Trong một thời gian ngắn tôi bị bốn trường tiểu học từ chối, bố quả thực rất đau đầu vì tôi, nên đưa tôi trở lại nhà thím tại thị trấn. Từ ngày đầu tiên bước chân vào nhà thím, tôi đã bắt đâu bị thím ngược đãi ròng rã suốt 8 năm trời.

Ngày đầu tiên, thím vắt óc viết ra các quy tắc: Thứ nhất, không được phép yêu sớm, nếu không sẽ bị giam trong phòng. Thứ hai, tan học phải về nhà đúng giờ, nếu không sẽ phạt đứng úp mặt vào tường. Thứ ba, mỗi lần làm bài kiểm tra phải đứng thứ 20 trở lên, nếu không sẽ bị ăn đòn.

Cách nói năng của thím vô cùng khó nghe, tôi ghét cay ghét đắng đến nỗi nghiến răng vì giận. Thậm chí kể cả khi mặt mũi tôi hiền lành tội nghiệp nhất thím vẫn nói với tôi bằng cái giọng khó nghe đó. Tại sao trên thế giới này lại toàn những chuyện tàn nhẫn lạnh lùng thế kia? Tôi là thằng con trời không quản đất cũng không quản, sinh ra trên đời mẹ không thương cha cũng không cần. Tôi tự nhiên cũng không muốn học hành gì, thành tích học tập tồi tệ đi trông thấy. Lần đầu tiên thi học kỳ, điểm tổng kết của tôi đứng thứ 2 cuối lớp, về nhà thím hỏi tôi bảng điểm, tôi nói xé nát rồi nên thím đùng đùng nổi giận, không nói năng gì mà cầm một thanh gỗ lên rồi đánh liên tục vào mông tôi, dù tôi có kêu thét cũng nhất định không nương tay.

Sau đó, thím nói chắc nịch một câu: “Hôm nay nhịn cơm!” rồi bế em họ tôi qua nhà bếp ăn cơm. Tôi nhẫn nhịn chịu đựng từng cơn đau, càng đau tôi lại càng tủi càng nhục, nhưng vẫn phải tự giác đứng úp mặt vào tường, đến giờ lại ôm bụng đói lên lớp.

Tôi cũng thử học đòi ăn mặc hầm hố, hút thuốc, uống rượu, chát chít. Nhưng đổi lại chỉ là những trận đánh đập ngày càng tàn nhẫn hơn. Bị đánh xong tôi còn phải viết giấy kiểm điểm, sai một dấu chấm câu cũng không được. Nhiều hôm tan lớp tôi không về nhà đúng giờ, thím không thèm nghe tôi giải thích, hằm hằm chỉ vào góc tường, không nói không rằng gì, và thế là tôi lại không có cơm ăn.

Cứ như vậy, sau vô số lần bị đánh tôi nhận ra rằng tôi thua rồi, tôi thua trong tay thím rồi. Nếu tôi tiếp tục sống theo kiểu này, thì cuối cùng tôi cũng tan xương nát thịt, vì thím không chừng sẽ nghĩ ra những đòn tàn nhẫn hơn để đối phó với tôi.

Thế nên sau mỗi lần úp mặt vào tường tôi lại âm thầm thề với bản thân, nhất định phải học thật giỏi cho các người xem, các người cứ ở đấy mà đợi xem!

Dưới sự giám sát của thím, tôi chính thức bước vào cấp 3, thành tích học tập tuy rằng không cao, nhưng cũng đứng thứ 10 trở lên. Thím có vài lần để lộ nụ cười với tôi, nhưng vẫn lạnh lùng nói: “Không thi đỗ đại học, thì phí cơm phí gạo mấy năm trời, tự mà liệu cái thân đi!”

Tám năm qua, thím luôn như vậy với tôi, không phải đánh thì cũng là chửi. Giờ tôi lớn rồi, thành thanh niên mét tám mươi rồi mà thím vẫn mắng, thậm chí còn mắng chửi rất khó nghe, rằng nếu thi không đỗ đại học thì tôi là thằng ngu ngốc, là thằng đầu lợn, đồ ăn phí cơm phí gạo, là đồ bị cha mẹ bỏ rơi, là thằng ăn xin, ăn xin cũng chả ai cho…

Tôi 18 tuổi, đột nhiên cảm thấy mình cứ bị thím mắng nhiếc như thế này, thật nhục nhã và không còn tí tự trọng nào cả. Cứ đêm đêm tôi ôm hận mà tự thề rằng tôi nhất định phải thi đỗ đại học, tôi phải cho những người dám coi thường, khinh bỉ tôi phải tự tát vào mặt mình, nhất là bà thím của tôi!

Từ khi đó tôi không bao giờ đứng úp mặt vào tường, không yêu đương, và không bao giờ bị nhốt trong phòng nữa. Năm đó tôi thi đỗ vào trường đại học danh giá, khi cầm trên tay giấy thông báo nhập học, thím lấy tay vuốt đi vuốt lại thẳng tắp, nước mắt tuôn trào. Thím nghẹn ngào: “Con chắc rất hận thím? Thím lúc nào cũng tàn nhẫn đánh, mắng con. Thậm chí còn cố tình bỏ đói con… Con có biết lúc con đau, con đói trong lòng thím cũng đau xót lắm không?”

Thím lại cười, nước mắt vẫn lăn tròn trên má: “Thím biết, làm thế này sẽ khiến con ghét bỏ thím, nhưng thím không còn cách nào khác, thím không muốn hủy hoại cuộc đời một đứa trẻ ngoan như con, vì thế thím nhất định phải tàn nhẫn…”

Thật ra vào kỳ cuối năm lớp 12, giai đoạn cập rập nhất ấy, tôi đã dần nhận ra tấm lòng lương thiện của thím tôi. Vì thế tôi cũng trách thím: “Nếu thím tàn nhẫn hơn một chút có khi con đã thi đỗ vào một trường tốt hơn, thím thật đáng trách.” Nói vậy thôi nhưng tôi cũng cảm động hết nước mắt.

Bây giờ, nghĩ lại những ngày tháng đằng đẵng 8 năm bị thím “ngược đãi” tôi mới cảm thấy ngọt ngào làm sao, đúng là khắc cốt ghi xương. Nếu không có sự giáo dục khắc nghiệt ấy thì không biết hôm nay tôi đã thành loại người gì.

Ngày sinh nhật lần thứ 60 của thím, tôi cố tình về nhà và giao chùm chìa khóa vào tay thím, đó là chìa khóa của phòng trồng hoa tôi mua tặng thím. Rồi tôi quỳ sụp xuống chân thím gọi một tiếng: “Mẹ ơi!”

Thiếu Kỳ biên dịch

Xem thêm:

 

Exit mobile version