Đại Kỷ Nguyên

Thở dài nhẹ buông một tiếng, phận nghèo theo suốt ba năm

Cuộc đời của một người như thế nào liên quan rất lớn đến thái độ sống của người đó.

Người xưa nói: “Cuộc sống do chính chúng ta tạo ra, phước lành là tự mình mang đến”.

Một người có số phận như thế nào, liên quan rất lớn đến thái độ sống của người đó.

Một người có đầu óc hẹp hòi, hay tức giận, thường chấp trước những điều nhỏ nhặt rồi buông tiếng thở dài bi quan. Đó là một tính khí rất xấu. Người Trung Hoa có câu: “Thở dài nhẹ buông một tiếng, phận nghèo theo suốt ba năm”. Thở dài một tiếng thì không nghèo ngay được, nhưng những người thường xuyên thở dài sẽ tự tước đi vận may của mình, chiêu mời bất hạnh, xui xẻo.

Đừng thở dài

Một số người thường thở dài vô thức, nó trở thành thói quen khiến tự họ không nhận ra được nữa.

Những người hay thở dài, thường do tâm oán giận, cũng sẽ tạo ra năng lượng xấu xung quanh họ. Một tiếng thở dài sẽ làm tổn hại nguyên khí, mỗi tiếng thở dài sẽ làm giảm đi một phần tự tin. Một người không có ý chí và đức tin làm sao có thể hạnh phúc? Vì vậy, đừng thở dài. Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, bạn càng phải mạnh mẽ và kiên định với niềm tin của mình.

Ảnh minh họa (nguồn: Kiến thức).

“Người hay cười, vận khí thường không kém”. Thái độ sống càng tích cực thì vận khí càng tốt. Nhiều khi, may mắn trong cuộc sống đến từ một thái độ tốt. 

Người Hy Lạp có câu chuyện như sau:

Một cô gái trẻ yêu một chàng trai ở bờ bên kia. Hàng đêm, cô đều thắp đèn trên lầu để chàng có thể bơi qua eo biển.

Vào một đêm trở gió, ánh đèn tắt và chàng trai không thể nhìn thấy ánh sáng nữa. Ngay lập tức, chàng mất niềm tin. Một nỗi buồn xâm chiếm trong tim, chàng lo lắng: “Hay cô ấy không còn yêu mình nữa?”. Suy nghĩ vẩn vơ, chàng mất hết ý chí và đã bị chết đuối.

Ngọn đèn đó giống như niềm tin trong trái tim chàng trai trẻ. Không có ngọn đèn, chàng trai đã mất hy vọng sống.

Con người một khi mất niềm tin thì dễ mất phương hướng và lòng can đảm. Người thường xuyên thở dài sẽ ngày càng mất lòng tin. Theo thời gian, họ sẽ trở nên bi quan.

Tâm niệm như thế nào, sẽ có vận mệnh tương tự như thế. Tâm thái như thế nào, sẽ gặp phải những chuyện tương tự như vậy.

Đừng bao giờ than nghèo

Quỷ Cốc Tử đã nói: “Tu nhất trương phú quý chủy, hưởng nhất thế phú quý mệnh”, nghĩa là tu sửa bản thân, sao cho miệng nói ra những lời tốt lành, thì sẽ được hưởng một vận mệnh phú quý.

Một người muốn giàu có, trước tiên người ấy phải có một trái tim rộng mở, sẵn sàng cho đi, sẵn sàng chia sẻ.

Trong cuộc sống, nhiều người luôn kêu than vì nghèo. Càng kêu than, họ lại càng nghèo khổ. Bởi vì khi đó, người ấy không cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình, cũng không sẵn lòng cho đi điều gì, có xu hướng ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình. Như vậy, họ càng mất đi phúc báo. Hơn nữa, chẳng ai muốn giúp đỡ một người chỉ biết kêu than và không biết nỗ lực phấn đấu cả. Đây là một tâm lý tiêu cực, loại tâm lý này sẽ khiến bạn trở nên nghèo hơn. Do đó, đừng bao giờ than nghèo.

Ngày xưa, có một người đàn ông chạy đến trước mặt một nhà sư và than khóc: “Thưa thầy, tại sao tôi không thể thành công cho dù tôi có làm gì đi nữa?”.

Ảnh minh họa (nguồn: ĐKN).

Nhà sư mỉm cười: “Đó là vì anh không biết cho đi!”.

Anh ta rất hoang mang: “Nhưng tôi không có tiền, thì có thể cho đi cái gì?”.

Nhà sư trả lời: “Một người, ngay cả khi không có tiền, vẫn có thể thực hiện 5 việc thiện này, đó cũng là cho đi”.

“Thứ nhất, nhan thiện, đối xử tốt với mọi người bằng sắc mặt vui vẻ.

Thứ hai, khẩu thiện, nói những tốt đẹp, lời động viên, khen ngợi.

Thứ ba, tâm thiện, đối xử với mọi người bằng sự chân thành và không làm những điều xấu.

Thứ tư, nhãn thiện, nhìn mọi người bằng con mắt ân cần và khám phá những điều tươi đẹp trong cuộc sống.

Thứ năm, thân thiện, giúp đỡ người khác, và làm việc có ích”.

Một người dù nghèo thế nào đi nữa, nếu có thể làm 5 loại việc tốt này, biết cho đi thì cuộc sống sẽ dần thay đổi. Những người không muốn tốt cho người khác, sẽ không bao giờ giàu có. Nhiều người miệng luôn than nghèo, chỉ nghĩ đến bản thân, cuối cùng họ thực sự sẽ ngày càng nghèo.

Những gì bạn nghĩ trong lòng thường sẽ thốt ra miệng, và miệng nói những gì sẽ chiêu mời cái đó, điều này cũng được nhắc đến trong luật hấp dẫn.

Vì vậy, đừng tùy tiện than nghèo, đó là một hành vi thiếu khôn ngoan, cũng thể hiện sự không hài lòng với cuộc sống. Hãy biết ơn và trân trọng mọi thứ bạn có.

Nếu bạn muốn giàu có, hãy ngừng than nghèo, ngừng phàn nàn về cuộc sống, thay vào đó là tu tâm tính, nuôi dưỡng trái tim rộng mở, để lời thốt ra là những điều lành, dần dần chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn.

Thay đổi số phận bắt đầu bằng thay đổi lời nói

Người xưa nói: “Miệng có thể nói những lời đẹp đẽ, cũng có thể nói những lời sát thương. Những điều chúng ta nói, chính là cuộc sống của ta”.

Ảnh minh họa (nguồn: ĐKN).

Những người thường xuyên nói lời tích cực đều sống rất hạnh phúc. Ngay cả khi họ gặp khó khăn, họ cũng dễ dàng vượt qua. Những người luôn thở dài dường như luôn gặp rắc rối.

Điều này là do lời nói của chúng ta có thể tạo ra năng lượng và sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống. Những lời nói tích cực có thể dẫn chúng ta đến một cuộc sống tươi sáng, trong khi những lời tiêu cực có thể mang tới sự bất hạnh.

Trong tác phẩm của Lỗ Tấn, có một bi kịch nổi tiếng là Tường Lâm. Cô ấy có một cuộc sống khốn khổ và tâm cô luôn bất bình. Gặp ai cô cũng than mình bất hạnh. Lúc đầu mọi người cũng thông cảm với cô ấy. Theo thời gian, mọi người xung quanh bắt đầu chán cô.

Trong cuộc sống thực, có rất nhiều người như Tường Lâm, luôn phàn nàn về sự khốn khổ của mình và số phận không công bằng. Những người như vậy sẽ chẳng được chào đón.

Thay vì dành thời gian để phàn nàn, tại sao bạn không nghĩ cách để thoát khỏi rắc rối? Ngôn ngữ có thể thay đổi vận mệnh của mọi người. Những gì chúng ta thường nói có lẽ là một lời tiên tri về số phận của chúng ta. Bất kể cuộc sống thế nào, điều quan trọng nhất, vẫn là thái độ của chúng ta có tích cực hay không.

Miễn là chúng ta có thái độ lạc quan và tích cực, không phàn nàn và cho đi nhiều hơn, chắc chắn cuộc sống sẽ ngày càng suôn sẻ. Thay thái độ, đổi cuộc đời, chính là như vậy!

Huyền Thanh

Theo Secret China

Video xem thêm: Vì sao cổ nhân dạy: Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra?

Exit mobile version