Nhật Bản vốn nổi tiếng với những địa danh độc đáo khiến du khách có những trải nghiệm khó quên. Tuy nhiên khác với những ngôi làng nổi danh khác như Shirakawa-go, Satoyama, Nagoro không mang đến không khí yên ả, thanh bình và những cảnh sống điền viên thơ mộng. Rùng mình và chua xót là những điều mà du khách dễ dàng cảm nhận được khi tới tham quan ngôi làng này.
Nagoro là một ngôi làng nhỏ nằm trên đảo Shikoku, một trong bốn đảo lớn cấu thành nên đất nước Nhật Bản. Ngôi làng nằm trọn vẹn trong một thung lũng nhỏ, cách biệt với thế giới hiện đại, nó còn được biết đến với cái tên “Thung lũng của búp bê”.
Nagoro có 387 cư dân nhưng chỉ có 37 người sống. Số còn lại đều là những hình nộm. Dạo một vòng quanh làng, bạn có thể bắt gặp những hình nộm này. Họ hiện diện ở khắp mọi nơi: trạm chờ xe buýt, bên cánh đồng làng, trước cửa hiệu tạp hóa, trước hiên nhà hay trong trường tiểu học nhỏ của làng. Nếu là lần đầu đến đây, nhiều du khách sẽ bất ngờ, bởi những hình nộm này không chỉ có kích thước giống người thật, mà những khuôn mặt cũng thật đến không ngờ.
Bà Ayano Tsukimi, một nữ cư dân của đảo là người đã may nên 350 hình nộm này cho ngôi làng trong suốt 10 năm qua. Cách đây 11 năm, bà Ayano đã rời Osaka để về sống ở Nagoro này để chăm sóc người cha đã 83 tuổi của mình.
Ý tưởng làm những hình nộm này đến với bà Ayano một cách tình cờ. Khi trở về, người phụ nữ này bắt đầu trồng trọt để có đồ ăn cho gia đình. Tuy nhiên không một hạt giống nào bà gieo có cơ hội sinh trưởng vì chúng bị quạ tha hết. Vậy là bà Ayano tạo ra một hình nộm mang dáng vẻ của cha mình và đặt trong khu vườn. Bàn tay khéo lẽo của bà đã khiến hình nộm sinh động giống như thật, đến mức cư dân đi qua khu vườn còn gửi lời chào của mình đến hình nộm này.
Những hình nộm ở Nagoro không giống ở bất kì nơi nào khác, bởi mỗi hình nộm đều có tên, sổ hộ tịch và tính cách của riêng mình. Bên cạnh đó, mỗi con búp bê vải còn tượng trưng cho một người đã rời bỏ cuộc sống ở làng để định cư ở những thành phố lớn. Khi tới thăm quan, du khách hoàn toàn có thể tìm hiểu về mỗi hình nộm thông qua những tư liệu được đặt ở sảnh lớn của một nơi nghỉ chân trong làng.
Năm 2014, nhà làm phim người Đức Fritz Schumann đã sản xuất bộ phim tài liệu Thung lũng của những con búp bê (Valley of Dolls) kể về cuộc sống tại ngôi làng “đông dân cư” này.
Bà Ayano Tsukimi giải thích với nhà làm phim, bà không muốn tạo ra những con búp bê kì dị. Đơn giản bà chỉ muốn tái hiện lại hình ảnh của những cư dân thân thuộc trong ngôi làng. Cũng vì thế, những búp bê vải bà tạo ra rất hài hòa với khung cảnh chung quanh.
Kể về việc làm ra những con búp bê này, bà Ayano cho biết bà dùng những thanh gỗ để làm khung người rồi dùng dây thừng và đệm vứt đi để làm cơ thể, sau đó dùng vải để làm khuôn mặt và đầu cho hình nộm. Đây cũng là khâu khó nhất trong việc làm búp bê, bởi nó quyết định độ chân thực của búp bê đó.
Ý tưởng này thoạt tiên có thể khiến nhiều người rùng mình. Tuy nhiên, bà Ayano chia sẻ, bà tạo nên những con búp bê này để cuộc sống ở đây bớt cô quạnh.
Sau này, bà Anayo con tạo thêm những con búp bê đặt ở đường dẫn vào làng. Bà biết, khách du lịch có thể thích thú với những hình nộm này và họ sẽ tới thăm quan, sẽ có thêm người tới và trò chuyện với bà.
Những hình nộm công nhân làm đường đã thực sự thu hút nhiều người. Hàng ngày bà Anayo đều có cơ hội tiếp chuyện với những người viếng thăm, điều mà bà mong mỏi rất lâu rồi. Được biết, chồng và con bà vẫn thường về Nagoro đê thăm hỏi và trao cho Anayo những cái ôm ấm áp.
Tuy rất giống người thật, nhưng những hình nộm này cũng có đời sống rất ngắn ngủi. “nhiều nhất là ba năm”, bà Anayo cho biết tuổi thọ tối đa của những cư dân bằng vải này. Sau khi chúng đã hỏng đến thể sửa chữa, Anayo sẽ tự tay chôn chúng như những người làng thực thụ.
Quang cảnh ở Nagoro khiến nhiều du khách cảm thấy trầm lắng. Anayo cho biết có không ít du khách không thích những hình nộm này vì chúng quá thật.
Nhưng những con búp bê trong làng càng thật bao nhiêu, ước mơ những người trẻ sẽ quay về sống trong ngôi làng này của bà Anayo và những người dân khác lại càng mờ mịt bấy nhiêu.
Anayo với đôi bàn tay khéo léo của mình đã vô tình phản ánh quá chân thực một sự thật đáng buồn ở Nhật Bản: Những thành phố lớn thì này một đông đúc, người dân sống trong không gian nhỏ bé, chật chội đến nộp thở. Còn những ngôi làng ở miền quê xa xôi thì càng ngày càng neo người, dân cư già đi theo năm tháng.
Làng Nagoro khiến người tới thăm có những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Ai cũng thán phục tài năng và sự kiên nhẫn của người phụ nữ này. Nhưng sẽ không ít người có thể rơi nước mắt trước cảnh tượng ngôi làng với những dáng hình thân thương nhưng bất động và lặng thinh này.
Không riêng ở Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều những quốc gia phát triển khác cũng phải đối mặt với hiện thực nhiều ngôi làng đang dần bị bỏ hoang như thế này. Một câu hỏi lớn được đặt ra, tại sao con người lại từ bỏ nơi mình sinh ra, từ bỏ mảnh đất chôn dao cắt rốn của mình để phiêu bạt nơi chốn phồn hoa đô hội. Chúng ta đang thực sự tìm kiếm điều gì cho cuộc sống của mình?
Hy Văn