Đại Kỷ Nguyên

Thương con gái bị khuyết tật và tự kỷ, người cha gây quỹ xây công viên 26 tỉ USD

Một người cha ở bang Texas sau khi nhận thấy cô con gái bị khuyết tật của ông không có nơi nào phù hợp để vui chơi và hòa nhập nên đã quyết định xây một công viên cho con. Việc làm của ông không chỉ thay đổi cuộc sống của cô bé mà còn mang đến điều tuyệt vời cho cả xã hội.

Một ngày mùa hè, khi Gordon Hartman vừa ra khỏi bể bơi trong một kỳ nghỉ của gia đình, ông thấy cô con gái Morgan của mình đang tới gần mấy đứa trẻ đang nghịch nước. Cô bé cố kết bạn với bọn trẻ nhưng chúng đã nhanh chóng rời khỏi bể bơi.

Hartman cho rằng bọn trẻ né tránh Morgan vì không biết đối xử với người khuyết tật như thế nào. Con gái Morgan của ông dù 12 tuổi nhưng có nhận thức của một đứa trẻ 5 tuổi và bị chứng tự kỷ.

Việc ấy đọng mãi trong tâm trí Hartman và luôn thôi thúc ông làm việc gì đó cho cô con gái yêu quý của mình.

“Morgan là một quý cô trẻ tuổi tuyệt vời. Khi bạn gặp con bé, bạn sẽ luôn nhận được một nụ cười và con bé sẽ ôm ghì lấy bạn. Nhưng đã quá nhiều lần chúng tôi không thể đưa cháu đi chơi”, ông nói.

Morgan cùng cha chơi đùa vui vẻ ở “Xứ sở thần tiên của Morgan”

Hartman và vợ, bà Maggie, đã hỏi thăm nhiều bậc cha mẹ khác rằng liệu họ có thể đưa con đến nơi nào đó mà cháu cảm thấy dễ chịu đồng thời những người khác cũng thấy thoải mái khi chơi với cô bé.

“Chúng tôi nhận ra rằng không hề tồn tại một nơi như vậy,” Hartman nói.

Năm 2005, nhà phát triển bất động sản đã bán công ty xây dựng của ông để thành lập Quỹ gia đình Gordon Hartman, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ những người khuyết tật. Sau đó ông quyết định dùng số tiền đó để tự mình xây dựng một công viên. Vào năm 2007, “công viên chủ đề cho những người tàn tật đầu tiên trên thế giới” đã được ra đời.

“Chúng tôi muốn có một công viên chủ đề nơi mọi người có thể làm mọi thứ, nơi mọi người, dù tàn tật hay lành lặn, có thể cùng nhau chơi đùa,” ông Hartman nói.

Ông Hartman đã thảo luận với các bác sĩ, nhà trị liệu, các bậc phụ huynh, những người tàn tật và những người bình thường khác để xin tư vấn về các tiện ích. Những tiện ích này được xây dựng trong một mảnh đất rộng 25 hecta tại một hầm mỏ bỏ hoang ở San Antonio, bang Texas.

Một thiết kế đặc biệt giúp các vị khách ngồi xe lăn có thể di chuyển dễ dàng

Công viên trị giá 26 tỷ đôla được gọi là Xứ sở thần tiên của Morgan đã mở cửa vào năm 2010. Những trò chơi giải trí ở đây rất đa dạng, như vòng đu quay, khu thám hiểm và đoàn tàu thu nhỏ dành cho những người khuyết tật. Khách tham quan thường xuyên nói với Hartman rằng đây là lần đầu tiên họ được trải nghiệm những tiện ích như vậy.

Đặc biệt, ở đây còn có cả một vòng quay xe ngựa được thiết kế đặc biệt để những người ngồi xe lăn có thể lên xuống ở phía bên cạnh các con vật. Mặc dù vậy, Hartman tiết lộ rằng ban đầu Morgan rất nghi hoặc trò chơi này.

“Khi chúng tôi khai trương công viên, con bé rất sợ trò chơi này. Con bé không hiểu vì sao nó lại quay vòng tròn và các con vật cứ lên xuống nhấp nhô,” Hartman vừa nói vừa mỉm cười vì sự ngây thơ của cô con gái nhỏ.

Phải mất 3 năm Morgan mới có can đảm chơi trò này.

“Đầu tiên con bé lân la đến gần, rồi nó cưỡi lên một con vật nhưng chúng tôi không bắt đầu quay ngay. Đó là một quá trình rất lâu dài nhưng tới nay, con bé đã rất thích trò này. Vượt qua được những gì con bé sợ hãi có ý nghĩa rất lớn với cháu. Những gì đạt được trong khi chơi có thể rất ít, nhưng với Morgan, đó là một bước tiến rất lớn.”

Từ khi mở cửa, Xứ sở thần tiên của Morgan đã đón hơn một triệu du khách đến từ 67 quốc gia và từ tất cả 50 bang của nước Mỹ. Một phần ba nhân viên ở đây là người khuyết tật và bất cứ vị khách nào bị tàn tật đều được vào cửa miễn phí.

“Tôi nhận thấy Morgan là một trong những người may mắn nhất vì cháu có rất nhiều thứ cháu ao ước. Tôi không muốn tiền bạc, giá cả sẽ là một rào cản đối với những người tàn tật,” ông Hartman nói.

“Chúng tôi vẫn mở cửa quanh năm dù biết rằng chúng tôi sẽ bị lỗ mất hơn 1 tỷ đôla nhưng chúng tôi sẽ bù lại qua việc gây quỹ và qua các cổ đông. Những người bị khuyết tật, họ đã chịu quá nhiều thiệt thòi và bất hạnh. Tôi muốn họ có thể sống một cuộc sống bình thường trong một thế giới dành riêng cho họ. Nhu cầu tối thiểu của con người là như nhau và những người khuyết tật đương nhiên cũng có nhu cầu giải trí và hòa nhập.”

Một vị khách đang ngồi trên xích đu xe lăn và được nhân viên hỗ trợ tận tình

Năm nay công viên chủ đề mở thêm Hòn đảo năng lượng của Morgan, một công viên nước cho người tàn tật.

“Vào tháng 7, có ít người đến hơn vì trời quá nóng. Vì thế chúng tôi quyết định xây một công viên nước ở ngay cạnh,” ông Hartman nói. Mọi trò chơi trên đảo đều dùng nước ấm, như vậy sẽ tốt hơn cho các du khách có những vấn đề về cơ. Những xe đẩy không thấm nước được trang bị động cơ chạy bằng khí nén chứ không dùng pin. Còn có thuyền đi lại trên sông dành cho những người tàn tật.

Tổng chi phí của công viên nước là 17 triệu đôla.

Một công viên nước mới được xây dựng có tên là “Hòn đảo năng lượng của Morgan”

“Hôm qua một người đàn ông đã tới gặp tôi ở đảo và nắm lấy tay tôi mãi,” ông Hartman nói.

“Ông ấy chỉ vào cậu con trai tật nguyền của mình và khóc. Ông nói trước đấy ông chưa bao giờ có đủ khả năng cho con chơi trong công viên viên nước. Ông không nói đến vấn đề giá vé, ông muốn nói rằng chưa từng có nơi nào phù hợp với con trai ông trừ xứ ở thần tiên này.”

Ông Hartman nói ba phần tư số du khách tới công viên không phải là những người bị tàn tật và ông hy vọng công viên sẽ hoàn thành được mục đích và sứ mệnh mà ông mong muốn. 

“Nó giúp con người nhận ra rằng dù chúng ta có một vài khác biệt, rốt cuộc tất cả chúng ta đều như nhau,” ông nói.

“Tôi đã thấy một bé gái ngồi trên xe lăn tiến về phía một bé gái lành lặn, và chúng bắt đầu nô đùa cùng nhau. Điều đó thực sự tốt đẹp.”

Tất cả du khách đều tận hưởng những dịch vụ tuyệt vời ở nơi đây

Hartman không định xây thêm công viên nào nữa, dù ông nhận được hàng trăm lá thư và thư điện tử từ những người muốn xây một công viên trên mảnh đất riêng của họ. Thay vào đó, ông tập trung vào cung cấp những thiết bị giáo dục cho thanh thiếu niên bị tàn tật ở San Antonio.

“Tôi biết có rất nhiều tổ chức khác nhau đang cố gắng xây dựng những nơi giống như Xứ sở kỳ diệu của Morgan và chúng tôi sẽ cộng tác với họ.”

Ông thường đưa Morgan đến chơi tại công viên và cô bé giống như một nhân vật nổi tiếng vậy.

“Khi con bé tới đấy, cháu trở thành ‘một ngôi sao’! Rất nhiều người muốn trò chuyện và chụp ảnh cùng cháu, cháu rất thích điều này,” ông Hartman nói.

Morgan hiện giờ đã 23 tuổi và ngày càng khoẻ mạnh hơn.

“Nhu cầu tối thiểu của con người là như nhau và những người khuyết tật đương nhiên cũng có nhu cầu giải trí và hòa nhập.”

“Con bé nói nhiều hơn và phần lớn những vấn đề về thể chất của con bé đã được chữa trị qua nhiều cuộc phẫu thuật. Chúng tôi tự hào về những điều cháu đã làm được cho đến ngày hôm nay.”

Khi Morgan tới đây, cô bé thích nhất ngồi ghế đu và nghịch cát. Morgan có lẽ không nhận thức được rằng cháu đã giúp những người khác như thế nào.

“Morgan biết công viên được đặt theo tên của cháu, nhưng tôi không nghĩ cháu hiểu tầm quan trọng của những gì hiện hữu, và nơi đây thực sự đã làm thay đổi nhiều cuộc đời như thế nào,” ông Hartman nói.

Câu chuyện của cha con Hartman đã mang lại nguồn cảm hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là những người không may mắn khi phải chịu những khiếm khuyết trên thân thể. Từ tình thương dành cho con, ông Hartman đã mang điều kì diệu đến với cuộc sống. Những con người luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti và lạc lõng nơi xã hội giờ đây đã có cơ hội được hòa nhập, được sẻ chia, được đồng cảm, được sống cuộc đời bình dị mà họ vốn khao khát.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những nhu cầu và hy vọng của riêng mình, ai cũng mong được sống cuộc đời trọn vẹn cả về tinh thần và thể chất. Tuy nhiên, cuộc sống không thể lúc nào cũng như ý muốn, không phải lúc nào cũng bằng phẳng, dễ dàng. Thế giới còn rất nhiều người yếu đuối cần che chở, rất nhiều người bất hạnh cần sự giúp đỡ của đồng loại. Chúng ta hãy mở lòng và dành cho nhau tình yêu thương, lòng bao dung chân thành, rộng lớn nhất của mình. Hãy làm cho thế giới của chúng ta trở thành một nơi đáng sống và sống hạnh phúc.

Xuân Dung 

Xem thêm

Exit mobile version