Đại Kỷ Nguyên

Thương em bé không có Tết Trung Thu

Là giáo viên tiểu học, hàng ngày tiếp xúc với các em, tưởng mình hiểu các em rõ mồn một chỉ trong một cái liếc mắt. Nhưng có lần tôi đã nhầm, tôi không thể đoán được một chuyện gì đang xảy ra!

Em mặc một chiếc áo đồng phục cũ, màu cháo lòng, nhiều vết ố bẩn, rộng thùng thình, đi đôi dép rọ cũng cáu bẩn, khoác cặp cũ kỹ, đi nghiêng ngả như chết đói, mắt thất thần, gương mặt đượm buồn, pha chút phớt đời, không nhìn ai.

Cậu này có vẻ ngỗ ngược đây, nhưng sao lại trông thất thểu như là rất đói ấy nhỉ. “Em trông sao như đang đói à?” Tôi hỏi,  em không nói gì. Đúng là bướng rồi !. “Cô có bánh đây, em có ăn không?” Lần này thì em ngước lên, lí nhí cám ơn và chìa tay ra. Tôi đưa gói bánh quy nhỏ vẫn mang theo để phòng khi đói, em bóc ra ăn ngay, như thể là đói lắm.

“Sáng nay em không ăn sáng à?” “ Thưa cô, em không bao giờ được ăn sáng ạ!”.

Sửng sốt, tôi không tin được vào tai mình, chuyện gì xảy ra vậy? nhưng vào giờ học rồi, để tìm hiểu sau. Ngay buổi tối tôi xem hồ sơ học sinh và gọi điện cho phụ huynh để nhắc nhở về việc đã để con nhịn đói đi học và ăn mặc quá lôi thôi, ảnh hưởng đến nhà trường.

Gặp bà ngoại cháu, mới biết hoàn cảnh éo le thật đáng thương. Bà nói bố mẹ cháu vay tiền buôn bán làm ăn, có thời gian thịnh thì khá lắm, nhưng khi nền kinh tế gặp khó khăn, khách hàng xù nợ nhiều, không có tiền trả nợ mấy chục tỷ cho ngân hàng nên cả hai đều đang ở tù về tội kinh tế. Con không có ai nuôi, nên cháu đến ở với bà từ ba năm nay rồi, bà ở một mình, không có lương hưu, không có nguồn thu nhập nào ổn định. Bà phải kê mấy viên gạch ra góc hồ để bán nước trà đá, thu nhập bữa có bữa không, ngày nhiều thì được vài chục ngàn, ngày mưa thì không ra bán được, nên không có tiền.

Vì thế tất cả đồ dùng của cháu từ quần áo, dép, cặp sách, sách vở đều do bà xin từ hàng xóm, có sao dùng vậy, quần áo đều rộng thùng thình.

Về việc ăn uống thì từ trước tới giờ bà không bao giờ có thức ăn để ăn sáng, nên cháu cũng phải nhịn đói đi học, bữa trưa về nhà có gì ăn nấy, hôm có hôm không, chỉ có buổi chiều là có cơm, bà phải cố lắm mới lo được cho cả bà cháu không chết đói. Các cháu đi học được là may rồi, chẳng thể xin ai giúp đỡ, vì bà nghĩ rằng ai lại giúp đỡ con tù nhân đây. Với em thì trung thu chỉ có trăng, còn những thứ như đồ chơi, đèn lồng, bánh trung thu thì quá xa vời !

Bà cũng cố gắng vay mượn để đóng các khoản tiền đầu năm học, nhưng đóng tiền ăn trưa để ăn tại trường thì bà không có. Đến giờ ăn trưa, các bạn ăn tại lớp, còn em mang cái bụng rỗng về nhà, nhưng em cũng không biết có gì ăn không, em nhịn đã quen rồi. Bà thương cháu lắm, tám tuổi học lớp ba rồi nhưng người bé tẹo, chẳng bằng được như các bạn. Thôi đành phải cố cho qua ngày.

Còn biết bao nhiêu con cái của những người đang ở trong tù vì đủ các tội danh phát sinh trong kinh tế thị trường,  khi mà đạo đức xuống dốc, chỉ vì đồng tiền, chỉ vì danh vọng, chỉ vì những tham muốn nhất thời của người lớn mà đẩy biết bao em nhỏ vào hoàn cảnh éo le như vậy. Mong rằng, những người lớn, những bậc làm cha, làm mẹ hãy suy nghĩ trước khi hành động vì con cái của chính mình.

Chuyện học sinh bị chết đuối vì đói lả trên đường đi học về

Còn nhớ chuyện đau xót cách đây hai năm, ngày 26/9/2014, trên đường đi học về, em Phạm Thị Nhung (sinh năm 2006, trú tại xóm 6 xã Đức Bồng, Huyện Vũ quang, Hà tĩnh) là học sinh lớp 3A trường tiểu học Đức Bồng, bị chết đuối vì đói lả trên đường đi học về.

Sáng ấy, Nhung đến trường với cái bụng rỗng tuếch, tới trưa, do quá đói Nhung đã xin cô giáo một hộp sữa để uống chống đói. Tan học, bố Nhung đến trường đón em về, bố Nhung đi xe đạp chở 2 em của Nhung đi phía sau còn Nhung đạp xe đi trước một đoạn.

Nhung đi đến chân cầu Động, cách Trường 2km thì loạng choạng, đâm xe vào thành cầu và rơi xuống kênh nước. Lúc đó, bố Nhung đi gần ngay ở phía sau em. Thấy con rơi xuống nước, vội vàng nhảy xuống xe, hô hoán mọi người để cứu giúp nhưng không kịp.

Khi tìm vớt được thi thể Nhung, ai cũng rơi nước mắt khi nhìn thấy bộ quần áo ướt sũng trên người em đã cũ rách. Mọi người về nhà tìm quần áo thay cho Nhung mà không có bộ nào còn lành nguyên. Ba đứa em của Nhung cũng đang đói lả.

Hàng xóm láng giềng đến giúp làm đám tang cho em thì thấy gia đình không còn gạo nấu cơm cúng, bát đũa cũng không đủ bộ sáu cái.

Năm nay, các em của Nhung cũng vẫn đói, cũng sẽ không được phá cỗ Trung thu.

Giấc ngủ của các em liệu có được no tròn? (Ảnh: Internet)

Bạn có biết cả nước có 6 triệu trẻ em nghèo và cận nghèo?

Theo số liệu năm 2013 có 3,24 triệu hộ dân nghèo và cận nghèo, với bình quân mỗi hộ 2 em, thì có khoảng 6,48 triệu trẻ em con của những hộ này, đang sống rất nghèo đói. Gần 6,5 triệu trẻ em thuộc gia đình đói nghèo Tết Trung thu này có thể không có cỗ để phá.

Đối với các em, chỉ cần no cái bụng là may mắn lắm rồi, còn nghĩ chi đến phá cỗ Trung thu. (Ảnh: Internet)

Bữa cơm đạm bạc với 1 ít canh loãng và muối ớt cho nuốt xuôi cơm. (Ảnh: baodatviet.vn)

Trong cái giá lạnh của vùng cao, nhiều em không có đủ quần áo để mặc, nói gì đến một chiếc áo ấm. (Ảnh: baodatviet.vn)

Cô học trò nhỏ đi một chiếc dép, một chiếc ủng, tất cả đã cũ mèm

(Ảnh: Nhà báo Mai Thanh Hải/baodatviet.vn)

Hỉnh ảnh một em bé phải lội xuống đồng cấy lúa khiến nhiều người cảm thấy xót xa. (Ảnh: Internet)

Một mùa Trung thu nữa lại đến, những đứa trẻ nghèo đói, ước mơ có bộ quần áo mới, rước lồng đèn chỉ như một giấc chiêm bao. Mỗi dịp Trung thu về là mỗi lần chúng ta chạnh lòng cảm nhận được nỗi khổ của các em.

Thành Tâm

xem thêm:

Những bức ảnh cảm động lan tỏa trên mạng xã hội

Xúc động chuyện Tết Trung Thu em được ăn phở!

 

Exit mobile version