Đoạn video này được ghi tại hòn đảo Baffin, miền bắc Canada, ghi lại hình ảnh một chú gấu trắng Bắc Cực đang lảo đảo bước đi trên mặt đất không băng, không tuyết. Trong khi đó, băng tuyết là một phần thiết yếu trong cuộc sống của loài động vật này. Điều gì sẽ đến với con vật đáng thương?
Khi làm việc trên hòn đảo Baffin, thuộc bán đảo phía Bắc Canada, nhiếp ảnh gia Paul Nicklen và các thành viên của tổ chức bảo vệ môi trường Sea Legacy đã có một cuộc gặp gỡ mà không ai trong số họ có ước muốn lặp lại một lần nữa: Một chú gấu Bắc cực sắp kết thúc cuộc sống vì đói khát.
Chú gấu này đang trong tình trạng gầy trơ xương, sắp lả vì đói. Nó chậm chạp lê bước trên mảnh đất cằn cỗi không có đến một vạt tuyết bao phủ. Nó đang cố gắng dùng chút sức lực cuối cùng, nặng nhọc lê đi tìm thức ăn.
Ngay từ thời thơ ấu, khi lớn lên ở vùng đất giá lạnh phía Bắc Canada, nhà sinh vật học đồng thời cũng là nhiếp ảnh gia Nicklen đã có cơ hội nhìn ngắm hơn 3000 chú gấu trắng đang sinh sống trong tự nhiên. Nhưng, một chú gấu gầy còm và yếu đuối như thế này là lần đầu tiên anh nhìn thấy.
“Chúng tôi đã khóc khi quay lại những thước phim này, những giọt nước mắt cứ rơi trên gò má, không sao kiềm lại được”, nhiếp ảnh gia chia sẻ với trang National Geographic.
Sau khi video này được đăng tải, rất nhiều người dùng mạng đã đặt câu hỏi, tại sao ông cùng những người đồng nghiệp không can thiệp để trợ giúp chú gấu. Paul Nicklen đã trả lời rằng chú gấu tội nghiệp này là một con vật hoang dã và khi ấy họ không có súng để gây mê cho nó, việc tiếp cận vì thế sẽ rất nguy hiểm. Chưa kể đến cho một con vật hoang dã thức ăn là phạm pháp ở Canada.
Nhưng quan trọng hơn, theo phân tích của trang National Geographic, nếu Nicklen thực sự làm điều gì đó cho chú gấu thì việc đó cũng sẽ chỉ kéo dài sự đau đớn của nó mà thôi.
Không thể giúp đỡ được chú gấu, lại chứng kiến cảnh nó phải kiếm ăn từ thùng rác của người dân chài, rồi nằm trên mặt đất như thể sự sống cứ cạn dần từng chút một, tất cả những điều ấy đã để lại trong tâm hồn của Paul Nicklen một sự ám ảnh. Ấn tượng đau buồn ấy thôi thúc ông phải chia sẻ đoạn phim chân thực này, để mọi người có thể nhìn thấy được sự sống trên trái đất theo một góc nhìn khác. Góc nhìn mà không mấy ai trong chúng ta có cơ hội được tận mắt chứng kiến.
“Khi các nhà khoa học nói loài gấu sắp tuyệt chủng, tôi muốn mọi người thấy được cảnh tượng đó trong thực tế. Hình ảnh thực sự ám ảnh tôi, nhưng tôi biết chúng ta cần phải chia sẻ nó để phá tan bức tường của sự thờ ơ đang hiện hữu ngoài kia”, Nicklen bày tỏ.
Chúng ta đã nghe nói quá nhiều về biến đổi khí hậu, nhưng cụm từ này dường như còn rất xa lạ với nhiều người. Bởi chúng ta chỉ biết đến sự biến đổi đó qua những con số, những báo cáo khoa học, những hình minh họa, hoặc chân thực nhất là những tấm ảnh. Thiếu đi một góc nhìn thực tế về “hậu quả của biến đổi khí hậu” đã tạo dựng nên sự thờ ơ rất lớn của con người đối với vấn đề này.
Liệu đây có phải là lý do để Paul Nicklen tin tưởng rằng đoạn phim mà ông và các đồng nghiệp ghi lại được có thể phá vỡ “lớp băng” trong trái tim của con người, giúp họ kết nối được với “nỗi đau thầm lặng” mà những sinh vật khác trong tự nhiên đang nếm trải trong sự nóng lên của trái đất?
Các nhà khoa học dự báo rằng, với tình trạng nóng lên toàn cầu, cùng tốc độ băng tan kỷ lục ở thời điểm hiện tại, gấu Bắc Cực sẽ tuyệt chủng trong vòng 100 năm tới. Bởi băng tan đồng nghĩa với môi trường sống chính yếu của gấu Bắc cực sẽ ngày càng bị thu hẹp. Không có những khối băng lớn, loài gấu trắng sẽ không thể tiếp cận với hải cẩu – nguồn lương thực dinh dưỡng và phù hợp nhất với chúng. Đồng thời băng tuyết cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nòi giống của loài gấu xứ lạnh này.
Cuộc gặp gỡ đau buồn này sẽ giúp mọi người cảm nhận rõ hơn bao giờ hết cảnh tượng mà 25.000 con gấu Bắc Cực trên thế giới rất có thể đã đang và sẽ trải qua: “Một cái chết đau đớn và từ từ”.
Có thể sẽ có người phản đối và cho rằng, việc một chú gấu Bắc cực chết đói không thể đưa đến kết luận rằng chúng đang chịu đựng sự nóng lên của khí hậu. Bởi có rất nhiều những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến khả năng săn mồi của chú gấu này như tuổi tác, hoặc một thương tật nào đó khiến chúng mất đi khả năng săn mồi. Các cá thể gấu bắc cực bị chết đói là không hề hiếm trong đời sống tự nhiên.
Tuy nhiên, các báo cáo khoa học hiện tại đang chỉ ra rằng, lượng băng ở hai cực của trái đất, đặc biệt là băng ở Bắc Cực đang tan chảy nhanh ở mức độ kỷ lục. Theo tạp chí ScienceDaily, mỗi năm, vùng biển băng tại Bắc Băng Dương thường tan chảy trong suốt mùa xuân, mùa hè, sau đó hình thành trở lại vào những tháng mùa thu và mùa đông. Mức độ tan chảy thường đạt cực điểm vào thời điểm giữa tháng hai và tháng tư, nhưng sau đó sẽ tiếp tục hình thành trở lại. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, mùa hè (mùa băng tan) ở Bắc cực thường kéo dài hơn và mùa đông (mùa băng hình thành) đang bị thu ngắn lại.
Rất nhiều những kỷ lục về lượng băng tại Bắc Cực đang được thiết lập. Nhưng đây đều là những kỷ lục đáng báo động cho sự an nguy của trái đất. Báo cáo thường niên do Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) công bố năm 2017 cho thấy nhiệt độ đại dương ở Bắc Cực đang tăng lên và lượng băng biển đang giảm xuống mức chưa từng thấy trong 1.500 năm. Hơn thế nữa, báo cáo còn cho biết những thay đổi đột ngột này trùng khớp với sự gia tăng mức độ CO2 trong không khí.
Những số liệu tưởng chừng xa lạ và không liên quan tới cuộc sống của con người trong đất liền. Tuy nhiên, nhưng hình ảnh mà các nhà động vật học, các nhiếp ảnh gia giống như Paul Nicklen ghi lại được đang báo động với chúng ta rằng: Con người đang khiến trái đất nóng lên, nước biển cũng nóng lên và sự kết thúc đang lặng lẽ đến gần con người hơn bao giờ hết.
Hãy cùng nhìn ngắm thêm một vài những hình ảnh đau lòng khác đang minh họa cho sự sống bị rút dần khỏi cực bắc của hành tinh. Có lẽ không lâu nữa, những cái chết từ từ và đau đớn như thế sẽ cập bến đất liền của chúng ta?
Vậy rốt cuộc mối liên hệ của chúng ta với những tấm ảnh đau lòng này là gì?
Do đâu nước biển nóng lên, khí hậu thay đổi khiến băng không thể hình thành? Nhìn lại lịch sử, kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra tại Châu Âu, sự hài hòa của con người và môi trường thiên nhiên đã dần bị phá vỡ. Người ta dần quen với việc khai thác nhiều hơn từ thiên nhiên mà bỏ qua những hậu quả có thể ấp đến trong tương lai.
Từ đó, những thảm họa môi trường và thiên tai cũng dần trở nên thảm khốc. Liệu có phải “Chủ nghĩa vật chất” mà chúng ta đang tôn sùng chính là nguyên nhân sâu nhất cho những cảnh tượng đau lòng này? Hãy cùng suy ngẫm.
Hải Lam