Trong khi người lao động trong nhiều ngành, nghề đang hân hoan với các khoản tiền thưởng cuối năm thì các thầy cô giáo vùng cao gần như không có khái niệm “thưởng Tết”.

“Thưởng Tết” bằng chai nước mắm, gói hạt hướng dương…

Thầy Hoàng Văn Hoàn, giáo viên trường Dân tộc Bán trú THCS Ngọk Tem, xã Ngọk Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, bộc bạch: “Thực tế việc dạy và học đã rất thiếu thốn, chúng tôi cũng không trông chờ gì có thưởng Tết. Dịp Tết, quà Tết chủ yếu mang giá trị tinh thần là chính, năm là chai dầu ăn, năm là gói mì chính, chai nước mắm hay có năm được gói hạt hướng dương về ăn Tết. Trường thương giáo viên lắm, nhưng kinh tế không có, nên có năm thì thưởng thêm được 100.000 đồng, có năm thì được 200.000 đồng”, theo Soha đưa tin.

Thầy Hoàn tâm sự, trong cái khó, ló cái khôn, mỗi dịp giáp Tết, vợ chồng thầy Hoàn vẫn thường xuyên dậy sớm từ 3, 4h sáng, vào các chợ đêm trong bản, mua lá dong rừng, cau để mang về thị trấn bán. “Chủ yếu lấy công làm lãi, bán ít lá dong cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng có vài đồng ra đồng vào thêm thắt cũng đỡ hơn”.

Cùng cảnh ngộ với thầy Hoàn, cô giáo Lò Phương Hoa (Văn Chấn, Yên Bái) chia sẻ trên VTC News rằng hơn 16 năm thâm niên công tác giáo dục vùng cao, cô luôn hiểu chuyện thưởng Tết là điều xa xỉ và cũng chẳng ai dám mơ ước nhiều. Vật giá ngày một leo thang đến chóng mặt nhưng tiền lương vẫn cứ “èo uột”.

Thế nhưng, cô Hoa lúc nào cũng vui vẻ mỗi khi Tết đến. Cô cùng đồng nghiệp luôn động viên nhau “Có tiền nhiều thì ăn Tết to, tiền ít thì ăn Tết nhỏ, khéo co rồi cũng xong cái Tết”.

Thắt lưng buộc bụng cả năm để dành tiêu Tết

Thầy Nguyễn Hoài Giang, Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Sơn 2 xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ tâm sự, để có quà Tết cho giáo viên, các trường đều phải chi tiêu cực kỳ tiết kiệm, tằn tiện từng đồng với có được. Các ngày lễ, để động viên tinh thần giáo viên, trường cũng chỉ mua bánh kẹo ăn cho vui, liên hoan văn nghệ cây nhà lá vườn, theo Soha.

Cái Tết của các thầy cô giáo vùng cao giản dị mà ấm tình người. Ảnh: Giáo dục và Thời đại.

Còn thầy Lê Thế Anh, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở dân tộc bán trú Lùng Tám (Hà Giang) cũng chia sẻ trên VTC News, để đảm bảo các thầy cô giáo đều được thưởng và đặc biệt giúp đỡ các cá nhân đặc biệt khó khăn ở xa, trường luôn dự phòng một quỹ riêng dành hỗ trợ các thầy cô.

Ví dụ như những ngày lễ 20/11, 8/3, 20/10… lẽ ra các thầy cô được tổ chức liên hoan ăn cơm, nhưng trường chỉ nên gói gọn ăn uống đồ ngọt nhẹ nhàng. Cứ mỗi sự kiện lại tối giản chi một chút để đưa tiền vào quỹ chung. Rồi đến cuối năm giáo viên nào cũng được thưởng Tết, phần nào thấy yên tâm công tác hơn rất nhiều, thầy Thế Anh chia sẻ.

Nghề giáo – bình dị mà cao quý

Câu chuyện “thưởng Tết” của các thầy cô giáo vùng sâu vùng xa khiến người đọc hiểu thêm về nỗi vất vả cũng như tấm lòng đáng quý của những người lái đò. Như bài thơ nổi tiếng “Có nghề nào như nghề giáo chăng?” của thầy Vũ Đức Cảnh (Hải Dương):

“Có nghề nào nhắc đến bỗng thấy thương?

Cuộc sống dù nghèo, áo mặc cần phải đẹp,

Suy nghĩ thật nhiều, khi chỉ mua đôi dép,

Thon thót giật mình khi hàng xóm cưới xin”.

Nhưng trên tất cả:

“Mỗi đông về sương giá, lạnh tái tê,

Thầy vẫn ấm vì tình yêu của những người trò nhỏ,

Là động lực giúp thầy vượt muôn ngàn gian khó,

Vững lái con đò, đưa em đến bờ vui”.

Thanh Ngọc (tổng hợp)

Video xem thêm: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm

videoinfo__video3.dkn.tv||2902105be__