Giả sử bạn đi du lịch đến một thành phố mới mẻ. Dạo qua khắp nơi và muốn tìm chỗ để vứt rác, nếu con đường bạn đang đứng là nơi lịch sự sang trọng, bạn sẽ kiên nhẫn tìm cho được một thùng rác. Nhưng nếu đó là một con ngõ bẩn thỉu và ít người qua lại, bạn sẽ không ngần ngại ném mớ rác trong tay vào một đụn rác gần mình nhất. Có vẻ đó là hành động khá hiển nhiên, nhưng nó lại là biểu hiện của một lý thuyết về tâm lý được nhiều người thừa nhận: “Thuyết cửa sổ vỡ” do hai nhà tội phạm học Jame Q. Willson và George Kelling đưa ra.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tội phạm là hệ quả tất yếu của sự vô tổ chức và suy đồi của đạo đức. Nếu một chiếc cửa sổ bị phá hỏng, vỡ vụn mà không ai đến để sửa chữa thì những người đi ngang qua sẽ cho rằng nơi đây không được ai quan tâm, và không ai phải chịu trách nhiệm trước hiện trạng này. Rồi không lâu sau, nhiều cánh cửa khác cũng sẽ bị đập vỡ, dần dà ý thức về sự vô chủ và hỗn loạn sẽ bị lan rộng, truyền tải đi dấu hiệu về những gì đang diễn ra.
Cũng theo những nhà nghiên cứu này, trong một thành phố, những vấn đề tương đối nhỏ như sơn vẽ trên tường, gây mất trật tự công cộng và trấn lột chính là dấu hiệu của những cửa sổ vỡ, là một khởi đầu nghiêm trọng để những tội ác lớn hơn diễn ra.
Bạn có thể áp dụng Thuyết Cửa sổ vỡ như thế nào cho chính mình?
Nhìn bề ngoài Lý thuyết cửa sổ vỡ chỉ là một cách mô tả nguyên nhân xảy ra tội phạm ở các thành phố. Nhưng thực ra nó cũng có thể giúp bạn tự thay đổi bản thân và giải quyết những tình trạng tồi tệ đang diễn ra trong cuộc sống của mình.
Hãy tưởng tượng bạn mới đến sống ở một khu dân cư mới, bên cạnh nhà bạn có hai người hàng xóm. Một ngôi nhà có vườn hoa khá đẹp mắt với những bông hồng lung linh trong gió mà chắc chắn cần phải chăm sóc tỉ mỉ chúng mới có thể ra hoa. Một ngôi nhà khác thì đầy rác rưởi trước cửa, dường như chẳng ai quan tâm dọn dẹp, những bức tường bị phủ kín bởi những nét vẽ nghuệch ngoạc xấu xí. Bạn sẽ lựa chọn làm quen với chủ nhân ngôi nhà nào. Một lựa chọn rất đơn giản mà hầu hết mọi người đều sẽ làm đó chính là làm quen với chủ nhân của ngôi nhà có khu vườn xinh xắn.
Nếu bạn học trong một lớp có toàn học sinh ưu tú, bạn sẽ có nhiều động lực để học hành chăm chỉ, hoặc chí ít là hoàn thành bài tập về nhà với mức đạt. Nhưng nếu phải ngồi trong một lớp toàn học sinh cá biệt, bạn chẳng có lý do gì để làm điều đó. Các giáo viên bất lực và buông bỏ, ban giám hiệu có thể cố gắng kiểm soát lũ học sinh không nghịch ngợm thái quá nhưng cũng không có đủ khả năng cải thiện tình trạng học tập của lớp.
Tất cả những chi tiết nhỏ bé đến với bạn như môi trường sống, những người mà bạn chơi, căn hộ bạn đang ở đều có tác động lên chính bạn và cách người khác đối xử với bạn. Hiểu được điều này bạn sẽ có thể dễ dàng định vị những điều mình cần cải thiện để có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hãy dần quen với việc chăm chút vẻ bề ngoài, một bộ quần áo tươm tất khi gặp người khác, một lối sống lành mạnh và những mối quan hệ tích cực. Phong thái làm việc, giọng nó và biểu cảm khuôn mặt cũng đang vô tình tạo nên những ô cửa sổ vỡ để người khác đánh giá về bạn. Khi bạn thấy rằng người khác không thay đổi cách ứng xử tiêu cực với bạn, rất có thể là do những ô cửa sổ ấy không thường xuyên được bạn sửa chữa qua nhiều năm tháng gây ra
Đặt vị trí của mình vào người khác
Thuyết cửa sổ vỡ cũng rất hữu ích khi bạn muốn đánh giá người khác một cách khách quan ở nhiều khía cạnh.
Nó giúp chúng ta thông cảm với những khuyết thiếu của người khác. Rõ ràng rằng bạn ăn mặc xuề xòa không có nghĩa là bạn khó gần. Một người đến trễ hẹn trong lần gặp mặt đầu tiên chưa chắc đã là người thiếu chuyên nghiệp trong công việc, rất có thể họ gặp một chuyện đột xuất nào đó. Chúng ta chỉ cần đơn giản hiểu rằng, nếu có suy nghĩ không tốt về một ai đó, bạn cần cân nhắc xem liệu chính bạn có đang rơi vào cái bẫy tâm lý: “Cửa sổ vỡ” hay không. Điều này cũng giải thích cho một hiện tượng rằng, người ta thường để ý đến điểm yếu của người khác mà không quan tâm đến điểm mạnh của họ. Nếu hiểu rõ điểm này, bạn có thể có được những nhận xét khách quan hơn về người khác.
Ở một khía cạnh khác, người ta thường chỉ quan tâm đến điểm mạnh của người thân cận hoặc người mình yêu thương và sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm của họ. Đó là lý do mà các cô gái thường bị cho là có tình yêu mù quáng để cuối cùng phải ân hận với những lựa chọn của mình. Bạn cần phải sớm nhận ra các dấu hiệu của một người không chung thủy, thiếu trung thực ngay trong những cử chỉ hàng ngày. Nếu anh ta có những cử chỉ đùa bỡn thái quá, lười nhác trọng việc dọn dẹp nhà cửa, thường xuyên trễ hẹn, rất có thể đó là dấu hiệu của một người có lối sông hưởng thụ, chỉ biết nghĩ cho bản thân, và thiểu đạo đức.
Cũng giống như một chiếc cửa sổ bị vỡ, nếu một người chỉ vô tình phạm lỗi và sớm sửa chữa sai lầm của mình không để nó tái diễn, chúng ta có thể bỏ qua. Nhưng nếu ai đó liên tục lặp lại sai lầm này, có nghĩa rằng khung cửa sổ tâm lý của anh ta rất có thể không được lành lặn. Trong cuốn sách “Điểm bùng phát” của tác giả Malcolm Gladwell đã trích dẫn lý luận của thuyết Cửa sổ vỡ và đi đến kết luận rằng: Đừng nên xem nhẹ những chuyện nhỏ. Chúng có thể tạo nên những biến đổi to lớn”. Những lỗ thủng nhỏ cũng có thể làm chìm một con thuyền, đã đến lúc chúng ta phải để ý hơn đến những hành động nhỏ của chính bản thân mình và những người xung quanh.
Trọng Đạt