Đại Kỷ Nguyên

Của cho không bằng cách cho: Bài học về cách làm tình nguyện của người Mỹ

Nhiều người có tấm lòng nhân hậu và tinh thần tương thân tương ái. Tuy nhiên, những việc đơn giản như cho đi cũng cần phải có trí huệ, bởi chúng ta có thể đang vô tình dung dưỡng cho sự dựa dẫm, ỷ lại. Cách hành xử của tình nguyện viên người Mỹ trong câu chuyện dưới đây rất đáng suy ngẫm về sự cho đi.

Hẳn nhiều người khó mà hình dung được khung cảnh nghèo đói ở Rwanda, châu Phi. Những tình nguyện viên đến từ châu Á sau khi xuống xe, nhìn thấy những đứa trẻ da đen, hốc hác, không một mảnh vải che thân chạy về phía mình. Có lẽ những cô bé, cậu bé này rất hiếm khi nhìn thấy những chiếc xe lớn như vậy. Có một đứa trẻ gầy teo tóp, nhìn các tình nguyện viên với ánh mắt rất đáng thương, khiến họ thấy lòng trĩu nặng và quay lại xe, định lấy các vật phẩm tặng cho đứa trẻ này trước.

Ảnh minh họa.

Đột nhiên, một tình nguyện viên người Mỹ hét lớn: “Các bạn định làm gì vậy? Hãy nhanh chóng bỏ xuống!”.

Các tình nguyện viên châu Á sững lại, vô cùng ngạc nhiên. Họ không biết mình đã làm sai điều gì và tự hỏi không phải chúng ta đến để làm công tác từ thiện sao?

Tình nguyện viên người Mỹ lúc này cúi xuống nói chuyện với cậu bé: “Xin chào, các cô chú đến từ rất xa. Trên xe có rất nhiều đồ, cháu có muốn giúp cô chú di chuyển chúng xuống không? Cô chú sẽ trả công cho cháu”.

Cậu bé ngập ngừng. Khi đó, có thêm rất nhiều trẻ em khác chạy đến, tình nguyện viên người Mỹ nói lại điều này với lũ trẻ.

Một đứa trẻ tiên phong, đi về phía xe, vác một thùng bánh quy đặt xuống đất.

Tình nguyện viên người Mỹ cầm lên một tấm chăn và một thùng bánh quy đưa cho cậu bé và nói: “Cảm ơn cháu rất nhiều, đây là phần thưởng cho cháu, các cháu bé khác có muốn giúp cô chú một tay không?”.

Ảnh minh họa.

Các trẻ em khác bao quanh họ và nhìn với ánh mắt khao khát liền gật đầu đồng ý, không lâu xong các đồ đều được dỡ xong. Các tình nguyện viên sau đó tặng các em những mặt hàng cứu trợ mà họ đã chuẩn bị sẵn.

Lúc này có một đứa trẻ khác chạy đến, nhìn thấy hàng hoá trên xe tải đã được dỡ xuống hết liền cảm thấy rất thất vọng.

Tình nguyện viên người Mỹ nói với cậu bé rằng: “Cháu thấy đấy, tất cả mọi người đều làm việc rất mệt mỏi, cháu có thể hát cho mọi người một bài hát không? Tiếng hát của cháu sẽ giúp cho cô chú và các bạn cảm thấy vui vẻ hơn nhiều!”.

Đứa trẻ bắt đầu hát, tình nguyện viên sau đó cũng tặng cho cậu bé một túi đồ như vậy và nói : “Cảm ơn cháu, bài hát của cháu rất hay”.

Những tình nguyện viên châu Á khi nhìn những hành động này đã bắt đầu trở nên trầm tư suy nghĩ.

Vào buổi tối, tình nguyện viên người Mỹ đã nói với tình nguyện viên châu Á rằng: “Tôi muốn xin lỗi các anh vì hành động buổi sáng của tôi, tôi không nên to tiếng như vậy đối với các anh. Nhưng các anh có biết không? Những đứa trẻ nơi đây đã bị mắc kẹt trong nghèo đói, đó không phải là lỗi của chúng. Nhưng nếu chúng ta đem tặng mọi thứ một cách dễ dàng cho lũ trẻ sẽ khiến chúng nghĩ rằng nghèo đói có thể là một cách để kiếm kế sinh nhai, chúng sẽ không cần làm gì cả mà vẫn có cái ăn. Như vậy chỉ khiến chúng càng trở nên nghèo đói nhiều hơn, khi đó đây chẳng phải chính là lỗi của chúng ta?!”.

Ngày hôm đó, các tình nguyện viên đến từ châu Á đã trải qua một ngày đáng nhớ, nhận một bài học về sự cho đi.

Điều này cũng đúng trong giáo dục ở gia đình. Cha mẹ không nên nghĩ rằng tất cả mọi thứ đều có thể dễ dàng cung cấp cho trẻ, điều đó chỉ khiến chúng cảm thấy rằng không cần phải làm gì cũng có thể có được mọi thứ. Mặc dù câu chuyện trên đây rất ngắn nhưng nó thật sự khiến chúng ta phải suy ngẫm sâu sắc về cách chúng ta thực sự muốn giúp một người.

Bạch Mỹ

Video xem thêm: Cho đi cũng cần phải có trí huệ

Exit mobile version