Ngay từ ban đầu, gia đình cô gái đã phản đối việc cô hẹn hò với chàng trai đó. Họ nói rằng nền tảng của hai gia đình không giống nhau và nếu cô lấy chàng trai, cô sẽ phải khổ sở cả đời.
Sự ngăn cản của gia đình làm cho chàng trai và cô gái cũng hay cãi nhau.
Chàng trai thì thấy bị tổn thương, còn cô gái luôn nghĩ chàng trai không thông cảm cho mình và thường hỏi anh: “Anh yêu em được đến mức nào?”.
Chàng trai, vốn không giỏi diễn đạt ngôn từ, nên không phải lúc nào cũng làm cô gái vừa lòng. Cùng với sức ép từ phía gia đình, chàng trai quyết định sẽ đi du học để khẳng định bản thân. Trước khi đi, anh nói với cô gái: “Anh không biết diễn đạt những lời tốt đẹp, nhưng những gì anh biết là anh rất yêu em. Nếu em đồng ý, anh muốn chăm sóc em trong suốt cuộc đời. Anh sẽ cố gắng thuyết phục bố mẹ em. Em cố gắng chờ anh nhé?”.
Cô gái gật đầu, chàng trai đeo cho cô một chiếc nhẫn đính hôn.
Cô gái ra trường, đi làm, còn chàng trai đi du học. Họ gửi tình yêu qua những lá thư và những cuộc điện thoại. Dù rất khó khăn nhưng họ không bỏ cuộc.
Một ngày, trên đường đi làm, cô gái bị tai nạn ô tô. Khi tỉnh dậy, cô đã thấy mình nằm trong bệnh viện với rất nhiều người thân xung quanh. Cô thấy mẹ đang khóc. Khi cô muốn nói một lời trấn an mẹ, cô nhận ra rằng tất cả những gì cô cố gắng phát âm đều không thành tiếng. Cô đã mất giọng nói của mình.
Các bác sĩ nói rằng một phần của não cô đã bị ảnh hưởng, làm cho cô không nói được nữa. Nghe lời mọi người an ủi nhưng bản thân thì không nói được lời nào, cô gái rất suy sụp. Trong bệnh viện, cô gái chỉ khóc một mình, còn khi về nhà, tim cô thắt lại mỗi khi nghe thấy tiếng điện thoại reo. Cô không muốn chàng trai biết tình trạng của mình, và không muốn mình trở thành gánh nặng. Cô viết một bức thư cho chàng trai nói rằng cô không thể chờ được nữa. Cùng với bức thư, cô gửi trả chiếc nhẫn. Hồi âm từ chàng trai là hàng chục bức thư và hàng trăm cú điện thoại mà cô không thể trả lời.
Tất cả những gì cô gái có thể làm, ngoài việc khóc không thành tiếng, là khóc nhiều hơn nữa. Bố mẹ cô gái quyết định chuyển nhà, hy vọng cô gái có thể quên đi quá khứ mà sống lạc quan hơn. Trong môi trường mới, cô gái học ngôn ngữ cử chỉ và bắt đầu một cuộc sống mới. Cô tự dặn mình hàng ngày phải quên chàng trai đi.
Cho đến một hôm, bạn cô tới thông báo rằng chàng trai đã trở về. Cô gái viết ra giấy, dặn bạn đừng nói chỗ ở của cô cho chàng trai biết. Từ đó, cô không nghe tin gì về người mình yêu nữa.
Một năm trôi qua, bạn cô mang tới cho cô một chiếc phong bì, với thiệp mời đám cưới của chàng trai. Trái tim cô gái lại tan vỡ thêm một lần nữa. Nhưng khi mở tấm thiệp, cô rất ngạc nhiên khi thấy tên của cô dâu, không ai khác, chính là cô!
Vừa ngẩng lên định hỏi bạn có chuyện gì xảy ra, cô nhận ra chàng trai đứng ngay bên cạnh mình. Anh dùng ngôn ngữ cử chỉ để nói với cô: “Anh đã học ngôn ngữ này suốt một năm qua. Chỉ để nói rằng anh sẽ ở bên em dù thế nào đi nữa, và anh không quên lời hứa của mình. Anh sẽ là tiếng nói của em, vì anh yêu em”.
Rồi chàng trai nhẹ nhàng đeo lại chiếc nhẫn đính hôn vào tay cô gái…
Tiêu đề do ĐKN đặt. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.
Video xem thêm: Đạo nghĩa vợ chồng trong văn hoá truyền thống