Đến hẹn lại lên, cứ mỗi khi mùa thi cử ở Ấn Độ bắt đầu, hàng chục triệu học sinh phải đối mặt với những bài kiểm tra vô cùng căng thẳng để vào những trường đại học vốn có rất ít chỉ tiêu. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều trường đại học ở nước này có tỉ lệ tuyển sinh khó gấp 10 lần những trường ở Oxford và Cambridge.
“Không phải gian lận mà đây là lối thoát”
Vào mùa thi ở Ấn Độ, không chỉ học sinh và phụ huynh bận rộn mà mạng lưới có tên gọi “mafia gian lận” cũng phải làm việc cật lực. Đây là hệ thống được hoạt động nhằm “giúp đỡ” các học sinh và phụ huynh chạy đua vào các trường Đại học trên đất Ấn.
Theo ước tính, mỗi năm Ấn Độ có khoảng 17 triệu người gia nhập lực lượng lao động, trong khi chỉ có 5,5 triệu người trong số này có được việc làm. Mặc dù tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng không thể đảm bảo cho sinh viên ra trường có một công việc tốt nhưng ở một quốc gia có quá ít cơ hội để tiến vào tương lai như Ấn Độ, người ta gần như chỉ có thể bám víu vào tấm bằng đại học.
Bà Sunita, một phụ huynh đã chi 16.000 Rupee (246 USD) để giúp con mình được “trợ giúp” môn toán trong kỳ thi cuối năm tại một trường trung học ở thủ đô New Delhi, cho rằng: “Không phải gian lận mà đây là lối thoát”. Theo như bà giải thích, trong hoàn cảnh mà cơ hội được học tại trường đại học càng ngày càng khó khăn và cơ hội việc làm thì vô cùng khan hiếm, bà không còn cách nào khác ngoài việc nhờ đến mạng lưới “mafia gian lận”. Trong một kỳ thi vô cùng căng thẳng mà có rất nhiều thí sinh tham dự và tỷ lệ chọi quá cao, tấm vé vào đại học (theo như mô tả của nhân vật là cánh cửa duy nhất vào tương lai) quá hiếm hoi, bà và rất nhiều phụ huynh khác buộc phải lựa chọn điều tốt nhất cho con cái mình, xem như là một cách làm để giải thoát.
Sự dối trá tạo ra một hệ thống giáo dục đổ bể
Vào thời điểm cách đây khoảng 2 tháng, gần 3 triệu học sinh trung học ở Delhi và khu vực lân cận phải thi lại vì 2 đề thi bị lộ 90 phút trước khi bước vào kỳ thi.
Hồi đầu năm nay, Bihar – một trong số những bang nghèo nhất Ấn Độ đã đuổi học hơn 1.000 học sinh vì gian lận thi cử. Ngoài ra, vào năm 2015, bang này cũng trở nên nổi tiếng khắp các mặt báo tại Ấn Độ khi xuất hiện video quay lại cảnh các bậc phụ huynh trèo lên một tòa nhà 5 tầng nhằm “ném phao” cho con mình.
Không những vậy, theo kết quả điều tra hồi năm ngoái, thí sinh có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất của bang này hóa ra là một người đàn ông 42 tuổi. Trong khi đó, thí sinh cao điểm nhất năm 2016 cũng bị phát hiện gian lận và bị tước kết quả thi. Trong một cuộc phỏng vấn, em này đã phát biểu rằng: khoa học xã học thực chất là môn “nghiên cứu về nấu ăn”.
“Ai cũng nghĩ có “phao” điểm sẽ cao hơn, nhưng khi mà điểm của ai cũng cao thì điểm số cũng không còn quan trọng nữa. Phụ huynh và học sinh đều cố sống cố chết để gian lận. Chính phủ thực sự đã hết cách trong việc này. Gian lận diễn ra toàn quốc và ngày càng tinh vi, trắng trợn, không một bang nào có thể đảm bảo tổ chức một kỳ thi đúng nghĩa” – Ông OK Shahi, Trưởng phòng giáo dục bang Bihar cho biết.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp chống gian lận bằng cách cho lắp các camera giám sát trong phòng thi và quanh sân các trường, yêu cầu mọi sinh viên phải cởi giày, tháo tất ở ngoài cửa, thậm chí có nơi còn phải … cắt tay áo thí sinh, tuy nhiên việc chạy theo số lượng thay vì chất lượng, chỉ chú trọng điểm số thay vì đánh giá năng lực thực tế của học sinh đã khiến tình trạng gian lận trong thi cử ở Ấn Độ trở nên vô cùng nan giải. Trong khi đó, không ít trường học còn đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên chỉ dựa trên số lượng học sinh đậu trong các kỳ thi.
Yamini Aiyar, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của Ấn Độ nhận định, nạn gian lận thi cử bắt nguồn từ áp lực quá lớn là cần phải có tấm bằng đại học của các em học sinh, trong khi hệ thống giáo dục chỉ tập trung vào việc xây dựng trường học mới thay vì quan tâm đến chất lượng bên trong đó. “Đây rõ ràng là tín hiệu cho thấy một hệ thống giáo dục đổ vỡ” – bà cho biết thêm.
(Nguồn: Guardian).
Hiểu Minh