Cứ mỗi sớm bình minh hay khi hoàng hôn buông xuống, từ khắp mọi nẻo đường phố cho đến những góc hẻm trong mỗi căn nhà nhỏ trên cao nguyên Thanh Tạng, người ta lại ngửi thấy cái mùi béo ngậy của bơ yak, của vị trà nồng đượm và lại được nghe những câu chuyện rôm rả không hồi kết…
Trà bơ hay còn được biết đến là trà Tây Tạng Po Cha, được làm từ lá trà, bơ yak, nước và muối. Đó là đồ uống truyền thống ưa thích của người Tây Tạng ở Tây Tạng và cộng đồng người Tạng ở Ấn Độ và Nepal.
Món trà bơ thơm ngon là nét văn hóa ẩm thực độc đáo ở miền cao nguyên quanh năm tuyết phủ xứ Tạng, hơn nữa nó còn là một thức uống truyền thống giúp người Tây Tạng sinh tồn. Bởi Tây Tạng là khu vực có độ cao lớn nhất trên trái đất, vì vậy điều kiện sống ở đây vô cùng khắc nghiệt, vậy nên, để có thể tồn tại, không chỉ có áo ấm, họ phải dùng thêm các thức uống vô cùng đặc biệt để làm ấm và tăng cường năng lượng cho cơ thể.
Với khách du lịch, trà bơ giống như một người bạn đồng hành thân thiện. Dù bạn đang ở Tây Tạng, ở thành phố, khu du cư hay vùng nông thôn, bạn luôn được những người Tây Tạng địa phương hiếu khách đón chào bằng một chén trà bơ ấm nóng.
Ai đem hương thơm của trà tới xứ Tạng?
Trà có mặt ở cao nguyên xứ Tạng này lâu tới nỗi người ta đã không nhớ nổi ai là người đã đem hương thơm này tới đây và biến trà trở thành một nét văn hóa của người Tây Tạng. Tuy nhiên, nhiều học giả có xu hướng gắn công trạng ấy cho Công chúa Văn Thành.
Chuyện kể rằng, vào năm 641, khi công chúa Văn Thành, con gái của Hoàng đế Đường Thái Tông được hộ tống tới Thổ Phồn để kết đôi cùng Tùng Tán Cán Bố, nhà vua thứ 33 Triều đại Yarlung, nàng đã mang theo rất nhiều đồ vật mà Thổ Phồn không có như các hạt giống, đồ dùng kỹ thuật, sách vở, lịch Pháp, thiên văn… Và cho đến nay người ta không thể phủ nhận công trạng của nàng trong sự trao đổi nền văn hóa giữa hai dân tộc Hán – Tạng.
Con đường vận chuyển trà bằng ngựa thời cổ
Việc phát triển buôn bán và bùng nổ giao thương với thế giới bên ngoài tới một phạm vi rất lớn đã giúp thúc đẩy thói quen uống trà khắp Tây Tạng. Về mặt này, con đường vận chuyển trà bằng ngựa thời cổ, còn được gọi là con đường tơ lụa phương Nam, có thể được xem như động lực chính phía sau xu thế này. Vì môi trường khắc nghiệt của Tây Tạng rất khó trồng được trà, nguồn cung trà ngon ổn định phụ thuộc của những nhà buôn liều lĩnh với đoàn ngựa và la của họ.
Họ mang trà tới Tây Tạng để đổi lấy những con ngựa khoẻ mạnh. Với việc buôn bán trà, nền kinh tế địa phương cũng được hưởng lợi từ con đường vận chuyển trà bằng ngựa cổ qua hành trình buôn bán. Con đường trà ngựa cổ truyền thống gồm hai tuyến. Một tuyến bắt đầu từ Ya’an ở tỉnh Sichuang, tới Tây Tạng ngang qua Luding, Kangding, Bâtng rồi xuôi Nepan tới Ấn Độ (3100 km). Tuyến kia bắt đầu từ Pu-er ở tỉnh Yunnan tới Tây Tạng bằng cách đi qua Dali, Lijang. Zhongdian, Deqin… và kéo dài qua Myanmar, Nepan và Ấn Độ (3800 km).
Gian khổ và không đoán trước được, con đường trà ngựa cổ đã trở thành một trong những tuyến đường kinh doanh huyền thoại nhất đầy những giai thoại hấp dẫn. Trên vài phương diện, nó cũng thúc đẩy sự truyền bá Phật giáo Tây Tạng.
Trà bơ yak – Thức uống quốc hồn quốc túy của người Tạng
Thực tế, trà Tây Tạng chia làm bốn loại, gồm có: trà Pu-ERH, trà thường, trà bơ và trà ngọt. Loại trà được uống nhiều nhất, nói theo cách khác, loại thức uống quốc hồn quốc tuý ở Tây Tạng là trà bơ.
Theo truyền thống, trà bơ gồm lá trà, bơ yak, nước và muối. Người ta nói rằng người Tây Tạng uống tới 60 tách trà nhỏ mỗi ngày để bổ sung dưỡng chất và nước. Với khách du lịch nước ngoài, ngụm trà bơ đầu tiên có thể không hợp vị lắm, nhưng đó là cửa ngõ đầu tiên giúp bạn chạm tới nền văn hoá đặc trưng riêng biệt của Tây Tạng.
Lâu dần, bạn chợt nhận ra thật khó mà du lịch qua Tây Tạng nếu thiếu đi cái vị lạ lùng ấy. Chandong là một thiết bị dùng để khuấy trà bơ, và chỉ có ở Tây Tạng. Tuy nhiên, ngày nay nó có thể được thay thế bằng cái máy đánh kem có tay cầm và chỉ mất từ 3-5 phút để hoàn thành việc đánh bơ. Người Tây Tạng có thói quen thưởng thức trà bơ với Tsampa.
Với người Tây Tạng, trà là người bạn kéo họ ra khỏi những cơn ngái ngủ, là người bạn vực dậy sự tỉnh táo, sự bình yên và là lời chào buổi sớm mỗi khi bình minh thức giấc. Đến Tây Tạng, bạn nhận ra không buổi sáng nào nơi đây trôi đi mà không mang theo chút hương vị thơm nồng của trà ngọt và cũng không bữa ăn đầy đủ nào thiếu trà cả, và thường là trà bơ.
Cách làm trà bơ Tây Tạng
Ấm và tách trà
Một bát rượu cao nguyên hoặc một cốc trà bơ là lời chào đón đầu tiên của người Tây Tạng dành cho những du khách tới cao nguyên Qinghai – Tây Tạng. Là thứ đồ uống cơ bản của người Tây Tạng, trà bơ tiêu biểu cho đời sống và văn hoá truyền thống địa phương. Vì thế ấm và cốc uống trà trở thành những đồ vật không thể thiếu trong cuộc sống ở Tây Tạng. Đồ vật dùng để uống trà bơ đủ loại làm bằng mọi chất liệu khác nhau phản ánh mức sống khác nhau của các gia đình.
Ấm pha trà làm bằng sứ là một trong những món đồ phổ biến nhất trong các gia đình Tây Tạng, trong khi ấm mạ đồng, đặc biệt là ấm làm bằng đồng, có thể chỉ có trong các gia đình có kinh tế ổn định và địa vị xã hội nhất định. Còn những ấm pha trà bơ huyền thoại làm bằng vàng hoặc bạc này, chúng được coi là những tác phẩm nghệ thuật hơn là những vật dụng đời sống cần thiết, thường được những người quyền quý thời cổ sử dụng.
Công thức pha trà
Để pha được một ly trà bơ cần nguyên liệu chính là trà đen Pu-erh – một loại trà được chế biến từ lá các cây trà lâu năm, hoang dại hay từ các dãy núi; bơ bò, sữa bò và muối. Chính vì thành phần là bơ và muối nên hương vị đầu của ly trà là vị béo của bơ và mặn của muối, vị thứ hai sẽ là hương thơm và vị thanh của trà và dư vị cuối là sự ngọt của sữa. Trà bơ chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao, bổ sung nhiệt lượng, hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngăn ngừa cảm cúm, giúp cơ thể thích nghi với những vùng không khí loãng. Người Tạng thường thưởng trà cùng với “tsampa” một thức ăn từ bột mạch nha, hai thức cung cấp đầy đủ chất bổ dưỡng để người Tây Tạng có thể sống quanh năm.
Bốn bước để có được ly trà bơ đích thực
Bước 1: Đun sôi hai ly nước
Bước 2: Cho trà vào và để sôi lăn tăn từ 3-5 phút.
Bước 3: Cho thêm muối, kem, khuấy đều và để sôi lăn tăn tiếp
Bước 4: Thêm bơ và khuấy bằng Chandong
Những điểm hẹn thân thuộc nơi cao nguyên lạnh giá
Đến với Tây Tạng, bạn sẽ không phải lo lắng về việc tìm một quán nhỏ để ghé vào dừng chân. Tại Lhasa, những quán trà nhỏ lớn có ở từng ngõ ngách, và họ thường bán cả trà bơ và trà ngọt. Nếu bạn lỡ muốn thích món trà khác, điều đó sẽ phụ thuộc vào việc người đó may mắn đến đâu. Chỉ 1 USD thôi, bạn sẽ có một chai trà ngọt và có thể dùng được cho cả buổi chiều.
Phố Barkhor, một địa điểm có nhiều quán trà ngọt nhất, cho ta cái nhìn toàn cảnh về văn hoá trà ngọt. Các quán trà ngọt ở phố Barkhor thường dành cho người Tây Tạng và bạn sẽ rất khó bắt gặp người Hán nào gần đây. Cầm những tràng Hạt cầu Phật trên tay, người dân ở đây lưu lại trong quán trà rất lâu, miệng lẩm nhẩm đọc những câu chú ngữ cầu Phật.
Khách du lịch có thể chia sẻ buổi sum họp vui vẻ của các gia đình Tây Tạng. Các thành viên cả già lẫn trẻ trong gia đình pha trò, thỉnh thoàng lại nhấp một ngụm trà ngọt trong suốt buổi chiều. Vài cư sĩ phật giáo Tây Tạng có lẽ sẽ làm tăng sự mê hoặc tín ngưỡng trong câu chuyện thần bí của họ. Dường như thời gian trôi qua quá nhanh trước khi bạn kịp nhận ra.
Dưới đây là một vài nhận xét về các quán trà truyền thống ở phố Barhor:
Quán Tsamkhung Nunnery
Quán trà Tsamkhung Nunery nằm phía ngoài tu viện nữ Tsamkhung. Một hàng rào dẫn lối vào quán. Đây là nơi dành cho những người hành hương Tây Tạng với những bánh xe cầu nguyện dừng chân nghỉ ngơi. Trong quán này trà ngọt được bán với giá vừa phải nổi tiếng có vị ngon và hương thơm lâu. Người ta nói rằng những loại trà ngon nhất được bán trong quán trà. Bên cạnh đó, lá kim Tây Tạng và bánh sữa hấp cũng là những lựa chọn tuyệt vời. Khi ngắm quang cảnh đường phố trong quán trà rộng rãi này, bạn sẽ được những nữ tu phục vụ trà. Thật là một trải nghiệm khác thường.
Quán trà Guangming Gangqiong
Quán trà ngọt Guangming Gangqiong là quán trà danh tiếng nhất ở Lhasa, nằm gần phố Barkhor. Với những người đến đây lần đầu tiên, khi vén rèm bước vào, họ sẽ rất thú vị với không khí tại quán. Quán trà rộng rãi đầy khách, đầy tiếng cười và tiếng nói chuyện không ngớt.
Trà ngọt được bán ở mỗi quán đều khác nhau, cơ bản là bán theo cốc (6 cen một cốc trà) người phục vụ sẽ đến rót thêm trà mỗi khi họ thấy cốc đã vơi và tiền trả tại bàn. Mọi việc xảy ra theo một trình tự trật tự và không thể hài hoà hơn. Theo phong tục, quán sẽ đón cửa vào đúng 5h chiều dù công việc có mang lợi nhuận đến đâu đi nữa.
Quán trà tuyết hạnh phúc
Điều đặc biệt về quán trà này là tiền kiếm được sẽ được quyên tặng cho nhà trẻ mồ côi Dicky, một nhà trẻ mồ côi do một phụ nữ xuất sắc của Tây Tạng tên là Dadron điều hành. Tất cả nhu cầu cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của nhà trả mồ côi này là từ sự đóng góp của quán trà tuyết hạnh phúc và của những người tốt bụng trong xã hội. Ở đây nuôi 80 trẻ em mồ côi người Tây Tạng và người Hán, phần lớn là các em gái. Khách du lịch có thể đến đây thưởng thức trà ngọt đồng thời làm từ thiện.
Nguồn ảnh: Pinterest
Xuân Dung – Hồng Tâm