Đại Kỷ Nguyên

Trải nghiệm của một nhà báo: 13 điều tôi đã học được sau 8 năm sống ở New York

Nhà báo kiêm huấn luyện viên thể lực, cô Locke Hughes đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân sau 8 năm sống và trải nghiệm ở một trong những thành phố nổi tiếng nhất thế giới – New York, với những dòng tâm sự bắt đầu bằng một câu hỏi: “Tại sao không ai nói với tôi những điều này ở trường đại học?”

Locke Hughes sẽ cho chúng ta biết những điều thú vị mà bạn không được đọc qua sách báo hay được học ở đại học về New York qua những trải nghiệm thực sự của cô.

Vài tháng sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã đặt vé đến thành phố New York . Khi ấy, tôi là một cô gái 21 tuổi mắt to, có bằng cấp ngôn ngữ Anh. Tôi mang theo hai chiếc vali to đùng, và những kế hoạch mơ hồ đến New York, với dự định sống tại căn hộ của bạn bè cho đến khi tìm được việc làm. Tôi không thực sự lên kế hoạch cho tương lai của mình, cũng không có kế hoạch ở lại đó trong sáu năm. Tôi chỉ tập trung vào nhu cầu lúc ấy: tìm công việc ở một tạp chí, tìm một căn hộ và vui chơi. Vài tuần sau, tôi được nhận vào làm việc tại một công ty truyền thông lớn và khởi đầu cuộc sống mới ở nơi hỗn loạn này, nơi mà tôi bắt đầu gọi là nhà mình.

Tôi bị choáng ngợp trước sự phồn hoa của New York. (Ảnh: pinterest.jp)

Cứ thế đã sáu năm trôi qua. Giờ đây, tôi quyết định thời gian mình sống ở New York nên kết thúc. Đời sống nơi đây tôi cảm nhận có cả nỗi buồn, đáng sợ, đương nhiên thú vị nữa. Thành phố này đôi khi làm tôi phát điên, có những ngày tôi khóc nức nở trên đường đi bộ về nhà. Tuy vậy, hơn bất cứ điều gì, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn New York, vì nơi này đã giúp tôi phát triển thành người như ngày hôm nay ở tuổi 28. Nó đã trở thành một phần tính cách của tôi, và nó hoàn toàn có giá trị.

Mặc dù sống ở New York không hề dễ dàng, tôi tin rằng nếu bạn ở đó đủ lâu để cảm thấy như ở nhà mình, bạn có thể nhìn thế giới xung quanh và ngạc nhiên về việc bạn đã “vươn xa” đến thế. Những gì bạn học được tại đây sẽ “trả đủ” cho tất cả những gì bạn phải trải qua, có lẽ còn nhiều hơn nữa. Dưới đây là một vài điều tôi đã học được từ thành phố lớn này về công việc, tình yêu và cuộc sống:

1. Không bao giờ ngừng kết nối

Khi tôi mới chuyển đến, tôi đã gửi email cho rất nhiều người trong ngành truyền thông (thông qua các kết nối như mạng lưới cựu sinh viên trường đại học của tôi hoặc bạn bè của các bạn tôi), với đề nghị được gặp gỡ để giao lưu. Hầu hết đều trả lời đồng ý, và mọi cuộc gặp đều đáng giá. Trên thực tế, một người bạn của bạn tôi sau đó đã thuê tôi làm việc hai lần.

Kết nối không kết thúc khi tôi có công việc đầu tiên. Tôi vẫn gửi lời đề nghị được gặp những nhà văn mà tôi ngưỡng mộ hoặc những người làm việc cho các thương hiệu thú vị. Và khi tôi được ai đó mời đi uống chút gì, tôi cố gắng đồng ý khi có thể. Thành phố này là nơi cho những kết nối tuyệt vời.

Ảnh: getty.com

2. Mỗi công việc, dù đơn điệu đến đâu, đều có giá trị

Công việc đầu tiên của tôi là thực tập việc mở hộp, đóng gói lại các hộp đựng đồ gia dụng và thực phẩm để các biên tập viên của Tạp chí O có thể quyết định việc lên nội dung chương trình “Những thứ yêu thích của Oprah”. Tôi cũng đã nhận đơn đặt hàng từ cửa hàng Starbucks và gói hàng ngàn món quà cho một ngày lễ.

Rõ ràng là tôi không được sử dụng khả năng tiếng Anh của mình là mấy, tôi cũng không có nhiều cơ hội để thể hiện trình độ giao tiếp. Nhưng tôi đã được gặp những người tuyệt vời mà tôi vẫn giữ liên lạc. Bất kể bạn đang ở đâu hay bạn đang làm gì, ở đó, luôn luôn có cơ hội học hỏi.

Bất kể bạn đang ở đâu hay bạn đang làm gì, ở đó, luôn luôn có cơ hội học hỏi. (Ảnh: sandiegouniontribune.com)

3. Đối xử tốt với đồng nghiệp của bạn

Việc trở nên thân thiết với đồng nghiệp của mình là điều rất tự nhiên, bạn ngồi cạnh nhau mỗi ngày, trò chuyện về những vấn đề công sở, cùng đi uống cà phê,…Và nếu bạn cư xử đúng, bạn có thể có những người bạn suốt đời.

Tôi đã may mắn có cơ hội đó. Tôi nghĩ rằng việc xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp đáng giá hơn là chỉ giao tiếp ở mức độ bề mặt. Bạn có thể nói chào buổi sáng, đôi khi ra ngoài và tán gẫu vào cuối tuần. New York là một thành phố lớn, nhưng cũng là một thế giới nhỏ.

Cư xử đúng là cốt lõi để có tình bạn lâu dài. (Ảnh: horton.events)

4. Tin tưởng vào bản năng đầu tiên của bạn

Cho dù đó là về căn hộ, công việc hay con người, tôi đã học được rằng ấn tượng ban đầu thường chính xác nhất. Tôi đã ký hợp đồng, nhận lời mời làm việc và chấp nhận (hoặc từ chối) dựa trên trực giác của mình.

Tôi không bao giờ biết chắc chắn rằng lựa chọn khác sẽ mang lại điều gì cho cuộc sống của mình, nhưng tôi đã học được rằng bạn phải buông tay. Đặc biệt ở New York, bạn sẽ luôn cảm giác có một thứ gì đó tốt hơn ở ngoài kia. Nếu thế, bạn có thể trở nên bất lực bởi lòng “tham” của mình. Đó là lý do tại sao bạn phải tin vào trực giác.

Ảnh: brandgy.com

5. Bạn luôn luôn có thể tự đào tạo

Nếu bạn chán nản hoặc thất vọng vì công việc của mình, bạn không phải là người duy nhất. Phải mất một thời gian tôi mới nhận ra rằng tôi có thể sử dụng tốt thời gian rảnh của mình. Một vài điều tôi đã làm là: đọc sách “Tự Lực”, tập yoga, tham dự đào tạo cho chặng đua marathon, tham gia các lớp học miễn phí hoặc học phí thấp,…

Việc sống ở New York khiến tôi nhận ra rằng bạn không phải quay lại trường học (hoặc đi học) để có được một nền giáo dục tốt. Cuộc sống ở đây là một trường đại học tự đào tạo.

Ảnh: getty.com

6. Hãy đặt câu hỏi

Đây là một trong những nguyên tắc chính mà tác giả Dale Carnegie viết trong cuốn sách “Cách tìm kiếm bạn bè và ảnh hưởng đến mọi người”, nó cũng là thứ mẹ tôi đã luôn nhắc nhở khi tôi còn nhỏ: Hãy hỏi mọi người về bản thân họ!

Tôi đã dựa vào phương pháp này trong các cuộc phỏng vấn xin việc, các cuộc hẹn, hoặc bất cứ khi nào tôi gặp bất kỳ ai mới. Mọi người thích nói về bản thân họ, nó sẽ làm bạn gần gũi với họ hơn, thậm chí ngay cả khi họ chưa biết điều gì về bạn, họ cũng sẽ có cảm tình với bạn. Chỉ cần cởi mở, người đối diện sẽ làm cho mọi việc của bạn trở nên dễ dàng.

7. Đừng mong đợi có thể “dựa dẫm” người khác

Trong một công việc, tôi đã chứng kiến ​​hai ông chủ của mình bị sa thải. Lần khác, tôi rời việc ngay trước một vòng sa thải khổng lồ. Tôi đã thấy bạn bè bị cho thôi việc với thông báo trước hai tuần. Và niềm tin của tôi vào việc trông đợi vào người khác đã bị phá vỡ hết lần này đến lần khác.

Sống ở New York đã dạy tôi rằng bạn nên tự đứng trên đôi chân của mình. Nghe có vẻ hoài nghi, nhưng tôi đã học được rằng bạn không nên trông đợi vào bất cứ ai, một ông chủ, một người bạn, một tổng giám đốc tòa nhà cũng chẳng thể làm gì cho bạn khi bạn bị thôi việc. Cho dù mọi người có tuyệt vời đến đâu, đôi khi họ chỉ tìm kiếm điều tốt nhất cho mình. Vì vậy, hãy tự mình nhìn ra điều này, tự mình vượt qua khó khăn, cả trong công việc và cuộc sống cá nhân. Nhờ đó, tôi biết tôi đã trở thành một người mạnh mẽ hơn.

Ảnh: tiendabay.es

8. Đừng đánh giá mọi việc theo cảm xúc cá nhân

Trong các cuộc hẹn, khi ai đó không nhắn tin hay gọi lại lần nữa cho bạn mà không có lời giải thích nào, thì nó gọi là hiện tượng “bóng ma” (ghosting). Nếu bạn trải qua đủ những cuộc hẹn (về tình cảm, công việc) ở New York, bạn có khả năng gặp phải hiện tượng này.

Tôi cũng có kinh nghiệm về nó, tôi đã trải qua nhiều cuộc phỏng vấn xin việc mà tôi tham gia vào đến vòng thứ hai, hoặc vòng ba, cuối cùng là không nhận thêm phản hồi nào khác. Đối với tôi đây là một bài học khó khăn, nhưng nó là một trong những điều quan trọng nhất: đừng đánh giá mọi việc theo hướng cảm xúc cá nhân. Nếu có anh chàng nào đó không bao giờ liên hệ với tôi lần nữa. Anh ta đã không đúng với tôi. Thế thì tôi cũng không nên bận tâm tới điều đó nữa.

Là người bị “từ chối” không có nghĩa là bạn không xứng đáng hoặc bạn đã làm gì đó sai. Một lúc nào đó bạn chắc chắn sẽ gặp được đúng người mình cần gặp, người ấy sẽ “đóng” đúng vai trò là người bạn, người yêu,…bên bạn, và đúng lúc cơ hội sẽ đến. Chỉ cần nhớ rằng: Không có gì dễ dàng ở New York, chỉ cần cố gắng không để cảm xúc làm mình thất vọng.

(Ảnh: focusedcollection.com)

9. Một chút tử tế mang đến rất nhiều điều

Tôi thừa nhận mình không phải là người dễ kết bạn, rất khó để tôi có thể bắt chuyện với người lạ. Nhưng rồi tôi đã nhận ra rằng bạn có thể tạo ra một sự khác biệt to lớn cho ai đó chỉ đơn giản là hỏi họ hôm nay thế nào. Tôi bắt đầu trò chuyện với những người lau dọn, người chào đón ở phòng tập thể dục, nhân viên pha chế,…

Thêm vào đó, ở New York, bạn thường phải xếp hàng trong một dòng người. Thế thì bạn có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện với người đứng sau bạn trong hàng dài vô tận tại cửa hàng thức ăn nhanh Sweetgreen. Một trong những điều thú vị nhất về New York là bạn không bao giờ biết mình có thể gặp ai. Bạn chỉ cần nói xin chào.

Ảnh: getty.com

10. Có những thứ khác để làm vào cuối tuần hơn là ăn uống và say sưa

Vài năm đầu tiên ở thành phố này, tôi đã dành những ngày cuối tuần để thức khuya và ngủ đến trưa, giống như khi còn học đại học. Chắc chắn, khiêu vũ trong các câu lạc bộ và uống trong quán bar có thể rất vui, nhưng bạn dễ bị mất kiểm soát, và cảm thấy thật kinh khủng vào ngày hôm sau.

Bối cảnh xã hội New York rất tập trung vào rượu, vì vậy, nó dễ làm người ta bị hấp dẫn và uống thường xuyên. Mặc dù tôi phải mất một khoảng thời gian để nhận ra điều đó, nhưng có nhiều cách tốt hơn để trải qua những ngày cuối tuần của mình. Vào một ngày, tôi đột nhiên hiểu rằng thức dậy lúc 9 giờ sáng vào Chủ nhật sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều so với việc đi chơi đêm bên ngoài đến 2 giờ sáng tối thứ bảy.

11. Mang lại điều gì đó thật tuyệt vời

Một trong những điều tôi hối tiếc là không tham gia sớm hơn vào một tổ chức tuyệt vời có tên New York Cares (Một tổ chức tình nguyện viên phi lợi nhuận ở New York). Nếu bạn sống ở đây, hãy đăng ký ngay, nó cực kỳ dễ dàng.

Tôi đã làm việc trong một vài dự án của chương trình này, tại một câu lạc bộ nữ, một nơi trú ẩn vô gia cư, một ngôi nhà cũ của người dân. Mỗi trải nghiệm đều vô cùng bổ ích, những cảm nhận tốt đẹp là vô tận. Những người tôi gặp đều rất tốt bụng và luôn bày tỏ thái độ biết ơn. Tôi đã nghe rất nhiều những câu như “Cầu Chúa ban phước lành cho bạn!”, “Cảm ơn vì sự giúp đỡ của bạn”.

New York Cares – Tổ chức tình nguyện viên phi lợi nhuận ở New York. (Ảnh: new.tap-ny.org)

Ban đầu khi làm việc với những người kém may mắn hơn bạn có thể thấy khó xử và không thoải mái, nhưng ngay sau đó bạn sẽ quen dần với điều này, nó thực sự rất vui. Và khi bạn rời đi để quay trở lại với cuộc sống êm đềm của mình, bạn sẽ nhận ra rằng, thứ nhất là bạn thực sự có cuộc sống tốt như thế nào và thứ hai là những người bạn nhìn thấy trên đường phố không hề đáng sợ. Trên thực tế, họ thật đáng yêu.

12. Cuộc sống không phải là một công thức

Từ nhỏ đến lớn, tôi hoàn toàn thuộc loại A, tôi chủ yếu tuân theo các quy tắc: tôi hoàn thành bài tập về nhà, tôi học xuất sắc trên lớp, tôi tìm được một công việc tốt. Nhưng sau vài tháng ở New York, tôi bắt đầu nhận ra rằng không có hướng dẫn nào giải thích những gì bạn nên làm tiếp theo, hoặc không gì khẳng định được những điều bạn đang làm là đúng đắn.

Bây giờ, tôi đã học được cách chấp nhận rằng cuộc sống không phải theo một kế hoạch được xác định trước. Nó không phải là một chuỗi các bước tập hợp mà bạn phải thực hiện, hoặc giống như việc bước lên những nấc thang. Nhưng bằng cách nào đó tôi tin tưởng việc mình làm cuối cùng sẽ có ý nghĩa, và tôi thích theo cách đó.

Ảnh: dataguidance.com

13. Mọi người đến và rời khỏi cuộc đời của bạn đều có lý do

Đây có lẽ là bài học khó nhất mà tôi nhận ra, và là điều mà tôi vẫn luôn phải vật lộn để thích ứng. Từ mối quan hệ bạn bè đến người yêu, rất nhiều người đã đến và rời khỏi cuộc sống của tôi trong sáu năm qua. Tôi đã học một điều rằng để cho những mối quan hệ qua đi là điều bình thường, không phải tất cả mọi thứ đều kéo dài mãi mãi. Rằng việc kết thúc một mối quan hệ mà bạn cho rằng sẽ mãi mãi là điều bình thường. Rằng mọi người có thể thay đổi và bạn cũng vậy.

Sẽ rất tệ khi ám ảnh về những gì đã xảy ra và cố níu giữ những bóng ma của các mối quan hệ trong quá khứ, cố gắng một cách tuyệt vọng để lấy lại chúng. Tôi đã học được rằng mọi mối quan hệ đều dạy cho bạn điều gì đó và những người bước qua cuộc đời bạn đều để lại một ấn tượng quan trọng về cuộc sống.

Ảnh: twitter.com

Tôi biết điều đó khó khăn, nhưng nếu bạn lùi lại và suy nghĩ về nó, bạn sẽ nhận ra rằng mọi mối quan hệ, bất kể ngắn ngủi ra sao, cũng đã dạy cho bạn một bài học, và bằng cách nào đó thay đổi bạn trở nên tốt hơn.

Tâm An biên dịch

Exit mobile version