Đại Kỷ Nguyên

Trải nghiệm từ nghệ thuật khảm sushi lôi cuốn: Ẩm thực không chỉ là nấu hương nếm vị

Sự hài hòa trong hương vị, sự tinh tế trong cách bài trí món ăn đã khiến Sushi trở thành một trong những biểu tượng tiêu biểu của ẩm thực Nhật. Theo thời gian, người dân xứ sở Phù Tang đã không ngừng sáng tạo và hoàn thiện nó. Họ đang tạo ra một nghệ thuật trình bày mới cho món ăn truyền thống rất đỗi quen thuộc này. 

Nghệ thuật của duyên dáng và khiêm nhường

Món sushi truyền thống vốn chinh phục được nhiều người nhờ dáng vẻ thanh tao của nó. Mỗi miếng sushi giống như một tác phẩm nghệ thuật riêng. Người Nhật không cố gắng biến đổi những gì thuộc về màu sắc hay hương vị của nguyên liệu. Họ chỉ đơn giản là rèn luyện sự khéo léo của mình để cắt gọt và xếp đặt những điều đã được ban tặng.

Vẫn giữ nguyên tắc “thuận tự nhiên”, trân quý những gì tạo hóa đã ban cho, người Nhật sáng tạo nên một cách bài trí sushi mới, được biết đến với tên gọi Mosaic Sushi, hay còn gọi là Khảm sushi. Nhìn những hộp sushi trang trí theo kiểu mới, có khiến bạn liên tưởng đến những bức tranh khảm trai tinh tế của phương Đông, hoặc loại tranh Mosaic rực rỡ của phương Tây?

Khảm Sushi vận dụng đúng nguyên tắc của hai loại hình nghệ thuật kể trên để tạo ra một ấn tượng thị giác mạnh mẽ với người thưởng thức. Bạn có ồ lên thích thú khi nhìn những hộp shusi tựa tranh vẽ này?

Người đầu bếp sẽ xếp nhiều miếng sushi nhỏ hình lập phương cạnh nhau. Mỗi ô vuông được tạo nên từ một loại nguyên liệu riêng, nên nó mang vẻ đẹp của riêng mình. Tuy nhiên người đầu bếp đã khéo léo xếp đặt những vẻ đẹp ấy một cách hài hòa. Không đối chọi nhau, mỗi miếng sushi đem vẻ đẹp của mình để làm nổi bật cho miếng kế bên và tạo ra cái đẹp thống nhất, hòa điệu của cả bức tranh tổng thể. Phải chăng, sự “khiêm nhường” là thông điệp mà người Nhật khéo léo gửi gắm vào những hộp cơm nghệ thuật này.

Không chỉ “khiêm nhường”, sushi khảm chinh phục những thực khách Nhật khó tính bằng nét “duyên dáng” rất riêng. Màu xanh rêu bóng của rong biển không xuất hiện nhiều trong Mosaic Sushi. Thay vào đó, sắc trắng của cơm tạo nên một phông nền trang nhã, làm nổi bật cái tỉ mỉ, cẩn trọng khi thái, cắt và sắp xếp những nguyên liệu của người đầu bếp.

Nhìn ngắm những hộp sushi khảm, chúng ta cũng dễ dàng hình dung tâm thái của người đầu bếp khi làm nên những “tác phẩm” này. Cẩn trọng, tỉ mẩn và tự do là những điều đến với tôi khi lần lượt xem những tấm ảnh. Tuy hình dáng của món ăn đóng khung trong những hình vuông cố định, nhưng từ chính những chiếc khung ấy, cảm nhận về cuộc sống và sự sáng tạo tự bên trong mỗi người có cơ hội được thăng hoa.

Nhìn những tác phẩm đẹp như thế này, bạn có nỡ ăn chúng một cách ngốn ngấu? Người Nhật có truyền thống rất tỉ mỉ trong cách bài trí món ăn, liệu cũng có một dụng ý? Ăn hay uống không chỉ là những hoạt động để khỏa lấp dục vọng đói, khát của con người. Nó còn chính là cơ hội để người nấu và người ăn đặt hết sự thành kính và biết ơn đối với những thức ăn được ban tặng.

Quẳng gánh lo đi và vui sống

Nhìn ngắm rồi mới thưởng thức, ăn với tâm thái khoan thai để cảm nhận trọn vẹn hương vị của đồ ăn và sự tận tâm của người nấu vẫn luôn là một phần của truyền thống.

Khảm sushi còn khiến người Nhật “mê mẩn” bởi tính tiện dụng của nó. Nó giúp những bữa trưa ở trường, ở cơ quan trở thành một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, thư thái hoàn toàn. Ngồi trước một hộp cơm đẹp đẽ, bạn có thể đặt gánh lo cuộc sống sang một bên và tận hưởng trọn vẹn bữa ăn của mình?

Nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận thấy sự tỉ mẩn, tinh tế trong rất nhiều sản phẩm khác của người Nhật. Những hộp cơm (còn được gọi là bento) không chỉ đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn xinh xắn, đáng yêu và vô cùng ngộ nghĩnh. Cầm trên tay một hộp cơm với hình ảnh của mèo máy Đôremon như thế này, người Nhật hẳn sẽ bật cười một cách hạnh phúc trước khi thưởng thức bữa cơm trưa ngon lành.

Một hộp cơm trưa của người Nhật (Ảnh dẫn qua: yeutre.vn)

Nhắc đến ẩm thực, người ta thường nghĩ tới đồ ăn, thức uống, tới hương vị hay xuất xứ vùng miền. Tuy nhiên, cái duyên của ẩm thực không chỉ nằm ở những thứ “hữu hình” có thể cảm nhận bằng thị giác hay vị giác như vậy. Linh hồn của ẩm thực thực sự nằm trong cái tâm của người chế biến và phong thái của người thưởng thức. Nói cách khác, ẩm thực là một nghệ thuật mà ở đó người nấu và người ăn dù có những trải nghiệm khác nhau nhưng vẫn gặp nhau ở một điểm: biết ơn và trân quý.

(Ảnh: pinkypiggu)

Hãy cùng nhìn ngắm những hình ảnh khác của Khảm sushi để cảm nhận được sự sáng tạo và tình yêu với đồ ăn của người Nhật.

Nguồn ảnh: Bored Panda

Hy Văn

Exit mobile version