Đại Kỷ Nguyên

Trẻ em dễ tự kỷ sau khi bị trao đổi do nhầm lẫn

Nhầm con khi sinh là cơn ác mộng với tất cả các bậc phụ huynh và nạn nhân đáng thương nhất luôn là những đứa trẻ “lạc” khi phải chịu ảnh hưởng tâm lý, sinh ra phản ứng tiêu cực như tự kỷ, trầm cảm… do thay đổi môi trường sống. 

Vụ việc trao nhầm con ở Ba Vì đang gây xôn xao dư luận. Hai đứa trẻ đã lên 6 tuổi đột nhiên phải đối mặt với việc thay đổi cha mẹ và môi trường sống. Chúng có thể phải chịu nhiều tổn thương về tâm lý, nếu các bậc cha mẹ thiếu tinh tế trong việc đổi lại con.

Anh Phùng Giang Sơn, chị Phùng Thị Thu Hiền cùng người con anh chị đã nuôi 6 năm qua. (Ảnh: NLĐ)

Vai trò của môi trường sống với sự phát triển của trẻ

Sự phát triển của con người là quá trình ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Các nghiên cứu đã chứng minh, nhận thức của trẻ thừa hưởng từ gen chiếm khoảng 30 %, phần còn lại do sự thích nghi và phát triển trong môi trường xã hội và giáo dục.

Di truyền là tiền đề, trong khi môi trường sống lại là điều kiện để trẻ phát phát triển. Sự phát triển của một đứa trẻ không hề cố định, nó thay đổi dưới tác động của yếu tố bên ngoài và sự quan tâm của người lớn.

Trẻ lên 6 tuổi đã có nhận thức rõ ràng về môi trường xung quanh. Trẻ hình thành sự kết nối chặt chẽ trong 6 năm đầu đời với gia đình, ý thức được máu mủ tình thân với mẹ cha. Gia đình là tất cả những gì trẻ biết về thế giới và để trẻ dựa dẫm hoàn toàn. 6 tuổi là thời điểm trẻ nhận thức được gia đình và tình yêu thương của người thân, nhưng vẫn chưa đủ hiểu biết để chấp nhận được biến cố nhầm lẫn cha mẹ.

Ảnh hưởng tâm lý khi thay đổi môi trường sống

Môi trường sống không chỉ đơn giản như chuyển đến một vùng đất mới, học một ngôi trường mới, những đứa trẻ bị trao nhầm phải đối diện với việc sống một cuộc đời hoàn toàn khác với nhiều người xa lạ bỗng trở thành người thân.

Chị Vũ Thị Hương và cháu Đoàn N.M.

Gia đình gắn bó từ thuở lọt lòng như chân lý với các em, bỗng nhận ra cha mẹ đẻ là người khác khiến trẻ khó chấp nhận. Nếu việc trao đổi con không khéo léo, trẻ em sẽ có cảm giác bị bỏ rơi, hình thành tâm lý bị phản bội nếu gia đình cũ không dành sự quan tâm và yêu thương như ban đầu.

PGS.TS Tâm lý học Dương Hải Hưng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) bày tỏ với Báo Thanh Niên: “Thói quen của trẻ được nuôi dưỡng, hình thành suốt 6 năm liền nên không dễ thay đổi ngay trong ngày một ngày hai. Đột ngột “nhấc” trẻ sang môi trường mới, chúng sẽ bỡ ngỡ, có phản xạ hoang mang, lo lắng, thậm chí là thấy bị bỏ rơi. Đứa trẻ sẽ phải thích nghi lại từ đầu, từ hoàn cảnh sống, cách giao tiếp ứng xử, văn hóa gia đình, cha mẹ ông bà cũng có thay đổi và sẽ nhớ mong trở về gia đình quen thuộc”.

Những tổn thương tinh thần của trẻ nhỏ rất dễ hình thành. Vì vậy, dù nhận lại con, gia đình càng cần bù đắp tình cảm cho cả hai bên chứ không riêng gì bù đắp cho con đẻ của mình.

Những vấn đề đến từ cha mẹ

“Công sinh không bằng công dưỡng”, không gì có thể bù lại khoảng thời gian 6 năm đánh mất. Dù tha thiết muốn nhận lại con đẻ nhưng với chính những người làm cha mẹ cũng phải thừa nhận, rất khó để kết nối với một đứa trẻ mình chỉ sinh ra nhưng không nuôi nấng, không chăm sóc từ thuở lọt lòng. Sự bù đắp thế nào cũng không thể khiến các em dễ dàng coi cha mẹ mới như gia đình cũ. Nhiều trẻ trong trường hợp này còn nảy sinh tâm lý buồn chán, không muốn nói chuyện hoặc đòi về nhà cũ. Chính chị Hương, bà mẹ trong câu chuyện nhầm con cũng chia sẻ M. từng nói: “Con không đi đâu cả, con ở mãi với mẹ, nếu ép, con sẽ bỏ đi”.

Dù không phải do mình sinh ra, cha mẹ vẫn thấu hiểu từng thói quen, từng nếp sinh hoạt và dành nhiều tình cảm cho con. Trao con lại cho gia đình khác là điều mất mát và tổn thương tinh thần, kể cả khi nhận lại đứa con ruột thịt.

Bù đắp về kinh tế hay tình cảm, gia đình cũng cần hết sức tinh tế để các bé không sợ hãi. Tâm lý của trẻ lúc này đã bị tổn thương, nếu gia đình mới không quan tâm được như gia đình cũ, trẻ sẽ có cảm giác không ai cần mình, rất dễ dẫn đến tổn thương, tự kỷ.

Các em có bị sốc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cách giải quyết khéo léo của cha mẹ. Trong vụ việc này, cả gia đình anh Sơn và chị Hương đều ý thức rõ về điều đó nên đã thống nhất cho các con ở mỗi nhà một tuần để chăm sóc, tới khi thích nghi và đồng ý việc về ở với cha mẹ ruột. Hai em M. và H. được tạo điều kiện để gặp gỡ, giao lưu và sắp tới sẽ về ở chung, cùng đi học với nhau. Sự thay đổi từ từ môi trường sống sẽ giúp hai em tiếp nhận gia đình mới dễ dàng hơn.

Minh Lan

Exit mobile version