Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ nhỏ, và mỗi giây phút trong gia đình đều là cơ hội để cha mẹ dạy dỗ trẻ. Cha mẹ nên nắm bắt được thời cơ tốt và thích hợp, đem những đạo lý nhân sinh dạy cho trẻ để những đạo lý ấy ngấm sâu vào nội tâm của trẻ.
Mới đây trên trang mạng nước ngoài có đăng tải một câu chuyện hàm chứa phương pháp dạy dỗ tuyệt vời của một người mẹ như thế này:
Một buổi chiều mùa xuân, ánh mặt trời chiếu rọi trên những thảm cỏ xanh, có hai gia đình đưa những đứa trẻ đến công viên. Họ cùng ngồi trên những thảm cỏ ấy và vui chơi, trò chuyện.
Khi bọn trẻ đã thấm mệt sau một hồi đùa nghịch, mẹ của Đại Phong gọi chúng lại uống nước và ăn một chút hoa quả mà người lớn đã chuẩn bị từ trước. Lúc ấy, Đại Phong lấy ra một quả quýt to mọng nhưng lại không vội vàng ăn ngay mà trầm trầm hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Vì sao quả quýt lại cần phải bóc vỏ rồi mới được ăn ạ?”
Mẹ Đại Phong ngẫm nghĩ một lát rồi nghiêm túc giảng giải: “Con trai à! Đó là để nhắn nhủ với chúng ta rằng, khi làm bất cứ việc gì chúng ta cũng đừng nghĩ “không làm mà đòi được hưởng”, phải có trả giá, cố gắng làm việc mới có thành quả con ạ!”
Đại Phong gật gật đầu, hỏi tiếp: “Thế tại vì sao mà quả quýt lại chia thành từng múi từng múi mà không phải là một quả nguyên vẹn hả mẹ?”
Mẹ Đại Phong nhìn con trai và nói: “Con trai! Đó là để nói với chúng ta rằng, mặc dù mỗi người đều đã trả giá, cố gắng làm việc mới có được thành quả, nhưng thành quả mà mình đạt được thì không thể hưởng thụ một mình mà phải biết chia sẻ với người khác. Nếu trong tay con có một quả quýt, con có thể chia thành các múi nhỏ để chia sẻ với người khác. Đó cũng là cách chia sẻ niềm vui của mình với những người xung quanh mình con ạ!”
Đại Phong nghe xong lời dạy của mẹ như hiểu ra nhiều điều. Cậu bé cầm quả quýt đã bóc vỏ chạy nhanh ra chỗ các bạn chia cho mỗi người một múi. Các bạn và các em nhỏ, ai nấy đều cười tươi rạng rỡ nói: “Cảm ơn, cảm ơn anh Đại Phong!”
Em trai của Đại Phong vừa cầm múi quýt vừa chạy lại nói với mẹ: “Mẹ ơi con quyết định sẽ không ghét anh Đại Phong nữa, sau này con cũng sẽ chia sẻ đồ ăn của mình cho mọi người, làm một đứa trẻ tốt như anh Đại Phong vậy!”
Mẹ Đại Phong nhìn bọn trẻ đang đùa nghịch, nở nụ cười rạng rỡ.
Cách dạy dỗ của mẹ Đại Phong trong câu chuyện trên thật khiến nhiều người bội phục. Tuy rằng, nhiều bậc cha mẹ có thể chưa dạy dỗ như cách của mẹ Đại Phong, nhưng trong cuộc sống này, chúng ta vẫn có thể tận dụng cơ hội để dẫn dắt con cái mình.
Con cái thường hay ỷ lại vào cha mẹ; tính cách, ngôn ngữ và hành vi của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến cả đời của trẻ. Trong cuộc sống, cha mẹ cần lưu ý:
1. Đừng trút lên trẻ những sự tình khôn g liên quan đến chúng
Cha mẹ sau khi về nhà, xin hãy nhắc nhở bản thân rằng, dù ở nơi công tác có xảy ra chuyện gì thì khi ở trước mặt trẻ phải quên hết những sự tình ấy. Bởi vì, người mà con cái cần là cha mẹ chứ không phải ông bà chủ. Cha mẹ ngàn vạn lần không nên đem những sự tình không liên quan để trút lên thân trẻ, bởi vì trẻ là người vô tội.
2. Đừng bỏ qua, xem thường cảm xúc của trẻ
Khi trẻ đang buồn hay giận dỗi, trẻ sẽ rất khổ tâm trong lòng, cha mẹ đừng thể hiện thái độ coi nhẹ, xem thường hoặc nói với trẻ những câu như: “Không sao”, “Việc đó có gì quan trọng đâu”, “Con trai phải kiên cường mạnh mẽ chứ sao lại ủy khuất như vậy?”…
Nếu cha mẹ dùng lời an ủi cứng rắn như vậy thì phải đi kèm với việc lý giải đầy đủ cho trẻ hiểu. Biện pháp thỏa đáng nhất chính là nói: “Mẹ cũng cảm thấy buồn và khó chịu, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm xem có biện pháp nào để giải quyết việc này tốt hơn không nhé!”
3. Đừng coi thường vấn đề của trẻ
Khi trẻ hỏi cha mẹ: “Việc này làm thế nào hả mẹ?” hay những câu đại loại như vậy, nếu cha mẹ nói: “Việc ấy mà con cũng phải hỏi sao?” hay “Việc thế này mà con cũng không biết à?” thì trong lòng trẻ sẽ sinh ra một khoảng cách và cảm giác sợ hãi.
4. Đừng lúc nào cũng nói cha mẹ không có thời gian
Cha mẹ nên dành thời gian để ở bên trẻ, cầu nối giữa cha mẹ và con cái chính là trò chuyện. Cha mẹ muốn biết con vui vẻ hay buồn chán thì phải lắng nghe trẻ tâm sự, sau đó cùng tìm ra ý tưởng để chia sẻ, giúp đỡ trẻ. Đây cũng là cách tăng cường sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái.
Giáo dục gia đình là nền tảng thành tựu nên cả đời trẻ. Lúc trẻ còn ở tuổi nhi đồng, cha mẹ cấp cho trẻ thứ gì thì tương lai trẻ sẽ tặng lại thứ đó. Cho nên, các bậc cha mẹ, xin hãy đừng xem nhẹ lời nói và cử chỉ của mình.
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch