Cụ ông Triệu Mộ Hạc sinh năm 1912, từng làm Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đại học Sư phạm Cao Hùng. Ông là một người ham học hỏi, được nhận bằng thạc sĩ vào năm 98 tuổi, được coi là thạc sĩ lớn tuổi nhất ở Đài Loan.
Đồng nghiệp cũ từng nói với ông: “Ông nay đã ở tuổi gần đất xa trời, sao không nghỉ ngơi tĩnh dưỡng mà lại học máy tính thế?”. Ông Triệu Mộ Hạc lúc ấy đã trên 100 tuổi nói: “Chẳng phải tôi vẫn đang sống sao?”. Cả đời ông chưa lúc nào ngơi nghỉ, cuộc sống vẫn tràn đầy màu sắc.
Năm đó, khi ông Triệu rời khỏi nhà, mẹ ông nhắn nhủ: ‘Con phải nhớ nghèo cho sạch rách cho thơm. Người khác bố thí cho con thì cũng là đang tích đức cho họ, nhưng nợ không trả là chuyện nhất định không nên làm’. Vì thế, cả đời ông chưa từng nợ tiền cũng không nợ ân tình, cuộc sống vẫn luôn vui vẻ, tâm yên, lòng an, ý tĩnh tại.
Không tham lam, chỉ cầu ổn định
Khi ông Triệu còn nhỏ thì gia cảnh không quá khó khăn, về sau kinh tế sa sút, ông không có tiền nhưng vẫn có người lo cho ông chỗ ăn chỗ ở. Thời trẻ ông từng kiếm được một khoản tiền kha khá, khi đến Đài Loan có người bạn vay 2000 tệ để làm ăn, nhưng sau đó anh ta cũng bặt vô âm tín. Khi đó lương mỗi tháng chỉ có hai, ba trăm tệ, một mét vuông đất cũng chỉ cần 18 tệ là đã mua được rồi. 2000 tệ có thể nói là cả gia tài, nhưng ông Triệu chỉ cho rằng bản thân vận hạn, nên cũng không đi tìm người kia đòi nợ. Bởi tính tình rộng lượng phóng khoáng, thấy ai khó khăn ông sẵn sàng cho vay, nhưng phần lớn số tiền cho vay đều không lấy lại được.
Ông Triệu luôn ghi nhớ lời cha mình căn dặn: “Phát tài từ việc công là vô sỉ, nhưng kinh doanh mà không phát tài là vô năng”. Theo quan điểm của ông, làm việc công không thể giàu có nhưng cũng không lo đói bụng, muốn phát tài từ làm việc công thì chỉ có hối lộ, tham ô. Vì thế cả đời ông không cầu phú quý, không sợ bần hàn, chỉ cần đủ sống là được rồi.
Ông Triệu về hưu năm 77 tuổi, nhận được khoản lương hưu qua ngân hàng. Biết rằng bản thân không giỏi quản lý tài chính, nên ông thường không cầm quá nhiều tiền mặt, cũng không dùng thẻ tín dụng, mỗi lần chỉ lĩnh một phần nhỏ, cũng không tiêu gì nhiều mà chỉ dùng một ít tiền cho sinh hoạt thường ngày mà thôi. Đây cũng chính là cách quản lý tiền của ông Triệu.
Rất nhiều đồng nghiệp của ông lĩnh hết số tiền lương hưu trong một lần để đầu tư làm ăn. Ai cũng muốn tiền sinh tiền, nhưng cũng có người phải chấp nhận thua lỗ, trắng tay. “Một người nếu không hiểu rõ chính mình thì rất dễ phải chịu khổ, chịu thiệt thòi”. Ông Triệu cho rằng bản thân không có đầu óc kinh doanh, vì thế ông luôn tâm niệm: “Nhân viên nhà nước thì làm kinh doanh gì chứ? Tôi không có lòng tham, chỉ cầu ổn định”.
Nợ nhất định phải trả, nợ ân tình càng phải trả hơn
Khi cháu trai vào đại học, ông Triệu lần đầu tiên phát hiện ngay cả tiền ăn cũng không đủ, vì thế ông quyết định nộp đơn xin vay tiền trợ cấp học hành cho con em viên chức. Mặc dù ông vẫn chăm chỉ làm việc không ngơi nghỉ, nhưng đến khi cháu trai tốt nghiệp, số tiền nợ ước tính lên đến hơn 900.000 tệ, trong khi thu nhập một năm của ông chỉ là 160.000 tệ. Khoản nợ này biết trả sao đây?
Ông Triệu chỉ cần mở miệng thì sẽ có rất nhiều người cho vay, nhưng ông thà nợ ngân hàng còn hơn nợ bạn bè. Sau đó, một người quen cũ đã hào phóng ra tay giúp đỡ, và vì muốn được ông đồng ý nên đã nói trước rằng mình sẽ lấy lãi. Theo gợi ý của người bạn, ông đã mua của cô khoản Đô-la với tỷ giá rẻ, và nhờ giá trị Đô-la luôn tăng cao nên ông Triệu mới có thể thoát khỏi nợ nần.
Ông Triệu không chỉ trả nợ tiền mà còn không quên trả món nợ ân tình. Sau khi trả hết nợ nần và còn dư một số tiền, ông quyết định mời những người đã từng giúp đỡ mình một bữa thịnh soạn, sau đó lại tặng cho mỗi người một chiếc nhẫn vàng.
Không xem trọng tiền bạc, biết tận hưởng cuộc sống
Cuộc sống của ông đơn sơ giản dị, không hút thuốc, không uống rượu, không đánh bạc, mọi thứ đều thong dong tự tại. Ông chỉ dành một khoản nhỏ cho sinh hoạt phí, số tiền còn lại thì để dành để du lịch đó đây.
Ông cũng không tiết kiệm, ông nói rằng đến tuổi này rồi thì tiền bạc không quan trọng, cuộc sống mới quan trọng, cơ thể khỏe mạnh mới quan trọng, thứ gì cần tiêu thì tiêu, hơn nữa còn tiêu một cách hào phóng. Đồng nghiệp cũ thấy vậy bèn nói: “Ông chỉ có vài đồng lương hưu, sao cứ phải chiêu đãi nhiều người thế?”. Ông nói: “Nhưng tôi vẫn đủ dùng mà”.
Cũng có nhiều bạn bè khuyên ông gửi tiết kiệm, ông chỉ cười xòa: “Ài, tôi già rồi, còn tiết kiệm làm gì nữa, nên nghĩ thoáng một chút”. Người ta nói 70 tuổi mới là bắt đầu, còn ông Triệu thì nói 70 là đã già rồi. “Khi con người ta già đi, tiền không quan trọng nữa, quan trọng là tâm ý mãn nguyện”.
Cách sống này khiến ông trở nên rất khác biệt, khác rất nhiều so với không ít người cùng tuổi như ông. Trước kia có một người đồng hương rất giàu có, lương hưu mỗi tháng cũng vô cùng hậu hĩnh, nhưng vẫn không dám ăn, không dám mặc, không dám dùng. Ông ta vốn thích uống rượu, nhưng bình thường không dám mua về uống, chỉ khi tham gia tiệc tùng mới uống thỏa thê. Điều đáng buồn nhất là, mặc dù dùng hết sức mình để tiết kiệm nhưng lại chẳng có ai cần tiền của ông cả, bởi vì con cháu ông đều có công việc, lương tháng lại cao, hơn nữa tính cách của ông rất khó hòa đồng…
Ông Triệu chưa từng đối xử khắc nghiệt với bản thân, cũng chẳng có khi nào cảm thấy không mãn nguyện. Đi đến đâu, ông cũng muốn thuận theo tự nhiên, tùy duyên mà đến, tùy phận mà an.
Vài năm trở lại đây, ông Triệu thỉnh thoảng nhận lời tham gia diễn thuyết hoặc viết thư pháp. Khi thấy người ta có nhã ý trả tiền công hay những khoản phụ phí khác, ông nhất quyết khước từ. Ông nói: “Không có mấy đồng ấy tôi vẫn sống bình thường. Tiền ấy mà, đủ sống là tốt rồi, nhiều quá tôi cũng không cần đến”.
Ông Triệu không đầu tư, cũng không mua bảo hiểm, chỉ để lại một căn phòng nho nhỏ. Ông cảm thấy như thế là đủ rồi, để lại quá nhiều cho con cháu cũng không tốt.
Không cầu người khác, tự mình lo cuộc sống của mình
Khi còn chưa nghỉ hưu, ông Triệu từng nhập viện hơn 20 ngày để phẫu thuật. Nhưng ông không hề báo cho cơ quan biết, mà chỉ xin nghỉ phép thông thường, bạn bè cũng không biết ông đi đâu, bởi vì ông không muốn người khác đến thăm mình.
Những ốm đau khi trái gió trở trời, ông cũng không nói cho con cháu biết. “Chúng biết cũng chẳng để làm gì”. Ông cho rằng trong xã hội bận rộn này, để con cháu chăm sóc người có tuổi không phải là nên hay không nên, mà là năng lực của mỗi người. “Chúng còn bận đi làm, không thể chăm sóc, hơn nữa trong bệnh viện cũng có y bác sỹ chăm sóc mình, thế là đủ rồi”.
Vì thế, mỗi khi ông trở bệnh thường không có ai bên cạnh. “Có người ở bên cạnh thì sức yếu vẫn yếu. Nếu nhiều người đến bầu bạn với tôi, chẳng nhẽ tôi sắp chết rồi sao?”.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn một mình sống trong căn nhà nhỏ, tự mình làm hết các việc trong nhà. Có khách đến, ông còn có thể làm vài món ngon đãi khách.
Cho dù thế nào, dù là sinh, lão, hay bệnh, tử, ông đều không muốn phiền đến người khác. Ông nói: “Cả đời tôi chưa từng nghĩ đến chuyện thăng quan phát tài, chỉ hy vọng không nợ người ta tiền, không nợ ân tình, cũng không cầu đến người khác, không cúi đầu quỵ lụy trước người khác, không hổ thẹn giữa đất trời”.
Ông Triệu biết năng lực của bản thân có hạn, bước ra từ nghèo khổ, nỗ lực để biến cuộc sống trở nên tốt đẹp, vì thế đừng quá cưỡng cầu. Con người sống ở trên đời, cần phải có trái tim thoáng đãng…
***
Vài nét về cụ ông Triệu Mộ Hạc: Sinh ngày 18/7/1912, từng là Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đại học Sư phạm Cao Hùng. Ở tuổi 98, ông có bằng thạc sĩ và là thạc sĩ cao tuổi nhất ở Đài Loan. Mỗi ngày ông đều đi lại khoảng 4 tiếng đồng hồ, thói quen này được duy trì trong 2 năm qua. Cuộc đời ông có rất nhiều niềm vui, ông nói: “Tôi cả đời này sống với tâm lý thoát khỏi cái khó, cả đời tránh né những việc khó khăn”.
Ngọc Linh
Theo Văn Chương Duyệt Độc
Video: Người hẹp hòi sống nhờ chữ nhận, người quảng đại sống bằng chữ cho