Đại Kỷ Nguyên

Triển lãm cơ thể người: Bạn lựa chọn điều gì cho mình?

Aristotle, người đặt nền móng cho khoa học cổ đại đồng thời cũng là một triết học gia vĩ đại của Hy Lạp khuyên con người rằng: “Ai muốn nhìn nhận một cách đúng đắn thì cần phải biết nghi ngờ đúng cách”. Vậy trước tranh luận về tính khoa học và nhân đạo của buổi triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người”, chúng ta nên “sống và hành động như thế nào”?

Đầu tiên hãy nói về khuynh hướng ủng hộ triển lãm vì mục đích khoa học. Để đảm bảo có được góc nhìn đúng đắn đối với sự kiện này, chúng ta nên cùng nhau tìm hiểu về khoa học. Bởi lẽ chính Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Văn Trọng, một trong những nhà khoa học có hàng chục công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí nước ngoài đã thú nhận một điều rằng, ông đã dành trọn tâm huyết cuộc đời mình cho nghiên cứu khoa học nhưng đến khi nghỉ hưu, ông đã hoang mang tự hỏi một điều rằng “Khoa học là gì?”. Vậy nên, do không thể đảm bảo được rằng tất cả chúng ta đều là những nhà thông thái trong lĩnh vực khoa học, trước hết hãy cùng tìm hiểu về khoa học.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Sinh viên Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Văn Trọng trả lời: “Tinh thần khoa học thực ra là liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của cộng đồng các nhà khoa học. Nghề buôn bán có đạo đức nghề nghiệp của nghề buôn bán, các nhà khoa học cũng có đạo đức nghề nghiệp của mình. Đạo đức nghề nghiệp khoa học có ba điểm được coi là quan trọng nhất: Bất vụ lợi; Trung thực tuyệt đối; Và lắng nghe phản biện một cách có tổ chức”.

Sử dụng lời khuyên của triết học gia Aristotle, “nghi ngờ đúng cách”. Chúng ta hãy cùng xem buổi triển lãm có đáp ứng đầy đủ những điểm quan trọng về mặt “tinh thần khoa học” không nhé!

Tiến sỹ Von Hagens và vợ mình, bà Angelina Whalley trong buổi khai trương bảo tàng Body Worlds đầu tiên tại Berlin, Đức. (Ảnh: Getty)

1. Tính bất vụ lợi

Năm 1977, nhà giải phẫu học người Đức, Gunther Von Hagens đã phát minh ra quy trình nhựa hóa cơ thể người bằng công nghệ Plastination, một quá trình thay nước và chất béo trong cơ thể bằng một số loại nhựa nhất định, tạo ra các mẫu vật có thể chạm vào, không mùi, không bị phân hủy và giữ lại hầu hết đặc tính của mẫu ban đầu. Ông cho rằng, phát minh của mình cực kỳ thành công đối với giới y khoa khi các giảng viên, sinh viên và nhà khoa học chỉ có thể sử dụng các mẫu vật ngâm trong formaldehyde để phục vụ cho các nghiên cứu và bài giảng. Hẳn nhiên, Tiến sỹ Von Hagens đã đem một làn gió mới, một sự thay đổi tích cực cho ngành giải phẫu học của nền y học hiện đại. 

Tuy nhiên, giấc mơ của ngài Tiến sỹ Tử thần (Dr. Death) không chỉ dừng lại tại đó, năm 1999, ông Von Hagens đến Trung Quốc và nhân rộng phát minh khoa học của mình lên thành quy mô công nghiệp. Tháng 8/1999, chính quyền thành phố Đại Liên đã phê chuẩn cho ông Hagens đầu tư 15 triệu USD vào một doanh nghiệp tư nhân nước ngoài một thành viên, Công ty Nhựa hóa Đại Liên Von Hagens tại Khu công nghệ cao Đại Liên. Oriental Outlook Weekly ngày 24/11/2003 đưa tin, công ty của ông Hagens kiếm về hàng trăm triệu đô-la lợi nhuận [1].

Sau đó, ông Von Hagens để học trò của mình là bác sỹ Tùy Hồng Cẩm làm người quản lý sản xuất công ty nhựa hóa của mình tại Trung Quốc.

Năm 2002, ông Tùy âm thầm thành lập Công ty Nhựa hóa Đại học Y Đại Liên mà không báo cho ông Hagens. Số vốn đầu tư đăng ký là 1 triệu NDT. Khi phát hiện Tùy Hồng Cẩm mở công ty riêng, ông Hagens lập tức sa thải ông Tùy Hồng Cẩm khỏi chức vụ Tổng giám đốc, cuộc hợp tác giữa hai thầy trò chấm dứt từ đây [2].

Tháng 1/2004, ông Tùy Hồng Cẩm mở rộng hoạt động kinh doanh, thành lập Công ty TNHH Sinh học Hồng Phong Đại Liên và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị [3]. 

Năm 2005, ông Tùy Hồng Cẩm hợp tác với doanh nghiệp Mỹ, Premier Exhibitions, mở “BODIES-The Exhibition” tại Hoa Kỳ. Các mẫu vật do Công ty TNHH Sinh học Hồng Phong Đại Liên cung cấp. Theo ông Tùy, hai bên ký hợp đồng thuê năm năm, giá trị hợp đồng thuê mà Premier Exhibitions phải trả là 25 triệu USD [4].

Từ sau phát minh của Von Hagens, người ta có thể thống kê các buổi triển lãm Body Worlds, Real Bodies của Von Hagens và BODIES – The Exhibition đã mang về nguồn thu lợi nhuận hàng trăm triệu đô-la từ ngành công nghiệp nhựa hóa cơ thể người. Theo một báo cáo của Đài Truyền hình Đại Liên vào ngày 23/11/2010, công ty Hồng Phong Đại Liên của bác sỹ Tùy Hồng Cẩm có giao thương với hơn 100 bảo tàng nổi tiếng khắp thế giới, và thu nhập hàng năm của công ty Hồng Phong Đại Liên đã đạt 200 triệu USD [5].

Vậy là, chúng ta đã tìm được câu trả lời đầu tiên về “tính bất vụ lợi” của phát minh này đối với đạo đức nghề nghiệp khoa học là không đạt yêu cầu.

2. Tính trung thực tuyệt đối

Năm 2008, khi phóng viên đài BBC hỏi ông Hagens về những cân nhắc đạo đức khi sử dụng xác chết, ông trả lời rằng: “Điều quan trọng nhất là tôi sử dụng những cơ thể được hiến tặng độc quyền, được hiến tặng với sự đồng ý có hiểu biết. Tôi tin rằng 500 người hiến tặng cơ thể mà tôi có cho đến nay chính là cột trụ của plastination và những gì tôi đang làm”.

Từ ngữ ông Hagens sử dụng ở đây là “exclusively donated bodies, donated with informed consent” (tạm dịch là những cơ thể được hiến tặng độc quyền, được hiến tặng với sự đồng ý có hiểu biết). [6]

Tuy nhiên trước đó vào tháng 10/2003, một Ủy ban nghị viện ở Kyrgyzstan đã điều tra cáo buộc rằng ông Von Hagens đã nhận bất hợp pháp và cướp đi hàng trăm xác chết từ các nhà tù, các bệnh viện tâm thần và bệnh viện ở Kyrgyzstan, trong đó có những xác chết chưa được thông báo trước cho gia đình. Bản thân Von Hagens đã làm chứng tại cuộc họp; ông nói rằng ông đã nhận được 9 thi thể từ các bệnh viện Kyrgyzstan nhưng ông không sử dụng thi thể nào cho triển lãm Body Worlds, và ông không liên quan cũng không chịu trách nhiệm về việc thông báo cho gia đình [7].

Năm 2006, trong một bài báo của Newyork Times, ông Von Hagens nói rằng: “Khi tôi đến đây, Tùy Hồng Cẩm nói rằng chúng tôi không có vấn đề với thi thể của người Trung Quốc. Anh ấy nói rằng chúng tôi có thể sử dụng thi thể không có người nhận. Bây giờ thì khó nhưng ngày đó không có vấn đề gì cả” [8].

So sánh các câu trả lời của ông Von Hagens về nguồn gốc của các thi thể , có thể thấy rằng ông đã không đảm bảo được tính trung thực tuyệt đối trong công việc của mình. 

Kết luận: Phát minh khoa học này không đáp ứng được ⅔ yếu tố đạo đức nghề nghiệp khoa học.

Thi thể người phụ nữ mang thai đã được nhựa hóa đặt trong triển lãm. (Ảnh: Menzelphoto)

Có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho những ai từng tham gia các buổi triển lãm chính là hình ảnh người mẹ mang bầu một đứa trẻ khoảng 8 tháng đang nằm trên bàn trưng bày để những người xem triển lãm chiêm ngưỡng, một người phụ nữ và một đứa trẻ chết lưu, không một biểu hiện cảm xúc, không một tiếng khóc. Thân thể của họ đã được “nhựa hóa” với mục đích cao cả đem đến “những lợi ích sức khỏe và trải nghiệm tuyệt vời nhằm truyền cảm hứng về cuộc sống tươi đẹp giúp người tham quan hiểu ý nghĩa của sự sống và cái chết, từ đó thay đổi và xây dựng một lối sống lành mạnh cho bản thân và cộng đồng”.

Giáo dục tâm trí mà không giáo dục tâm hồn thì không phải là giáo dục – Aristotle.

Cách đây một tháng, có lẽ mọi người vẫn còn nhớ hình ảnh một người đàn ông trẻ nước mắt lăn thành dòng vừa khóc vừa đau đớn kể lại vụ tai nạn thảm khốc chỉ trong tích tắc đã cướp đi cả vợ và con anh. Vì không nghe được tiếng hét của anh, chiếc xe tải khi đang lùi đã cán qua người vợ đang ở tháng thứ 8 của thai kỳ, thai nhi văng ra đường và được người dân gần đó lại cắt dây rốn và đưa đi cấp cứu cùng bé gái lớn 3 tuổi bị thương nặng. Nhưng khi tỉnh lại, anh mới biết cả vợ và 2 con của anh đều đã qua đời, chỉ riêng anh vẫn còn sống bơ vơ trên cõi đời này. 

Vào một ngày cuối năm 2013, có lẽ nhiều người vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ lại khung cảnh dưới cái nắng như đổ lửa, một người chồng ôm thi thể vợ mình đang mang thai tháng thứ 5 kêu khóc thảm thiết cho đến ngất đi sau một vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi vợ và đứa con anh chưa được một lần thấy mặt.

Đọc xong 2 câu chuyện trên, khi nhìn thân xác người phụ nữ và đứa con trong bụng cô đã được nhựa hóa, có lẽ nhiều người sẽ tự đặt câu hỏi: “Không biết ai thật sự đủ can đảm, người chồng, người cha, người mẹ, người thân nào đủ dũng cảm để hiến xác vợ con mình cho mục đích nghiên cứu khoa học như vậy?” Và cũng bởi không đảm bảo được tính trung thực tuyệt đối, có lẽ chúng ta bắt đầu nên “nghi ngờ” rằng những thi thể này có nguồn gốc từ đâu?

Tháng 8/1999, Tiến sỹ Von Hagens thành lập Công ty Nhựa hóa Đại Liên Von Hagens tại Khu công nghệ cao Đại Liên của Trung Quốc. Việc thành lập một công ty nhựa hóa chắc chắn sẽ cần một số lượng lớn thi thể người chưa kể đến thời gian sau đó, ông Tùy Hồng Cẩm đã tách ra khỏi công ty của thầy mình và tự lập công ty riêng. Cả hai công ty đều tổ chức những buổi triển lãm trên khắp thế giới và thu về nguồn lợi nhuận không tưởng. Vậy đâu sẽ là nguồn cung ứng thi thể với số lượng lớn cho các công ty nhựa hóa này?

Tháng 5/2008, Tổng chưởng lý New York đã buộc đối tác Premier Exhibitions của ông Tùy Hồng Cẩm phải công bố thông tin liên quan đến trách nhiệm và nguồn gốc các thi thể trong triển lãm. Nhà tổ chức Premier Exhibitions đã công khai thừa nhận rằng những thi thể nhựa hóa này đến từ “các văn phòng công an Trung Quốc” và xác nhận trên trang chủ: “Có lẽ Công an Trung Quốc nhận thi thể từ nhà tù Trung Quốc. Premier không thể độc lập xác minh những mẫu vật thi thể người mà bạn đang xem không phải những người bị giam giữ trong trại giam Trung Quốc”.

Năm 2004, trả lời BBC, Von Hagens cũng cho biết ông nhận các thi thể từ quan chức Trung Quốc nhưng không biết chắc về nguồn gốc của chúng: “Tôi không thể chứng minh những thi thể đó không tới từ tử tù”.[9]

Như vậy, theo lời thừa nhận của ông Von Hagens và Premier Exhibitions, những thi thể nhựa hóa này là của các tử tù trong các trại giam tại Trung Quốc. 

Thông tin Premier Exhibitions công khai thừa nhận trên trang web của mình rằng các thi thể đến từ Công an Trung Quốc.

Điều đáng nhắc đến trong kết luận này đó là có thể rất nhiều tù nhân không thực sự là tội phạm, họ có thể là các tù nhân lương tâm – những người theo tập môn khí công Pháp Luân Công. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà chúng ta không thể không nhắc tới, đúng 1 tháng trước khi nhà máy nhựa hóa đầu tiên được xây dựng ở Đại Liên, ngày 20/7/1999, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra quyết định đàn áp khốc liệt Pháp Luân Công, một môn khí công tu luyện ôn hòa của Phật gia giúp rèn luyện tâm thân bằng cách tập 5 bài công pháp đơn giản và thực hành theo các tiêu chuẩn đạo đức là Chân – Thiện – Nhẫn mỗi ngày. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, có khoảng 70 – 100 triệu người tham gia theo tập bởi những lợi ích sức khỏe và sự thăng hoa tinh thần đáng ngạc nhiên mà môn tập đem lại. Chứng kiến sự phát triển không ngừng của Pháp Luân Công, Lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân, bởi sự đố kỵ đã ra lệnh bắt và tra tấn phi pháp các học viên với chính sách “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thể xác” nhằm xóa bỏ pháp môn tu luyện này.

Có thể, nhiều người sẽ thắc mắc rằng Pháp Luân Công tốt như vậy vì sao vẫn bị đàn áp tại Trung Quốc? Mời tìm hiểu câu trả lời chi tiết tại đây.

Tranh sơn dầu trên vải ‘Hoa sen vàng’ của họa sĩ Thẩm Đại Từ, (69in X 43in), 2004. Cảm hứng cho bức tranh này đến từ một câu chuyện có thật từng gây ra phản ứng kịch liệt trên trường quốc tế. Một người mẹ trẻ tên là Vương Lệ Huyên, cùng đứa con trai 7 tháng tuổi của cô đã bị tra tấn đến chết sau khi họ bị bắt chỉ vì tập Pháp Luân Công. Báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy đứa trẻ đã bị treo ngược đầu xuống đất và đầu của bé đã bị dập nát.

Theo những tư liệu công khai cho thấy, trước năm 2000, số lượng các ca cấy ghép nội tạng Trung Quốc không nhiều. Từ năm 1980 đến cuối năm 2000, tổng số ca cấy ghép thận được báo cáo là 34.832, tuy nhiên con số này đã tăng vọt sau năm 2000. Phó viện trưởng Bệnh viện Trung Sơn Hà Hiểu Thuận khi trả lời phỏng vấn của báo “Phương Nam Cuối tuần” đã cho biết: “Năm 2000 là vạch phân cách của ngành cấy ghép nội tạng Trung Quốc. Năm 2000, số lượng các ca ghép gan ở Trung Quốc gấp 10 lần so với năm 1999, năm 2005 lại tăng 3 lần”.

Năm 2004, tờ Guardian đưa tin công ty nhựa hóa của ông Von Hagens được đặt gần 3 trại giam, “nơi các tù nhân chính trị và các thành viên của phong trào khí công Pháp Luân Công bị giam giữ. Theo tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), chính quyền ĐCSTQ đã tử hình 2.468 người vào năm 2001 bằng cách bắn vào đầu hoặc đằng sau gáy. Von Hagens trước đây đã từng bị buộc tội vì mua thi thể của tử tù, người vô gia cư và người bị tâm thần từ Nga – một lời buộc tội mà ông phủ nhận” [10].

Tháng 4/ 2004, tờ báo Der Spiegel của Đức đưa tin: “Xung quanh nhà máy thi thể của Von Hagens ở Đại Liên, đã có 3 trại lao động và nhà tù. Trong số đó là ‘Nhà tù tỉnh số 3’ và ‘Trại cải tạo lao động [thành phố Đại Liên]’. Trong ‘Trại giam Yaojia’ khét tiếng, các tù nhân chính trị bị giam cầm, trong số đó là những người theo tập môn rèn luyện tinh thần Pháp Luân Công” [11].

Báo cáo nhân quyền năm 2009 của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng: “Một số nhà quan sát ước tính, các học viên Pháp Luân Công chiếm ít nhất một nửa các tù nhân được ghi chép chính thức trong các trại lao động của Trung Quốc” [12].

Phôi thai đã được nhựa hóa được trưng bày trong triển lãm. (Ảnh: Pinterest)

Từ những dẫn chứng trên, liệu chúng ta có “đúng đắn” khi “nghi ngờ” rằng những thi thể bị nhựa hóa đó là của các học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn và bị bức hại đến chết tại các nhà tù Trung Quốc? Giả thiết đưa ra, nếu một trong những thi thể nhựa hóa trong buổi triển lãm là của các học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại phi pháp trong các nhà tù Trung Quốc. Thì việc tổ chức các buổi triển lãm như này liệu có phải là một hình thức tiếp tay cho những kẻ hành ác?

Von Hagens và Tùy Hồng Cẩm không phải là người trực tiếp phát động cuộc bức hại đẫm máu, nhưng các hoạt động triển lãm của ông và học trò của mình đã làm kích phát số lượng cung ứng xác người phục vụ cho các công ty nhựa hóa. Vậy đâu là động lực để các hoạt động triển lãm được nhân rộng trên quy mô lớn?

Hãy nói về động lực của Von Hagens khi quyết định nhân rộng phát minh khoa học của mình lên thành quy mô công nghiệp. Von Hagens trả lời BBC rằng, ông từng rất băn khoăn trong một thời gian dài, chính ông cũng đắn đo, đây liệu có thực sự là khoa học, đây liệu có phải là nghệ thuật? Đã rất nhiều lần ông tự trả lời rằng: “Không! Không! Không phải!” Nhưng khi chứng kiến khuôn mặt “vui thích và hào hứng” của một vài khách tham quan mẫu vật thời đầu, đó như nguồn động lực mạnh mẽ thôi thúc ông mở những buổi triển lãm của mình từ Body Worlds 1 đến 4 và rất nhiều sau đó nữa. Như vậy, mục đích ban đầu của “cha đẻ” sinh ra những buổi triển lãm này, rõ ràng không chỉ để phục vụ y khoa, không chỉ để cải thiện sức khỏe cộng đồng mà bởi ông có một sự hưng phấn kỳ dị, một khao khát muốn đứng trên đỉnh cao của người chiến thắng bất chấp đạo đức nghề nghiệp, một lòng tham muốn chinh phục cả thế giới bằng phát minh khoa học của mình bất chấp đó là tội ác của nhân loại. 

Nhà vật lý học lỗi lạc nhất trong lịch sử, Albert Einstein từng nói: 

Khoa học là một công cụ có sức mạnh. Dùng nó như thế nào, rốt cuộc là nó mang lại hạnh phúc hay mang lại tai nạn cho con người, hoàn toàn quyết định ở bản thân mình, chứ không quyết định bởi công cụ.

Có thể, chúng ta không phủ nhận bản thân phát minh của Von Hagens có khả năng đưa vào ứng dụng trong nghiên cứu giải phẫu cơ thể người. Tuy nhiên, việc ông bắt đầu cấp số nhân các buổi triển lãm của mình để phục vụ cho mục đích khác, ý nghĩa thuần túy của nó đã biến mất. Có câu nói mà người ta vẫn thường nhắc nhở nhau rằng: “Khi xuất hiện lòng tham, thế giới bắt đầu sinh ra tội ác”.

Khoa học của xã hội nhân loại ngày nay là sản phẩm nghiên cứu của con người, thành tựu do con người đạt được và nó cũng có thể được xem là “đứa con tinh thần” của nhân loại trong hành trình khám phá vũ trụ. Vậy nếu bạn là một người cha người mẹ, bạn muốn con mình sẽ lớn lên theo cách nào? Một đứa con thông minh nhưng không có trái tim thương cảm hay một đứa con ngoan biết chăm lo cho bố mẹ và có tấm lòng yêu thương anh em và đồng loại mình?

Mục đích chân chính của khoa học là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, làm cho con người ngày càng văn minh hơn, nhân ái hơn, sống tốt hơn và vững tin hơn vào chính bản thân mình trong cuộc sống. Không ai có thể bắt ép chúng ta nên phải sống như thế nào, nhưng nếu được chọn lựa, bạn muốn lựa chọn cho mình điều gì? Đồng ý hay không đồng ý? Ai chẳng một lần lầm lỡ, ai chẳng một lần quyết định sai lầm, nhưng khi đã thấu tỏ sự thật, hãy lý trí để tự tìm cho mình một câu trả lời. Thử bước chậm lại một chút và thành thực với bản thân, có phải bạn nhận ra thẳm sâu trong sinh mệnh mình là một tâm hồn và trái tim lương thiện…

Bạn lựa chọn cho mình điều gì: Một tâm hồn thiện lương hay một đôi tay tiếp sức cho kẻ hành ác? (Ảnh: The Brag)

Hồng Tâm

Tham khảo:

[1] “China Economic Census enterprise directory database”, Basic Information on “Von Hagens Plastination (Dalian) Co., Ltd.

[2] “xiancn.com” August 22, 2012 “Controversy around the Hagens company in Dalian city Suspected to Make Human Specimens from Death-row Penalty Inmates for Exhibition”  [3] “Dalian Hoffen Biological Science & Technology Co., Ltd. Network” About Hoffen – Company Profile  [4] “Southern Daily”, August 23, 2012, “Hagens Accused of using prisoner corpse in Exhibition”, Southern Metropolis reporter: Wang Xing, Trainer reporter: Ruan Yang

[5]  dltv.cn, Nov. 23, 2010, Dalian news

[6] Turner, R (28 March, 2008). Body and soul, Truy xuất từ http://www.bbc.co.uk/manchester/content/articles/2008/01/02/220208_bodyworlds_interview_feature.shtml

[7] “Statement on Wrongful Allegations and False Reports by Media on the Origin of Bodies in BODY WORLDS Exhibitions” (Press release). Institut fur Plastination. 4 March 2006. Retrieved 8 May 2009.

[8] Barboza, D. (8 August, 2006). China Turns Out Mummified Bodies for Displays. Truy xuất từ https://www.nytimes.com/2006/08/08/business/worldbusiness/08bodies.html

[9] BBC news. (22 January, 2004). Von Hagens denies using prisoners. Truy xuất từ http://news.bbc.co.uk/2/hi/europe/3420483.stm

[10] Harding, L. (23 Jan, 2004). Von Hagens forced to return controversial corpses to China. Truy xuất từ https://www.theguardian.com/world/2004/jan/23/arts.china [11] Röbel,S & Wassermann, A (2004). Händler des todes. Der Spiegel, 4, 40. [12] U.S. Department of State. (2009). 2009 Country Reports on Human Rights Practices. BUREAU OF DEMOCRACY, HUMAN RIGHTS, AND LABOR.
Exit mobile version