Đôi nét về tác giả: Tác giả Phạm Hoàng Hải sinh năm 1948 tại Hà Nội, còn có bút danh là Hoàng Đại Dương. Ông từng công tác tại NXB Thế giới và là thư ký tòa soạn tạp chí Vietnam Cultural Window. 

Những tác phẩm đã xuất bản của ông như: “Sa Pa giữa trời mây trắng”, “Tam Đảo – Miền du lịch Đất tâm linh”, “Hội An người bạn đường du lịch văn hóa”, “Hạ Long Thiên đường giữa hạ giới”, “Nghệ thuật rối nước Việt Nam”, “Đà Nẵng trên con đường di sản”, “Hà Nội di sản văn hiến”… được dịch ra nhiều thứ tiếng và là những cuốn cẩm nang du lịch không thể thiếu đối với mỗi hành trình của du khách. Với văn phong đẹp đẽ, cuốn hút đầy chất thơ, các tác phẩm của ông rất có vị thế, được độc giả trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Tác giả Phạm Hoàng Hải (Nguồn ảnh: peopleinfo.net)

***

Mây trời lúc này đẹp đến nao lòng.

Lặng mình ngồi bên bao lơn tấng gác 16 cao tít tắp, nhìn xuống quảng trường Mỹ Đình. Bên dưới kia, người người lầm lũi nối nhau ngược xuôi, trôi mãi trôi mãi như những đàn kiến. Vội vã như thể hễ mà dừng lại, lập tức bị người đi sau gạt mất ra khỏi dòng đời.

Dưới ánh nắng vàng nhễ nhại. Giữa lưng chừng trời, mấy chục cánh diều chấp chới trông như những đàn cá cảnh rực rỡ, ve vẩy vẫy đuôi mềm mại, bơi ngược dưới dòng suối mát của gió chiều hè. Nhìn lâu mới thấy, chẳng chiếc nào bay giống chiếc nào. Mỗi chiếc mỗi kiểu.

Vội vã hớt hải
Êm êm đang ngủ mơ màng
Giật thốt, lắc lư
Chao đảo như say
Bồng bềnh bồng bềnh……

Hệt như con người. Nhìn xa thì giông giống nhau, lại gần mới thấy khác nhau quá chừng. Lăng xăng trên bãi cỏ xanh, trên nền nhựa xám của khu quảng trường, những con người nhỏ bé chạy đi chạy lại. Những cái mặt bé tý, hắt ngược lên trời, khát khao. Trông thật ngộ nghĩnh.

(Ảnh minh họa: Foody.vn)

Nổi bật trên nền cỏ, một chiếc diều sặc sỡ nằm im. Lúc này thì thấy nhỏ ti, nhưng chắc hẳn khi bay lên cao nó sẽ phải lớn hơn tất cả những cánh diều kia. Thoắt một cái, diều đã chao mình cất cánh. Con người lại xúm nhau chạy ngược chiều gió.

Cái diều bay lên, nhào xuống, rồi lại bay lên. Nặng nề nhưng kiêu căng. Nghiêng cánh sà lướt sang ngang, vẽ nên một đường cong thật đẹp, cánh diều đã bắt được gió. Nó dâng vút lên. Sức gió phần phật nâng đôi cánh lên.

(Ảnh minh họa : First Stop Singapore)

Như biết được sức bay mạnh mẽ của mình, nó lại lựa gió dâng lên, cao hơn, cao hơn. Và chẳng mấy chốc nó đã bắt được độ cao gần bằng những cái diều cao nhất trên bầu trời lúc này.

Kiêu hãnh dang cánh rộng, nó giật căng cái sợi dây mảnh như tơ nhện, mắt thường cũng khó nhận ra. Lợi dụng lúc đang được gió, nó phải bứt bay lên thật cao. Cánh nó to đẹp thế này, nó phải bay cao, hơn hẳn những chú diều nhép đang phởn phơ phía trên đầu nó. Sống là phấn đấu không dừng, phải khẳng định mình. Mà muốn chiến thắng thì phải quyết tâm. Nhìn vào cánh diều rung rung ép gió, có thể đọc ra những ẩn ý này.

(Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm)

Nó đang có gió, cánh nó tuyệt vời, nó chao liệng giỏi, nó phải bay lên thật cao thật cao.

Nhưng uất ức thay, cái dây oan nghiệt kia lại níu giữ nó, lại cản trở nó. Không thể thế được, nó sẽ cho đời biết tay. Tầm cao trên đầu, đó mới là điều nó quan tâm. Đứng im mà hát trong gió như lũ diều kia, nó thấy thương hại làm sao. Một cơn gió mới tràn đến. Rùng mình thu hết sức lực, nó giật thật mạnh. Thế là dây diều tởi ra. Lập tức nó bốc lên cao cho đến hết cả tầm dây. Tự hào, nó thả đuôi phần phật trong gió và vẫy cánh vươn mãi lên trên trời rộng.

Lúc này nó đẹp lạ lùng. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nó đang ưỡn ngực để cho gió trời phải khuất phục mà luồn qua bên dưới đôi cánh tuyệt vời. Khe khẽ chao nghiêng, nó đưa mắt nhìn lũ diều yếu đuối khốn khổ đang tụt xuỗng xa dần xa dần bên dưới đôi cánh của nó.

(Ảnh minh họa: Fiveprime)

Cứ mỗi một lần cái diều dướn gió, căng mình giật lên, là một lần cái đây lại bị tởi ra, chùng chùng cong võng. Và diều lại tựa cái sải cánh to rộng, đè vào gió trời mà lên. Sợi dây lại miễn cưỡng căng ra, căng ra. Cuộc cãi nhau tranh chấp giữa diều và dây bao giờ cũng kết thúc bằng sự thắng lợi của đôi cánh diều tài giỏi.

Từ trên bao lơn cao tầng lúc này đã thấy cánh diều thật rõ. Thấy cả một chùm các túm dây căng, níu vào khắp các nan diều, run lên bần bật trong gió. Ràn rạt bên tai, đã nghe thấy cả tiếng gió phần phật phần phật như muốn giằng đứt các chiếc đuôi tua xanh đỏ vẫy vùng.

Trong lòng cảm thấy nao nao, hơi thở nghèn nghẹn bên trong cuống họng. Một nỗi nuối tiếc dâng lên. Tự thấy thèn thẹn vì trong đời mình, chưa có một lần được bay thả sức, được kiêu hãnh tuyệt đẹp như cái diều kia, ào ạt giữa lồng lộng gió trời.

(Ảnh minh họa: mytour.vn)

Có đến bao giờ, đời ta, một lần?

Đang nghĩ vẩn vơ thì vụt một cái. Bay qua trước mặt. Cánh diều rực rỡ lướt lên. Mắt chưa kịp chớp thì đã thấy chấp chới chấp chới. Cái diều đảo vòng, xoay như chong chóng. Tít từ trên cao, nó bỗng chúi đầu, vun vút lao xuống.

Thì ra cái diều đã bị đứt dây. Thật là thê thảm.

Khi đang kiêu căng bứt gió, nó có biết đâu. Cái sợi dây mỏng manh vẫn hằng giằng kéo, níu nó, cản nó, chống đối lại nó lúc này đã bị nó kéo đến đứt tung ra. Nó đã chiến thắng vẻ vang.

Diều đã bị đứt dây. (Ảnh minh họa: PxHere)

Thế nhưng sau khi cắt bỏ được tất cả mọi sự cản trở trên đời, thoát khỏi mọi sự mà nó cho là khổ đau, thoát khỏi sự tự ràng buộc của cái dây kia mà nó sẽ vĩnh viễn từ giã bầu trời. Nó đã thất bại ê chề. Bởi vì chẳng còn cái dây khó khăn ngang trái, cho nên nó mất thăng bằng. Không còn khó khăn không còn bị giới hạn, nó đã không còn là cánh diều nữa mà chỉ là cái xác nặng nề.

(Ảnh minh họa: KuBiPeT.com)

Đã sống là phải phấn đấu, đã sống là phải vươn lên, vươn mãi mãi lên.

Thế nhưng làm sao mà nó có thể biết được, khi nào là lúc sợi dây sắp đứt?

Phải có minh trí, phải có tuệ nhãn. Mà nó chỉ là cái diều, làm sao mà nó biết được?

Phạm Hoàng Hải