Trồng một chậu ớt nhỏ trong gia đình không chỉ cung cấp nguyên liệu phục vụ ăn uống mà còn góp phần tô điểm thêm màu sắc cho ngôi nhà của bạn.
Kỹ thuật trồng cây ớt khá đơn giản, không cần chăm sóc quá cầu kỳ, mất ít thời gian mà cây vẫn phát triển mạnh mẽ và rất sai quả.
Chuẩn bị
- Hạt ớt khô làm giống (số lượng tùy thích)
- 1 khay làm đá viên trong tủ lạnh
- Chậu cây có đường kính khoảng 15-20 cm
- Vôi và phân bón cây loại NPK
Cách làm
- Bước 1: Lựa chọn hạt giống tốt
Trước khi trồng ớt, bạn cần xác định loại ớt mà mình muốn trồng. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại giống như ớt sừng, ớt chỉ thiên, ớt chuông… để bạn lựa chọn cho phù hợp mục đích sử dụng và diện tích đất trồng
Bạn có thể đến các cửa hàng cây giống để mua loại hạt ớt muốn trồng, hoặc tự mua quả tươi về lấy hạt giống. Tuy nhiên, phương án đầu tiên được khuyến khích hơn vì hạt giống mua sẵn đã qua nhiều khâu xử lý sẽ có sức đề kháng mầm bệnh tốt hơn. Nếu bạn vẫn muốn tự tạo giống thì hãy ngâm hạt ớt với trà hoa cúc hoặc nước oxy già ấm để khử trùng trước khi gieo trồng.
- Bước 2: Ngâm hạt giống
Trước khi trồng, hạt giống ớt cần được ngâm trong nước khoảng 50 độ C từ 2-8 tiếng để thúc đẩy sự phát triển và nảy mầm. Bạn có thể pha nước sôi và nước lạnh theo tỷ lệ 2:3 để có nước ấm 50 độ C.
- Bước 3: Chuẩn bị đất trồng
Đất dùng để trồng ớt có thể dùng nhiều loại đất khác nhau như đất cát pha, đất canh tác lúa, đất thịt pha sét hay đất phù sa ven sông. Cây ớt có khả năng thích nghi trong mọi điều kiện, chỉ cần đất tơi xốp, thoáng khí và giàu chất hữu cơ. Khi lấy đất về, bạn cần làm tơi đất, diệt cỏ và bổ sung thêm nước để đất được ẩm và sạch mầm bệnh.
Ngoài ra, để khử khuẩn và làm giàu dinh dưỡng cho đất trồng, bạn có thể lót thêm vôi bột và phân NPK.
- Bước 4: Gieo hạt
Dùng khay làm đá viên trong tủ lạnh, đục lỗ thoát nước bên dưới, cho đất đã qua xử lý vào từng ô để gieo hạt giống.
Gieo hạt xong, bạn để khay hạt giống ở nơi ấm áp hoặc có thể sử dụng bóng đèn sợi đốt để cung cấp nhiệt kích thích sự nảy mầm nhanh hơn.
Khi hạt ớt bắt đầu nảy mầm và vươn lên thành cây cao khoảng 10-15 cm thì bạn chọn những cây khỏe mạnh, đánh ra khỏi khay và trồng riêng từng cây vào các chậu đất đã chuẩn bị sẵn.
- Bước 5: Chăm sóc cây
Chăm sóc cây con: Để giúp cây non khỏe mạnh và thích nghi với môi trường sống, mỗi ngày, bạn nên đem cây ra ngoài trời vài giờ. Số giờ này sẽ tăng dần theo thời gian cho đến khi cây đủ khả năng thích ứng hoàn toàn với môi trường ánh sáng tự nhiên.
Cây trong quá trình phát triển: Hai thời điểm cần tưới nước nhiều nhất là vào mùa hè trời nắng nóng và khi mùa đông khô hanh. Nếu sống trong môi trường khô cằn, nắng nóng kéo dài như ở miền Trung, bạn có thể phủ dưới gốc ớt một lớp rơm giúp giữ ẩm và cân bằng nhiệt độ cho đất. Bón thêm phân NPK 1-2 lần cho cây và chia đều thành từng đợt. Đợt đầu bạn bón sau khi trồng ra chậu được 20-25 ngày; đợt hai bón khi cây đậu trái. Ngoài ra, bạn cũng nên tỉa nhánh và lá cho cây, đặc biệt là phần gốc để cây được thông thoáng và phát triển khỏe mạnh.
Chăm sóc khi cây ra hoa: Các kỹ sư nông nghiệp khuyên rằng, bạn nên loại bỏ lứa hoa đầu tiên, điều này sẽ không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của cây mà còn giúp tăng năng suất thu hoạch quả.
- Bước 6: Thu hoạch ớt
Bạn có thể thu hoạch ớt ở giai đoạn quả còn màu xanh hoặc cam nhạt chưa chín hẳn tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng cao hơn nếu đợi chúng chuyển sang màu đỏ, hoặc vàng tươi.
Hoài Phương