Ngày ngày, dòng xe cộ ồn ã vẫn tấp nập chạy trên cây cầu gần nhà ga Yamuna Bank ở thành phố New Delhi, Ấn Độ. Nhưng mặc cho tiếng xe huyên náo, những trẻ em nghèo nơi đây vẫn chăm chú vào bài giảng tại một ngôi trường mang tên: “Trường học miễn phí dưới gầm cầu”.
Đây là trường học đặc biệt, được tổ chức ở một nơi đặc biệt, bởi một người thầy đặc biệt, và với những học trò cũng vô cùng đặc biệt. Đó là những em nhỏ sinh sống ở các khu ổ chuột hoặc các khu dân cư nghèo trong thành phố. Cha mẹ các em là người lao động chân tay, làm công nhân xây dựng, hay kiếm sống nơi đường phố, và thường không có tiền nuôi con ăn học.
Ngôi trường có khoảng 200 em học sinh thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, được xếp thành các lớp nhỏ. Các em được học những môn cơ bản như tập viết, tập đọc, toán, tiếng Anh, lịch sử, và địa lý.
Không có bàn ghế, cũng không có phòng học, chỉ có các cây cột trụ và gầm cầu làm nơi che nắng mưa. Các em nhỏ ngồi trên những tấm thảm được trải rộng giữa nền đất; bút và vở được kê lên đùi làm bàn viết; chiếc tường bê tông được sơn thành những ô nhỏ màu đen làm bảng; và thầy giáo giảng bài bằng phấn trắng.
“Trường học dưới gầm cầu” ra đời như thế nào?
Người sáng lập “ngôi trường” là Rajesh Kumar Sharma, chủ một cửa hàng ở Shakarpur, cách trường khoảng 5 km. Là người đàn ông đến từ thành phố Aligarh, bang Uttar Pradesh, và chuyển đến New Delhi từ năm 1995 để tìm kiếm việc làm, thầy Sharma kể rằng ông đã phải dở dang đại học năm thứ 3 ở Aligarh do gia đình không đủ tài chính. Vì vậy, ông muốn mang đến cơ hội học tập miễn phí cho các trẻ em nghèo.
“Tôi nhìn thấy các em nhỏ chơi đùa trong bùn đất. Một số em khoảng 12-14 tuổi. Chúng chỉ lãng phí thời gian và không hề đến trường”, thầy Sharma nói. “Khu vực này từng bị bao phủ bởi các cây dại và bụi rậm. Tôi tìm thấy một nơi để dạy và bắt đầu với chỉ 2 em nhỏ. Trong vòng 3 tháng, lớp đã phát triển thành một trường học đầy đủ”.
Ban đầu, lớp học trông khá “hoang tàn” với nền đất gồ ghề và những mẩu gạch, đá, hay xi măng ngổn ngang. Nhưng cho đến nay, phần nền đã được san phẳng, và giáo viên đã có bục giảng để đứng dạy bài. Cùng với thầy giáo Sharma còn có một số tình nguyện viên khác đến giảng bài vào những giờ nhất định trong tuần.
Lớp học miễn phí cũng nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng. Nhiều người đã quyên góp cặp sách, giấy bút, và những đồ dùng học tập khác cho các em. Không chỉ vậy, nhiều học sinh của thầy Sharma còn được nhận vào các trường công lập để tiếp tục giấc mơ học vấn.
“Tôi đến gặp hiệu trưởng của một ngôi trường ở Shakarpur và mời ông ấy đến thăm trường học của chúng tôi. Ông tới thăm chúng tôi vào ngày hôm sau và vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến rất nhiều em tham dự lớp học”, trang The Weekend Leader trích dẫn lời chia sẻ của thầy Sharma. “Sau đó, ông ấy sắp xếp để nhận 60 học sinh của chúng tôi vào trường ông ấy”.
Như vậy, những lớp học tình nguyện như của thầy Sharma sẽ mang đến tia hy vọng mới cho các trẻ em nghèo. Tương lai của các em sẽ không bị giới hạn bởi lao động cực nhọc, nhặt rác, hay vất vả mưu sinh, mà còn là một con đường rộng mở hơn nữa. Nếu như trẻ em là tương lai của xã hội, thì tương lai ấy cũng là thành quả từ cống hiến của những người thầy thầm lặng như thế.
Hồng Liên tổng hợp
Xem thêm: