Đại Kỷ Nguyên

Ra chợ đổi con ngựa lấy túi táo chín, ông lão không hề bị vợ mắng mà còn được tặng ‘túi vàng’ và ‘nụ hôn’!

“Người già không bao giờ làm sai” là câu chuyện đồng thoại nổi tiếng của Andersen. Đại ý câu chuyện là: Ở một làng nọ có cặp vợ chồng già nghèo khổ, một hôm họ muốn mang con ngựa, thứ đáng giá duy nhất trong nhà, ra chợ đổi lấy thứ gì đó đáng giá hơn. Cụ bà nói với cụ ông: “Hôm nay trên trấn có phiên chợ, ông mang con ngựa này đi bán hoặc đổi lấy thứ gì hay hay. Xưa nay ông làm gì cũng không bao giờ sai, ông mau đi đi!”

Bà lão quàng khăn cổ cho ông lão rồi buộc khăn cẩn thận trông thật đáng yêu, lại lấy tay phủi phủi lên mũ của ông cụ mấy cái, cuối cùng trao cho ông một nụ hôn ấm áp. Thế rồi ông lão theo lời căn dặn của bà lão lên đường.

Lúc đầu ông lão đổi con ngựa lấy con trâu cái, lại dùng con trâu cái đổi lấy con dê, lại dùng con dê đổi lấy con ngỗng, lại dùng con ngỗng đổi lấy con gà mái, cuối cùng đổi con gà mái lấy túi táo chín.

Mỗi lần đổi ông lão đều nghĩ đây là việc bà lão mong muốn nhất, chắc chắn sẽ đem lại niềm vui cho bà lão.

Trong lúc ông lão xách túi táo nghỉ chân tại một quán rượu thì gặp hai người Anh quốc giàu có. Ông lão dương dương đắc ý kể lại quá trình mình đi chợ. Hai người kia nghe xong câu chuyện thì cười ngặt nghẽo, khẳng định chắc chắn về nhà ông sẽ bị bà lão nện cho một trận. Ông lão thì khăng khăng khẳng định không bao giờ có chuyện như thế, ông nói chân thành với hai người kia: “Tôi sẽ được tặng một nụ hôn chứ không bao giờ là một trận đòn”. “Bà ấy sẽ nói: ông làm việc gì cũng đúng.”

Thế là hai người Anh dùng một đấu tiền vàng đặt cược rồi cả ba người cùng đi về nhà ông lão.

Điều khiến hai người Anh quốc kia há mồm trợn mắt là: Bà lão vô cùng thích thú nghe ông lão kể lại quá trình đi chợ. Mỗi lần nghe ông lão kể mình đổi lấy một thứ là bà lão lại tỏ rõ vẻ tâm đắc, khâm phục. Đến cuối cùng khi nghe ông lão kể đổi lấy túi táo chín, bà lão tỏ ra kích động nhất: “Giờ tôi không thể nào lại không tặng ông một nụ hôn. Nhưng tôi cũng muốn kể với ông một chuyện. Ông biết không, hôm nay sau lúc ông đi, tôi đã nghĩ tối nay phải làm một món thật ngon cho ông ăn. Tôi nghĩ tốt nhất là chiên trứng và cho thêm chút rau thơm vào. Tôi đã có trứng, nhưng lại không có rau thơm. Vì thế tôi đến chỗ thầy giáo ở trường học, vì biết họ có trồng rau thơm. Nhưng vợ của thầy là một phụ nữ keo kiệt. Tôi xin cô ấy cho tôi mượn một ít. ‘Mượn à?’, cô ấy nói với tôi, ‘vườn rau của chúng cháu trồng gì cũng không mọc, đến một trái táo chín cũng không có, giờ cháu không có gì để cho cụ đâu’. Nhưng bây giờ tôi có thể cho cô ấy cả chục trái táo, thậm chí là cả một túi táo chín. Ông đúng là người tuyệt vời! Cảm ơn ông, người đàn ông của đời tôi!”

Nói dứt lời bà lão lại trao thêm cho ông lão một nụ hôn.

Hai người Anh quốc kia bội phục vô cùng, và cũng giữ lời hứa đưa cho ông lão túi tiền vàng.

Có thể nói, câu chuyện đồng thoại này không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn áp dụng cho cả đời sống hôn nhân của người lớn, đó là đạo lý tình yêu trong hôn nhân: Yêu một người là luôn biết dành hết tấm lòng với họ, chấp nhận họ, cho dù nhiều khi đối phương làm không vừa ý mình, nhưng nếu biết động cơ của họ là tốt thì nên động viên và tán thưởng họ, không nên tự cho mình thông minh mà gây tổn thương cho người mình yêu, vui vẻ chấp nhận người mình yêu là quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Vợ chồng cần giữ nguyên tắc tôn trọng, khoan dung và động viên nhau. Như thế đời sống mới có hương có vị, nữ cần thế, nam cũng không ngoại lệ.

Ở đây đạo lý rất đơn giản, nhưng người ta hay xem nhẹ: Chồng dùng nửa tiền lương tháng của mình mua quần áo cho vợ, vợ lại trách móc đồ chồng mua không đẹp, dùng tiền phung phí, làm tình cảm hai người nặng nề; người vợ khổ nhọc nấu ăn cho chồng, muốn chồng được vui, nhưng chồng lại chê vợ nấu không ngon…

Ai cũng nhận thấy, ông lão trong câu chuyện “Ông lão không bao giờ làm sai” kể trên không phải người chồng tài giỏi, thông minh, bà lão có đủ lý do để trách móc, chê ông bần cùng, ngu xuẩn… Giả như bà lão chọn cách chê trách, có lẽ tình cảnh giữa hai người cũng không thay đổi được bao nhiêu, chỉ làm cho cuộc sống của họ đã nghèo lại càng thêm lạnh lẽo, càng thêm tuyệt vọng và đau khổ. Nhưng bà không oán trách mà chỉ biết tin tưởng và vui vẻ, tôn trọng và khoan dung, giúp ông lão thêm niềm tin bội phần, còn bà lão cũng vui vẻ vô cùng. Đây đúng là một phụ nữ vừa sáng suốt mà đáng yêu!

Nếu bạn phối ngẫu không phải kẻ nghiện ngập, lăng nhăng, nếu họ không phải phạm tội ác không thể tha, nếu chuyện khiến hai người cãi vã chỉ là chuyện nhỏ, vô thưởng vô phạt trong cuộc sống, chúng ta hãy nghĩ đến bà lão đáng yêu kia, nghĩ đến bà đã ứng xử thế nào khi ông lão dùng một con ngựa đổi lấy một túi táo chín…

Đôi vợ chồng lý tưởng, nhiều khi giả ngu, giả mù với nhau, thực ra chính là khoan dung cho nhau, đây mới gọi là tình yêu thực sự. Đã yêu thì đừng làm khó đối phương, đừng soi mói đối phương, đừng chỉ trích đối phương。

Vợ chồng đồng lòng, đất cũng biến thành vàng. Việc nhà không có đúng hay sai, chỉ có hòa và bất hòa, gia hòa vạn sự vui. Tổ ấm là nơi để yêu nhau, không phải nơi để cãi lý lẽ. Nơi cãi lý là tòa án. Nhà phải có gốc và có hồn, hai thứ này đều do phụ nữ nắm giữ!

Theo NTDTV

Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version