Sở hữu khối tài sản hàng tỷ USD nhưng tỷ phú Ingvar Kamprad, nhà sáng lập IKEA, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới, chỉ đi máy bay khoang bình dân và có thói quen mang những gói hạt tiêu nhỏ ở quán ăn về nhà.
Tuổi thơ “dữ dội”
Ingvar Feodor Kamprad sinh ngày 30 tháng 3 năm 1926 tại một trang trại nhỏ mang tên Elmtaryd gần làng Agunnaryd, thuộc tỉnh Småland, Thụy Điển. Đó là quãng thời gian mà những khu vực nông thôn Thụy Điển vô cùng khó khăn bởi đất nước vẫn còn là một nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu.
Kamprad bắt đầu kiếm tiền khi mới 5 tuổi với công việc bán diêm. Khi 10 tuổi, ông đã rong ruổi trên chiếc xe đạp của mình qua khắp khu phố để bán đồ trang trí Giáng sinh, cá và bút chì.
Năm 17 tuổi, Kamprad được cha thưởng cho một khoản tiền nhỏ vì đã đạt được kết quả tốt ở trường. Với số tiền khiêm tốn đó, Ingvar đã thành lập công ty của riêng mình lấy tên là IKEA (viết tắt cho Ingvar Kamprad từ Elmtaryd, Agunnaryd, nơi gắn liền với tuổi thơ ấu của ông).
Từ khởi đầu khiêm tốn bằng việc bán những món đồ gỗ lưu niệm dịp nghỉ lễ cho những đứa trẻ hàng xóm ngay khi còn nhỏ, Ingvar Kamprad đã gây dựng nên công ty IKEA với giá trị 11,8 tỷ USD và trở thành một tỷ phú.
Chính bởi đã trải qua tuổi thơ nghèo khó mà Kamprad rất trân trọng giá trị của lao động. Dù sau này đã trở thành một trong những tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới nhưng ông luôn gìn giữ bản sắc của mình: làm việc chăm chỉ, sống tiết kiệm và luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người khác – đó cũng là những giá trị luôn gắn liền với IKEA.
Tỷ phú giản dị và chân chất
Thương hiệu nội thất IKEA có mặt tại Thụy Điển, Na uy, Đan Mạch và 47 nước trên thế giới với hơn 300 cửa hàng. Theo tờ Daily and Sunday Express, 1/3 số bếp ở Pháp và Thụy Điển là của IKEA. Ở Nauy, tỷ lệ này là một nửa. Ở Anh, con số có kém hơn, nhưng chỉ kém chút đỉnh.
Những đứa trẻ sinh ra từ chiếc giường IKEA, ngủ trong nôi của IKEA, trong khi cha mẹ chúng ngồi trên ghế sofa IKEA, ăn bằng bát đĩa của IKEA, và những bộ bát đĩa này cũng được cất trong tủ của IKEA.
Năm ngoái, giữa lúc nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và nhiều nền kinh tế suy thoái, IKEA vẫn đạt mức lợi nhuận cả năm cao kỷ lục 3,2 tỷ Bảng. Doanh thu tại 44 quốc gia có cửa hiệu IKEA tăng khoảng 10%, đạt mức 27,6 tỷ Bảng.
Kamprad có thể dễ dàng tậu một phi cơ riêng, nhưng ông thường xuyên đi máy bay hạng bình dân, thậm chí là chọn các hãng bay giá rẻ. Có lần, khi Kamprad tới tham dự một buổi tiệc để nhận giải thưởng Doanh nhân của năm, ông đã bị bảo vệ từ chối cho vào cửa khi họ thấy ông đi xuống từ một chiếc xe bus.
Ông Kamprad còn thường đi du lịch Thụy Sĩ bằng xe buýt, nếu có đi xe lửa thì ông cũng ngồi ghế hạng hai, và khi đi máy bay cũng chỉ ngồi hạng phổ thông. Ông Kamprad cũng tránh mặc đồ tây, cuộc sống của ông không khác gì so với người bình thường và ông thích đi chợ mua rau, trái cây vào buổi chiều vì đó là lúc giá cả khá rẻ.
Thay vì ăn ở những nhà hàng sang trọng, Kamprad thường tạt vào một trong những cửa hiệu của ông để ăn một bữa bình dân với món thịt viên ưa thích. Mỗi khi ăn tiệm, ông thường lấy những gói nhỏ muối và hạt tiêu để bỏ túi, mang về nhà dùng.
Trước đây, suốt nhiều năm, vị tỷ phú giàu nhất nhì Châu Âu này vẫn lái một chiếc xe Volvo đã cũ kỹ. Ông chỉ bỏ chiếc xe khi người ta thuyết phục được ông rằng tiếp tục sử dụng nó là quá nguy hiểm.
Ngoài ra, các nhân viên trong công ty của Kamprad đều được yêu cầu phải dùng hai mặt của mỗi tờ giấy và tắt điện mỗi khi rời khỏi phòng. Ông cho rằng chính sự cần cù làm việc và lối sống tiết kiệm đã tạo nên IKEA. Ông cũng luôn cố gắng truyền cho những nhân viên của mình một niềm tin rằng: “Chẳng ai làm giàu được nếu vung phí tiền bạc”.
Trong quan điểm của Kamprad, sự xa xỉ không chỉ thừa thãi mà còn là một tội lỗi. Trong một cuốn hồi ký, Kamprad viết rằng: “Chúng tôi không cần những chiếc xe bóng lộn, những danh hiệu ấn tượng, những bộ đồng phục hay biểu tượng địa vị nào khác. Chúng tôi dựa vào sức mạnh và ý chí của mình”.
Ông chủ mẫu mực, gần gũi với nhân viên
Kamprad thậm chí đã từng tự tay viết một bức thư gửi tới nhân viên toàn công ty về một việc ông đã làm mà ông cho là “sai lầm lớn nhất của cuộc đời”. Cảm động trước sự chân thành của ông chủ, hàng trăm nhân viên IKEA đã ký một bức thư trong đó viết: “Chúng tôi ở đây bất kỳ khi nào ngài cần chúng tôi. Gia đình IKEA”.
Mặc dù bây giờ tuổi đã cao nhưng Kamprad vẫn đi khắp thế giới để thăm các cửa hàng IKEA mới mở. Ông luôn thân thiện gọi nhân viên của mình là đồng nghiệp, khuyến khích mọi người ăn mặc thoải mái thay vì phải mặc những bộ đồng phục khó chịu.
Tuy không còn tham gia trực tiếp vào việc kinh doanh của tập đoàn IKEA nữa nhưng Kamprad là một người không thể ngồi không, ông vẫn tham gia vào đại hội thường niên của IKEA. Được biết mỗi lần họp, ông đều bắt tay với gần một nghìn nhân viên.
Hiểu Minh