Các tài xế xe buýt thuộc tập đoàn Ryobi ở thành phố Okayama (Nhật Bản) đã thực hiện một cuộc đình công lạ lùng: Dù đang trong thời gian đình công nhưng họ vẫn tiếp tục lái xe phục vụ hành khách như bình thường, chỉ khác là không thu tiền vé của bất cứ ai.
Một hãng xe buýt cạnh tranh khác là Megurin đã bắt đầu hoạt động từ ngày 27/4 và có vài tuyến trùng với hãng Ryobi. Không những thế, Megurin còn có chất lượng phục vụ hành khách tốt hơn với mức giá rẻ hơn và các xe được trang trí rất đáng yêu.
Đó là lý do khiến các tài xế của Ryobi lo lắng công việc của mình đang bị ảnh hưởng. Họ đề nghị nhà quản lý của tập đoàn cần có những giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo “nồi cơm” của gia đình họ không bị giảm sút. Tuy nhiên, Ryobi không mấy bận tâm đến lo lắng của nhân viên, đây chính là lý do khiến cuộc đình công bắt đầu.
Trong nhiều trường hợp như vậy, nhà quản lý có thể lợi dụng việc đình công như một lý do để chống lại các nhân viên, khiến người dân tin rằng các nhân viên đang hành động ích kỷ, đặt lợi ích của bản thân lên trên lợi ích chung. Để chứng minh rằng mình vẫn sẵn lòng phục vụ cộng đồng, các nhân viên của Ryobi vẫn đi làm như thường lệ, thậm chí còn không thu tiền vé của khách.
Đây không phải lần đầu tiên một cuộc đình công như vậy diễn ra ở Nhật hay trên thế giới. Năm ngoái, tại Brisbane và Sydney (Úc) từng xảy ra đình công nhưng vẫn cung cấp dịch vụ miễn vé xe trong nhiều ngày cho hành khách. Trường hợp “đình phí” được ghi nhận đầu tiên ở Cleveland (Mỹ), do các nhân viên xe điện khởi xướng vào năm 1944. Các trường hợp tương tự liên quan đến các dịch vụ khác cũng từng xảy ra ở châu Âu và châu Mỹ Latinh.
Nhiều người sau khi biết được câu chuyện này đã băn khoăn tự hỏi: Liệu hành động của các tài xế có thực sự đem lại lợi ích cho họ hay không? Có người cho rằng: “Điều này không hay chút nào. Vậy họ đang làm việc không công ư ?!”; “Tôi nghĩ đó là một cách tốt để bảo vệ hình ảnh công ty trong thời gian dài, tuy vậy, cách họ hành động có thể ảnh hưởng đến cả hai bên trong quá trình thương thảo”.
Cũng có ý kiến bày tỏ sự đồng tình: “Tôi nghĩ rằng đình công sẽ gây áp lực lên quản lý hơn”; “Đây là một ý tưởng tuyệt vời, tôi thích việc họ đang thử những cách khác nhau để có được những gì họ muốn”. Lại có người tin rằng hành động của các công nhân có thể phản tác dụng: “Ý tưởng khá hay nhưng tôi nghĩ số tiền tiết kiệm không nhỏ mà công ty có được từ tiền lương và quảng cáo sẽ khiến công ty vẫn hoạt động ổn thỏa”.
Có rất nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng đến kết quả đình công này, nhưng đó chính là một thử nghiệm thú vị để xem liệu cuộc đình công sẽ có ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản như thế nào?
Việc những tài xế Ryobi tự thực hiện giải pháp để đảm bảo công việc trước sức ép cạnh tranh gay gắt của đối thủ, bằng cách nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ hình ảnh và mối quan hệ của họ với hành khách thực sự là một động thái tích cực. Nó có lẽ là một cách hành xử khôn ngoan cho tất cả các bên liên quan.
Khôn ngoan bởi lẽ, nếu họ chọn cách hành xử ngược lại, đình công và ngừng phục vụ, chắc chắn hoạt động của tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng và “nồi cơm” của gia đình họ cũng chẳng thể giữ được. Cách hành xử này cũng phần nào thể hiện văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản, trong công việc luôn đặt trách nhiệm lên trên tình cảm. Cho dù lợi ích thiết thân đang bị đe dọa, nhưng những người lao động này vẫn đặt lợi ích chung lên trên hết. Vị công chứ không vị tư, có lẽ chính phẩm chất này góp một phần quan trọng làm nên sự thành công của Nhật Bản.
Phương Lâm biên dịch