Đại Kỷ Nguyên

Từ FedEx đến Intel – Những ý tưởng hay là chưa đủ, bạn cần phải bền bỉ với nó

Nếu bạn vẫn luôn than vãn rằng ý tưởng xuất sắc của mình không được người khác công nhận thì câu chuyện dưới đây sẽ chứng minh cho bạn rằng, tất cả không đơn giản chỉ là có một ý tưởng hay. Bạn phải thật sự dành tâm sức để chứng mính giá trị của nó.

Hãng chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới ra đời như thế nào?

Fred Smith bên cạnh chiếc máy bay của mình (Ảnh: blog.jarvis-conseils.com)

Năm 1965, chàng sinh viên Fred Smith được yêu cầu viết một bài luận. Sau một thời gian suy nghĩ, anh đã nêu ra nhận định của mình về hoạt động vận tải hàng hóa của Mỹ. Theo anh nhu cầu chuyển phát sẽ tăng cao trong những năm tới, thậm chí là đường bộ sẽ không thể đáp ứng nổi nhu cầu của thị trường. Bởi vì phương thức vận tải truyền thống không hề phù hợp với những hàng hóa cần được vận chuyển trong thời gian ngắn như thực phẩm, thuốc men hay đồ điện tử …

Smith đưa ra ý tưởng về một hình thức vận chuyển mới – Chuyển Phát Nhanh. Với một chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói bằng các phương tiện chuyên dùng từ máy bay cho đến các đoàn xe, giao đến tận tay người tiêu dùng những gì họ cần.

Mặc dù những năm 1965 ngành hàng không đã thực sự phát triển, nhưng việc dùng máy bay để chở hàng là một điều gì đó quá xa lạ. Các hãng bay chỉ nghĩ đến việc chuyên chở con người mà thôi. Hàng hóa chỉ là thứ đi kèm với hành khách, bởi vì có lẽ chẳng có ai điên mà chuyển hàng bằng máy bay!

Ý tưởng “điểm C” giờ đây đã là ý tưởng “Tỷ đô” (Ảnh: 1boon)

Nhưng chàng sinh viên trẻ thì nghĩ ngược lại, khi mà sự phát triển của công nghệ thông tin đang ngày một dàn phẳng thế giới và khiến con người kết nối với nhau dễ dàng, thì tiềm năng của lĩnh vực này sẽ là vô kể! Tất nhiên giáo sư của anh không nghĩ như vậy, ý tưởng viển vông cuối cùng đem đến cho Smith một điểm C tồi tệ.

Nếu là một người bình thường, có lẽ chúng ta sẽ quăng ngay cái ý tưởng “điểm C” vào thùng rác ngay sau đó. Thế nhưng Smith thì ngược lại, anh ấp ủ tham vọng của mình trong 6 năm ròng, học hỏi nhiều hơn về ngành hàng không và gom góp thêm vốn liếng. Cuối cùng Smith mở một công ty có tên là Federal Express hay gọi tắt là FedEx.

Chắc nhiều người trong chúng ta không còn xa lạ với hàng vận tải này, FedEx là kẻ tiên phong trong lĩnh vực Chuyển Phát Nhanh đường hàng không và lẽ đương nhiên ngày nay nó trở thành hãng vận chuyển cao cấp hàng đầu thế giới với lợi nhuận thường niên lên tới 2,57 tỷ USD. Ý tưởng “điểm C” ngày nào giờ đã vươn ra khắp nơi trên thế giới và nuôi sống 300 nghìn nhân viên vào những mùa cao điểm, một con số không tưởng!

Đội ngũ chuyên nghiệp và trang thiết bị hùng hậu của FedEx ngày nay (Ảnh: tclfreight.com.vn)

Có lẽ nếu chúng ta trình ý tưởng kinh doanh của mình cho một vị giáo sư thì việc họ từ chối cũng là dễ hiểu, dù sao những người làm việc trong ngành sư phạm luôn có những khía cạnh mà họ không được va chạm nhiều với thực tế kinh doanh. Thế nên độ nhạy bén của họ với thị trường sẽ chậm hơn doanh nhân đã dày dạn kinh nghiệm.

Thế nhưng, cũng có những trường hợp, khi mà người đứng đầu các công ty là những người sành sỏi trong mảng kinh doanh của mình, họ vẫn có những cố chấp riêng của họ. Câu chuyện sau đây nói về một trường hợp như thế, những người đứng đầu tập đoàn nổi tiếng, suýt nữa đánh rơi hàng trăm tỷ đô lợi nhuận vì phạm sai lầm giống như của vị giáo sư nọ.

Intel phá vỡ “Bức tường năng lượng” ra sao?

Những con chip là bộ não của máy tính (Ảnh: Ars Technica)

Năm 1979, Intel cho ra mắt con chip máy tính 8088, với các bóng bán dẫn có thể tắt mở 5 triệu lần mỗi giây. Lần đầu tiên người ta có thể chế tạo ra những bộ vi xử lý đủ nhỏ gọn cho các máy tính cá nhân, điều mà trước đây thế giới vẫn coi là chuyện viễn tưởng. Sau bước đột phá này tốc độ và kích thước của chip vi xử lý liên tục được cải thiện thế nhưng chúng vướng phải một vấn đề rất lớn: “Bức tường năng lượng”.

Chíp càng nhỏ, tốc độ càng nhanh thì nó càng tiêu hao nhiều năng lượng, và chúng càng tỏa nhiều nhiệt hơn. Đến một ngưỡng nhất định, khi nhiệt độ quá cao, những con chíp đó sẽ giảm hiệu năng và hư hỏng…

Một nhóm kỹ sư của Intel chi nhánh Israel đã thức trắng đêm để tìm ra cách phá bỏ rào cản này. Những ý tưởng liên tục được đưa ra bên cạnh tách cà phê nóng. Và cuối cùng cũng có một phương án khả thi. Họ nhận thấy rằng người ta quá tập trung vào việc tăng sức mạnh cho chip mà bỏ qua việc xử lí thông tin đầu vào hiệu quả. Những bộ vi xử lý luôn hoạt động hết công suất dù chỉ lệnh chúng nhận được là ít hay nhiều.

Hiểu đơn giản, giống như hộp số của xe ô tô có chức năng điều chỉnh sức kéo của động cơ. Khi đi trên đường bằng phẳng, hộp số giúp động cơ vận hành nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo tốc độ di chuyển. Khi muốn leo dốc người ta sẽ sang số để động cơ hoạt động mạnh mẽ hơn, nhưng lúc này, ô tô đi chậm hơn và lẽ dĩ nhiên tiêu tốn nhiều năng lượng hơn. Với mỗi cung đường, người ta lựa chọn một chế độ khác nhau để hiệu năng của ô tô luôn ở mức cao nhất.

Đáng tiếc là cho đến nay, những con chip vẫn chỉ giữ nguyên một “chế độ sang số” trên mọi “cung đường”. Nhóm kỹ sư bắt đầu tìm cách phân tách các lệnh ở đầu vào của con chip. Đơn giản hóa chúng và giúp bộ xử lý giảm tải, những bóng đèn không còn phải nhấp nháy nhiều như trước nên hiển nhiên chúng cũng không con quá nóng. Ý tưởng tuyệt vời này đã thành sự thực, quả thật hiệu năng của con chip được cải thiện đáng kể và chúng không phải gồng mình lên để xử lý những câu lệnh phức tạp như trước nữa.

(Ảnh: ITPlus Academy)

Nhưng có một vấn đề tồn tại, ý tưởng của họ đang đi ngược lại với xu hướng thời bấy giờ. Sau khi phân tích những lệnh đầu vào, tốc độ nháy của đèn bán dẫn sẽ buộc phải chậm xuống, và … đó là thảm họa. Trong cả ngành công nghiệp bán dẫn, thước đo duy nhất để xác định xem con chip có giá trị hay không chính là tốc độ xử lý.

Mặc dù hiệu suất xử lý thông tin nhanh hơn, nhưng bóng đèn nhấp nháy chậm hơn, giới tài chính phố Walk chắc chắn không thích điều này. Với họ, bóng đèn nhấp nháy càng nhanh thì cổ phiếu Intel càng có giá trị và ngược lại. Nhóm kỹ sư Israel dường như đang đứng ngoài lề của dòng chảy thể giới. Lãnh đạo tập đoàn không ủng hộ ý tưởng, nhiều người ra sức dẹp bỏ dự án, các vị CEO của tập đoàn thậm chí còn muốn bóp chết ý tưởng táo bạo ấy ngay từ trong trứng nước vì chúng sẽ đe dọa đến sự an nguy của tập đoàn.

Thế nhưng những chàng trai trẻ đâu có chịu chấp nhận dự án bị khai tử. Cứ đi theo lối mòn cũ thì cả thể giới sẽ dừng lại ở những chiếc máy tính để bàn tỏa nhiệt còn hơn cả cục nóng của điều hòa. Với tinh thần cống hiến hết mình, họ đã bay 20 tiếng đồng hồ từ Tel Aviv đến Califonia. Những chuyến bay thường xuyên đến nỗi, dường như người ta thấy nhóm kỹ sư có mặt ở khắp mọi nơi.

Những kỹ sư không chỉ làm việc hăng say mà còn sẵn sàng bảo vệ ý kiến của mình (Ảnh: ITPlus Academy)

Họ sẵn sàng đổ dồn tới các lãnh đạo ở ngoài hành lang, trong nhà vệ sinh và bất cứ nơi đâu có thể để trình bày về tính khả thi của dự án, và rằng không thể hủy bỏ nó dễ dàng như vậy được. Mỗi lần xuất hiện họ đem tới những số liệu và kết quả nghiên cứu ngày càng thuyết phục, họ lập luận rằng mặc dù việc sử dụng con chíp có tốc độ nháy chậm hơn là rất rủi ro, nhưng nếu không có ý tưởng này, kết cục giá cổ phiếu của công ty còn đáng ngại hơn. Không sớm thì muộn những con chip sẽ quá tải và dừng lại trước “Bức tường năng lượng”.

Sự bền bỉ và những con số đã đem lại kết quả tích cực, các lãnh đạo đã đầu hàng trước bầu nhiệt huyết của nhóm kỹ sư, ngay sau đó dòng chip Banias – Mùa xuân ở Bắc Israel – ra đời vào năm 2003. Chúng được thiết kế dành cho máy tính xách tay, tốc độ chỉ bằng một nửa những dòng chíp phổ biến, thế nhưng hiệu suất thì thật là tuyệt vời!

Ý tưởng của đội ngũ kỹ sư Israel đã cứu Intel một bàn thua trông thấy, khi mà giá trị thị trường của tập đoàn đi xuống vào những năm sau đó, thì các thế hệ tiếp theo của Banias ra đời với phiên bản lõi kép vào tháng 7 năm 2006 như là chiếc phao cứu sinh của Intel. Tập đoàn như sống dậy và dành được nhiều thắng lợi lớn trước các đối thủ cùng ngành, nền công nghệ bán dẫn lại bước sang một giai đoạn mới.

Ý tưởng hay liệu đã đủ?

(Ảnh: Entrepreneur)

Bất kỳ một ý tưởng táo bạo nào thoạt đầu cũng có vẻ rất phi lý và đẩy rủi ro. Nếu bạn dự định kinh doanh, nhiều người sẽ lo ngại về khả năng hồi vốn, nếu bạn muốn theo học ngành mình thích, ba mẹ sẽ lo lắng cho đầu ra tương lai của bạn. Nếu bạn lựa chọn một tín ngưỡng cho riêng mình, bạn bè chắc rằng chẳng có nhiều người ủng hộ. Bởi vì người ta thường có xu hướng đánh giá bất kỳ ý tưởng nào mang giá trị cho tương lai bằng những lối mòn ở hiện tại.

Câu hỏi đặt ra ở đây là bạn có thực sự muốn biến nó thành hiện thực hay không, nếu muốn chứng minh cho thầy giáo của bạn đã nhầm, hãy học theo anh chàng Smith, nếu muốn thuyết phục sếp tiếp tục dự án hãy làm việc nghiêm túc như nhóm kỹ sư Israel nọ, rồi kết quả sẽ chứng minh tất cả. Từ xưa đến nay, khoảng cách giữa ý tưởng hay và ý tưởng khả thi tuy xa nhưng cũng rất gần, quan trọng là bạn có sẵn sàng cống hiến tâm sức cho nó hay không mà thôi.

Nguyên Trực

Exit mobile version