Trầm cảm, căng thẳng, hoang tưởng luôn đeo bám Kevin Hines ngày qua ngày khiến anh phải quyết định tự tử. Nhưng anh đã may mắn sống sót. Hôm nay, Kevin đang làm nhiệm vụ giúp đỡ người khác, anh xây dựng một bộ phim tài liệu và một kế hoạch tạo ra những động lực giúp người ta tránh xa thanh chắn của Cầu Cổng Vàng.
“Hãy nhảy đi”
“Nhảy ngay đi,” giọng nói đó thì thầm trong đầu tôi – Kevin Hines nói. “Và tôi đã… Tôi bị buộc phải chết”.
Hines vượt khỏi thanh chắn trên cầu Golden Gate vào tháng năm 2000 và bắt đầu rơi tự do với tốc độ 75 dặm một giờ. Khoảnh khắc những ngón tay rời khỏi lan can, anh cảm thấy sự hối tiếc dâng trào.
“Tôi nghĩ đã quá muộn, tôi tự nhủ: “Tôi đã làm gì, tôi không muốn chết”, Hines nói. “Tôi nhận ra mình đã phạm sai lầm lớn nhất trong cuộc đời.”
Chỉ trong bốn giây, Hines đã tiếp nước, sức ép của dòng nước lạnh đã tàn phá cột sống và mắt cá chân của anh. Nhưng một phép lạ đã khiến anh vẫn còn sống.
Trong video tự thuật của mình trên Youtube, Hines kể về lúc 17 tuổi khi mà mọi chuyện dần trở nên tồi tệ. Anh trải qua hàng loạt các trạng thái từ hưng cảm đến ảo giác, luôn có suy nghĩ rằng mọi người muốn giết mình. Bộ não đánh lừa anh rằng chẳng có ai quan tâm đến anh nữa, và rồi khi không chịu đựng nổi những suy nghĩ đó, Hines đã tìm tới địa điểm ưa thích của những người tự tử – Cầu Cổng Vàng.
“Cha tôi bước vào bệnh viện, tôi ngước nhìn lên cha và nói: ‘Bố, Con xin lỗi’, và bố tôi đáp lại ‘Không Kevin, bố mới là người phải xin lỗi’. Nếu bạn hỏi tôi lúc đó chúng tôi có cảm giác gì, tôi sẽ nói rằng cả hai chúng tôi đều cảm thấy tội lỗi. Mặc dù không chết, nhưng tôi đã gây ra rất nhiều đau khổ cho người thân… Sau này tôi hỏi bố rằng, ông còn sợ tôi tự tử không, ông trả lời: ‘Mỗi khi dừng cuộc gọi với con, câu hỏi đầu tiên của bố là liệu con vẫn còn muốn sống không?’.”
Sự phục hồi
Trải qua 11 năm với 7 phòng khám tâm thần, đến giờ những triệu chứng tâm thần vẫn luôn đeo đuổi Hines, nhưng anh đã lựa chọn đối mặt và chế ngự nó.
Giờ đây, anh ấy làm việc hàng ngày và chủ động trong quản lý các triệu chứng trầm cảm. Hines đã đến thăm bệnh viện tâm thần nhiều lần kể từ đó. Ngoài ra, Hines uống thuốc và gặp gỡ một nhà trị liệu. Anh ấy tập thể dục ít nhất 23 phút mỗi buổi sáng. Anh ăn một chế độ ăn uống lành mạnh cho não; thiền định và sử dụng liệu pháp âm nhạc.
Nhưng điều quan trọng nhất giúp Hines quay lại với cuộc sống chính là cộng đồng. Anh xây dựng một mạng lưới những người thân trợ giúp mình chống lại những suy nghĩ điên rồ. Anh gọi họ là “đội quân bảo vệ” và mỗi khi cảm thấy khó khăn khi vượt qua những suy nghĩ tồi tệ, Hines lại tìm tới những người thân đó, chia sẻ và tìm kiếm lời động viên từ họ.
Kể về câu chuyện của mình
Khoảng bảy tháng sau ngày định mệnh, Hines đã lần đầu chia sẻ câu chuyện của mình với 120 học sinh lớp bảy và tám với sự rụt rè, lo lắng. Thế nhưng bất ngờ là câu chuyện đó lại dành được đồng cảm. Hai tuần sau, các em gửi thư cho anh. Một vài đứa trẻ nói với Hines rằng cuộc nói chuyện của anh đã tạo nên sự khác biệt và họ đã nhận được sự giúp đỡ cần thiết.
“Một câu chuyện đã giúp những đứa trẻ quyết định trung thực với nỗi đau của chúng”, Hines nói. “Nhìn thấy tác động tích cực của buổi nói chuyện với lũ trẻ, tôi đã nói với cha tôi, “Bố chúng ta phải làm điều này, bằng mọi cách, bất cứ nơi nào chúng ta có thể”. Đây là khởi đầu để thay đổi mọi chuyện. ”
Hines kể chi tiết câu chuyện của anh trong bộ phim tài liệu mới mà anh đã sản xuất – Tự tử: Hiệu ứng Ripple – công chiếu trên khắp nước Mỹ tại hơn 200 địa điểm vào ngày 14 tháng 3. Anh cũng là tác giả của một cuốn hồi ký, “Nứt nhưng không vỡ, sống và vươn lên sau những nỗ lực tự sát”. Câu chuyện của Hines đã thành công vang dội – anh ấy có hơn 15.000 người theo dõi trên Twitter. Và ngày hôm nay Hines vẫn bền bỉ nói lên tiếng nói của những người bị trầm cảm, họ cần sự hỗ trợ, chia sẻ và cảm thông nhiều hơn nữa của cộng đồng để thoát khỏi nỗi đau tinh thần dày vò ngày qua ngày.
Kể từ khi Cầu Cổng vàng được dựng lên vào năm 1937, hơn 1700 người được ước tính đã nhảy cầu tự tử, và chỉ có 25 người được biết là đã sống sót. Trong khi tỷ lệ sống sót trung bình từ việc nhảy cầu là 15%, thì với độ cao khủng khiếp những người tự tử ở Cầu Cổng Vàng chỉ có 4% là sống sót. Vì vậy Hines cũng đang vận động cho việc xây dựng các tấm lưới bảo vệ xung quanh cầu nhằm đẳm bảo tính mạng của những người quẫn trí.
Có nhiều khi cuộc sống của bạn chìm ngập trong những cảm xúc buồn đau, chán nản, bạn cảm thấy thất vọng và bế tắc. Nhưng chẳng phải “lửa thử vàng, gian nan thử sức” hay sao? Bởi vì sinh mệnh của mỗi người là vô cùng trân quý, nên mong bạn đừng vì một khoảnh khắc “nghĩ không thông” mà đưa ra quyết định sai lầm. Hãy trân trọng chính mình và sống thật tốt. Như thế cũng là bạn đang trân trọng những người thương yêu của mình, trân trọng những gì tươi đẹp mà cuộc sống ban tặng, trân trọng cuộc đời này!
Ảnh: psycom.net
Trọng Đạt