Đại Kỷ Nguyên

‘Tự tử xảy ra khắp nơi’ ở Hàn Quốc, đã đến lúc chúng ta cần tìm đúng ‘trọng tâm cuộc đời’?

Ở Hàn Quốc, trung bình cứ mỗi ngày trôi qua lại có 43 người chết vì tự tử. Điều gì đang thực sự xảy ra? Tại sao nhiều người Hàn muốn tìm đến cái chết đến vậy?

Điều gì đang diễn ra tại xứ sở kim chi?

Không giống như những nước phát triển khác, tỉ lệ tự tử ở Hàn Quốc tăng nhanh qua từng năm và hiện tại đã gấp 3 lần nước Mỹ. Chỉ trong giai đoạn từ năm 2000-2010, số vụ tự tử tăng 101,8%. Tỉ lệ tự tử cao nhất là ở giới trẻ trong độ tuổi từ 20-30 tuổi và tuổi già (ngoài 65).

Một thông điệp viết trên cầu Mapo ở thành phố Seoul – “Hãy quên mọi chuyện đi”

Trung tâm Phòng chống Tự tử Hàn Quốc đã in dòng chữ “Mạng sống rất quý giá! Chúng ta hãy bảo vệ nó!” trên bìa sách, áp phích, đăng trên website… nhưng không có tác dụng. Cầu Mapo ở Seoul được biết tới với cái tên “Cầu tử thần” bởi đã có hơn 100 vụ tự tử xảy ra trên cầu trong 5 năm. Năm ngoái, chính quyền thành phố đã phải dán các thông điệp tích cực, ý nghĩa dọc thân cầu, cùng những hình ảnh em bé, nụ cười… với mong muốn người định tự tử hãy suy nghĩ lại.

Thông điệp yêu thương trên cầu Mapo mong người tự tử hãy suy nghĩ lại

“Tự tử xảy ra khắp nơi”, nhà văn Youngha Kim đã thốt lên như vậy khi mô tả xã hội Hàn Quốc hiện đại trong một bài viết trên The New York Times (Mỹ)Rất nhiều nghiên cứu, khảo sát đã thừa nhận hiện tượng này là “sự trừng phạt của Hàn Quốc”. Đó là một hiện thực nghiệt ngã, khốc liệt nơi mà con người thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, và giới tính buộc phải lựa chọn cái chết để giải thoát, với tỉ lệ đặc biệt cao.

Giải mã nguyên nhân…

Trên thực tế, môi trường giáo dục và làm việc ở Hàn Quốc nổi tiếng thế giới là khắc nghiệt, áp lực cao. Tình trạng làm việc hoặc học hành nhiều giờ đến tận tối muộn là hết sức bình thường ở quốc gia này. Thanh thiếu niên và người già, vốn là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, phải đối mặt với nguy cơ tự tử lớn nhất.

Học sinh Hàn Quốc mệt mỏi vì học tập

Đối với thanh thiếu niên, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến hành vi tiêu cực này là căng thẳng vì học hành. Mỗi cấp lớp của trẻ em Hàn Quốc kéo dài 11 tháng. Các em thường phải dành hơn 16 giờ học tại trường và các chương trình học thêm.

Cha mẹ cầu cho con cái thi đỗ đại học tại đền jogye

Học sinh căng mình ra học để vinh danh bảng vàng của những trường đại học hàng đầu ở Hàn bởi những trường này có tỷ lệ tuyển sinh cực thấp. Quan trọng hơn, ở Hàn Quốc, niềm tự hào của gia đình thường gắn chặt cùng danh tiếng trường đại học của con cái trong nhà và dường như đại học là cánh cửa duy nhất dẫn đến thành công. Điều này khiến rất nhiều thanh thiếu niên đã tự tử vì không đạt được sự kỳ vọng của gia đình cũng như bản thân.

Thành công và nổi tiếng, những nghệ sĩ này cuối cùng vẫn chọn tự kết liễu cuộc đời

Không chỉ học sinh, sinh viên và những người làm công tự tử vì quá áp lực mà những người nổi tiếng trong giới nghệ sỹ Hàn Quốc cũng “thường xuyên” tìm đến cái chết. Năm 2005, ngôi sao điện ảnh Lee Eun-Joo treo cổ tại nhà. Năm 2007, diễn viên Jung Da Bin, ca sĩ U-Nee tự sát. Năm 2008, ngôi sao truyền hình Jang Chae-won, nam diễn viên Ahn Jae Hwan tự tử. Năm 2009, nữ diễn viên Jang Ja Yeon tự kết liễu cuộc đời…Và mới đây nhất là ca sĩ Kim Jongyunh – thành viên ban nhạc SHINee. Sự ra đi đột ngột của Jongyunh đã gây chấn động làng giải trí Hàn Quốc nói riêng và người hâm mộ Kpop nói chung trong thời gian qua.

Cô Lee Geum-sook, một tình nguyện viên chuyên đến thăm nom người già đang cố an ủi bà Yoon Jeom-do 89 tuổi. Bà Yoon hiện sống một mình trong căn hộ nhỏ ở thành phố Seoul.

Điều đáng nói là đa số người Hàn Quốc gặp vấn đề về tâm lý lại không dám chia sẻ với những người xung quanh vì “căn bệnh” này bị coi là đáng xấu hổ. Nếu bạn không thể xử lý được những áp lực mà ai cũng gặp, lỗi là do bạn quá yếu đuối. Chính sự tích tụ căng thẳng đã dẫn đến chứng trầm cảm và người ta sẽ càng cảm thấy tình trạng của bản thân bi đát vì thế sẵn sàng tự tử.

Bên cạnh các vấn đề tâm lý, 40% trường hợp tự tử được nghiên cứu đã uống rượu trước khi tự sát. Gần 26% số này từng dính đến rắc rối với pháp luật do rượu và 54% có người nhà từng lạm dụng đồ uống có cồn.

40% trường hợp tự tử được nghiên cứu đã uống rượu trước khi tự sát

Nếu coi trầm cảm và nghiện rượu là lý do trực tiếp khiến người Hàn Quốc tự tử thì cảm giác bị cô lập chính là nguyên nhân sâu xa. Khi người ta cảm thấy bị cô lập, không biết phải bám víu vào đâu thì dễ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực và ngày càng bi đát. Sau cùng, họ lựa chọn cái chết như một sự giải thoát duy nhất.

Chúng ta nên đặt “trọng tâm cuộc đời” vào đâu?

Cuộc sống sẽ có những lúc mà bạn cảm thấy hoang mang, lo sợ và những gì bạn tin tưởng, kỳ vọng đều tan biến. Những lúc ấy, đã không ít người vì không đứng vững được trước sóng gió mà lựa chọn buông xuôi, bỏ cuộc và tìm đến cái chết.

Những khoảnh khắc hoang mang đó quả thực rất tồi tệ nhưng không phải là không thể vượt qua. Điều quan trọng là bạn cần tìm cho mình một điểm tựa vững chắc, gọi là “trọng tâm cuộc đời”. Người ta vẫn nói ngay cả cái bóng của bạn cũng biến mất khi đi vào chỗ tối, nhưng điểm tựa thì không. Điểm tựa luôn ở đó, chỉ đường cho bạn và không bao giờ rời xa.

Điểm tựa luôn ở đó, chỉ đường cho bạn và không bao giờ rời xa.

“Trọng tâm cuộc đời” là thứ bạn cần phải có và nên có, dù cho bạn ở tuổi thiếu niên, thanh niên hay đã trưởng thành. Nhưng, chúng ta nên đặt “trọng tâm cuộc đời” vào đâu?

Sự nghiệp, gia đình, bạn bè, tình yêu… đều là những thứ quan trọng và tuyệt vời, những thứ đáng để ta phấn đấu và trân trọng, nhưng nếu đặt “trọng tâm cuộc đời” thì chưa đủ. Đó chỉ là một phần của cuộc sống, bởi bạn không nên để bất cứ thứ gì trong đó chi phối mọi thứ xảy ra trong cả cuộc đời mình, trong một vài trường hợp thì được, nhưng cả cuộc đời thì không.

Trong mọi trường hợp, hãy lắng nghe “lương tâm” của mình.

Nhưng, có một thứ mà bạn nên đặt và sẽ không bao giờ khiến bạn phải hối hận, đó là “lương tâm”– đại diện cho những nguyên tắc sống đúng đắn mà bạn tự đúc kết và tích lũy cho mình qua cuộc sống. Lương tâm là thứ bạn nên chọn để làm “trọng tâm cuộc đời” bởi vì không ai làm những điều đúng với lương tâm mà lại phải hối hận hay dằn vặt. Lương tâm hay những nguyên tắc sống đúng đắn không bao giờ thay đổi, không bao giờ phản bội bạn, và luôn ở đó để bạn nương vào mỗi khi chông chênh không biết bám víu vào đâu hay lúc gặp khó khăn trắc trở trên đường đời.

Những nguyên tắc như luôn giữ chữ tín, không bao giờ dối trá hay phản bội, kính trên nhường dưới, sống thiện lương… chính là chiếc la bàn để bạn không bao giờ lạc lối và luôn đi đúng đường. Chính bạn và chỉ bạn mới biết được điều gì là tốt nhất cho bản thân. Trong mọi trường hợp, hãy lắng nghe “lương tâm” của mình.

Linh An

Exit mobile version