Bạn luôn cảm thấy sợ khi có ai đó nói những lời phê bình, chỉ trích với mình. Dù đó là những lời góp ý mang tính tích cực hay tiêu cực, chúng đều gây ra ở bạn sự tổn thương và không muốn tiếp nhận. Dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích xin dành tặng bạn để thoát khỏi “nỗi sợ” này.
Đối với những người “sợ bị chỉ trích”, tất cả những lời góp ý, phê bình đều mang màu sắc tiêu cực. Nhưng xin bạn hãy nhớ rằng có nhiều loại chỉ trích khác nhau và không phải tất cả các chỉ trích đều xấu. Ông cha ta có câu “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Tuy nhiên, ngay cả những góp ý mang tính xây dựng cũng có thể làm ta không thoải mái, thậm chí còn khiến răng ta nghiến kèn kẹt, đặc biệt nếu chúng xuất hiện đúng thời điểm ta chưa sẵn sàng để tiếp thu.
Vậy bạn sẽ phải hành xử như thế nào trong những tình huống phải đón nhận sự chỉ trích, phê bình? Một thái độ từ tốn và bình tĩnh chính là bí quyết giúp bạn vượt qua sợ hãi.
Đôi nét về bản chất của nỗi sợ bị chỉ trích
Bạn còn nhớ lời dạy “tướng tại tâm sinh”? Hay như câu Kiều quá đỗi thân quen “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”. Khi bị chỉ trích, trong sự tức giận và tổn thương của bản thân, phần nhiều chúng ta coi những lời phê bình như một kiểu tấn công, công kích cá nhân. Với ta vào thời điểm đó, những lời chỉ trích không có một chút nào giá trị. Chúng đơn thuần chỉ là thứ vũ khí mà người đối diện sử dụng để tấn công lòng tự trọng của ta.
Tuy nhiên, những người sợ bị chỉ trích không có thói quen dành thời gian để suy nghĩ về lý do của người đưa ra lời chỉ trích, càng không cân nhắc xem tại sao người kia lại tức giận và người đó có lý đến đâu. Do vậy, chúng ta không rút ra được bất cứ điều gì hữu ích từ chỉ trích đó. Đây thực sự là một điều đáng tiếc.
Ngược lại, khi chúng ta bình tĩnh để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta sẽ nhận ra rằng những lời phê bình có giá trị lớn đối với bản thân. Nhờ chúng, ta có cơ hội để nhìn nhận lại bản thân mình, từ đó nhận ra những cư xử chưa tốt, để kịp thời thay đổi. Khi đó, những lời phê bình sẽ giúp chúng ta hiểu bản thân mình hơn, đồng thời giữ gìn sự phát triển lành mạnh mối quan hệ hiện tại với người đưa ra chỉ trích.
Cũng có thể người đưa ra chỉ trích đã sai, vì người đó có quan điểm khác với chúng ta. Trong trường hợp này, những lời chỉ trích, phê bình sẽ không có giá trị nhiều, và chúng ta vẫn có cách để đối đãi với chúng một cách đúng mực và có lợi cho cả hai bên. Hãy cùng tiếp tục tìm hiểu thêm về lợi ích của thái độ “Bình tĩnh đón nhận chỉ trích”. Bạn sẽ hiểu hơn tại sao thái độ ôn hòa có thể giúp chúng ta vượt lên nỗi sợ bị chỉ trích.
Bĩnh tĩnh nghe chỉ trích là một lợi thế
Bước đầu tiên để không còn sợ bị chỉ trích là học cách bình tĩnh và phản ứng bình thản trước những lời chỉ trích. Lợi ích của việc này sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Thông qua việc đón nhận những lời phê bình:
- Chúng ta học cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực (nóng giận, cảm giác tự ái,…)
- Chúng ta không cảm thấy bị tấn công. Hoặc có thể coi nhẹ mục đích xấu mà đối phương gửi vào những lời chỉ trích (nếu có).
- Chúng ta học cách không làm nó ảnh hưởng tới lòng tự trọng của ta. Một lời chỉ trích chỉ là một ý kiến để đánh giá và suy xét. Nó không có sức mạnh khẳng định bản chất tốt xấu của mỗi người.
Hơn thế nữa, thái độ bình tĩnh sẽ cho chúng ta biết phải hành xử như thế nào đối với những loại phê bình, góp ý khác nhau:
- Nếu người khác phê bình với ý định tốt, chúng ta có thể rút ra những bài học và không làm hỏng mối quan hệ với người đó.
- Nếu là chỉ trích tốt, nhưng người đó không biết thể hiện nó đúng cách, chúng ta có thể hiểu ý định của người đó và chỉ cho người đó cách truyền đạt tích cực và hiệu quả hơn.
- Chỉ trích có thể là một mưu đồ nào đó, trong trường hợp này, chúng ta làm người đó thất vọng bằng cách giữ bình tĩnh, không căng thẳng; như thế sẽ không trưng ra những điểm yếu, nhạy cảm của mình.
Thêm vào đó, khi đón nhận những lời phê bình, chúng ta cần tỏ rõ mình thái độ cầu thị, sẵn sàng khắc phục thiếu sót nếu ta sai. Nếu chúng ta không sai, giữ bình tĩnh tái khẳng định quan điểm của mình là một lựa chọn sáng suốt. Trong trường hợp người kia vẫn tiếp tục khiêu khích, chúng ta hoàn toàn có thể chọn cách phớt lờ sự công kích của họ. Điều này giúp ta thoát khỏi những tình huống khó chịu.
Nhưng câu hỏi tiếp theo đặt ra là làm sao để giữ được thái độ ôn hòa trong những tình huống phải nhận sự phê bình. Việc kiềm chế những cảm xúc tiêu cực như tức giận hay tự ái đều không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải là một nhiệm vụ bất khả thi. Điểm mấu chốt bạn cần nhận ra đó chính là những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện trong đầu bạn khi đón nhận những lời phê bình từ bên ngoài. Nếu tinh ý, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy, chính những suy nghĩ này là khởi nguồn cho các cảm xúc tiêu cực.
Vậy để tạo lập được thái độ ôn hòa khi tiếp nhận chỉ trích, phê bình, nhiệm vụ của bạn là tập thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của mình. Thay thế nó bằng những suy nghĩ chính diện và tốt đẹp hơn.
Hãy cùng xem xét một vài gợi ý.
Suy nghĩ về bản thân
Những suy nghĩ tiêu cực sẽ xuất hiện trong chúng ta dưới dạng: “Tôi lại làm hỏng mọi thứ. Thật thê thảm! Thật xấu hổ, tôi đã làm sai!” Chúng sẽ khiến ta tin rằng bản thân là người không có năng lực, vô dụng.
Trong trường hợp này, suy nghĩ hợp lý sẽ là đặt câu hỏi về chính lỗi lầm có thể mắc phải của mình: “Ta có làm sai không? Thực sự ta có mắc sai lầm không, yếu tố nào trong cách cư xử của ta lại khiến họ tức giận hoặc khó chịu như vậy?”. Sau khi đặt câu hỏi và nghiêm túc nhìn nhận chính mình, bạn đừng quên tự nhắc mình rằng: “Ai cũng mắc sai lầm. Nhưng điều quan trọng nhất là có nhận ra sai lầm đó và sửa chữa nó. Nếu có thể làm như vậy, bản thân mình vẫn là con người giá trị”.
Suy nghĩ về tình hình
“Thật là một tình huống khó chịu, nhục nhã. Tôi không thể chịu được, tôi phải đi”. Ẩn ý đằng sau tuyên bố này là mọi thứ nên phải luôn dễ dàng và thuận tiện, phải theo như ý ta. Cách nhìn nhận này sẽ đào sâu sự tổn thương và tự ái của bạn. Nó chỉ càng khiến bạn khó chịu và trở nên thô lỗ hơn trong mắt của những người xung quanh.
Thử thay thế nó bằng những suy nghĩ hợp lý và khách quan hơn: “Tình huống khó chịu này ta có chịu được không? Người kia thì sao, họ có chịu được không? Điều gì là tốt nhất, trốn chạy hay đối mặt với nó? Đây là một tình huống rắc rối, nhưng từ đây ta có thể rút ra được bài học nếu ta biết lắng nghe”.
Suy nghĩ về người khác
“Nó nhạo báng mình, nó muốn bêu xấu mình, nó công kích mình, bới móc những sai lầm của mình”. Ẩn ý của suy nghĩ này là người xấu đáng bị trừng phạt. Những người khác nên luôn tử tế với tôi và cho tôi những gì tôi cần, nếu không họ là đồ vô giá trị.
Suy nghĩ này có thể thay bằng một suy nghĩ hợp lý hơn. Ví dụ, chúng ta có thể nói, “Làm cách nào tôi có thể biết ý muốn của người kia khi đưa ra những lời phê bình này? Tôi cũng muốn biết điều gì đang khiến họ khó chịu, bực bôi. Một khoảng yên lặng để suy nghĩ có lẽ sẽ tốt cho cả hai”.
Tóm lại, công thức để vượt qua nỗi sợ bị chỉ trích được đưa ra để bạn tham khảo chính là: bình tĩnh đón nhận sự chỉ trích và xử lý chúng một cách bình tĩnh, sau đó chúng ta cần phải thay đổi một số suy nghĩ tiêu cực cố hữu, đồng thời nhìn nhận lại bản thân mình trong tình huống không mấy dễ chịu này.
Xuân Hà