Đại Kỷ Nguyên

Tưởng cầm tiền về xây nhà bố mẹ sẽ vui, anh khóc ngất trước bàn thờ mẹ trong sự im lặng của cha

Ông Bà Tư có một hàng chè, bà bán các loại chè, từ chè đậu xanh, đậu đỏ đến chè đậu trắng nước cốt dừa… Giá rẻ mà ngon nên dân chợ huyện ai cũng ghé ăn. Cách nấu chè của bà Tư cũng độc đáo, khi bà dọn hàng là đã thơm phức cả góc chợ…

Ai không được ăn chè của ông bà đều cảm thấy nhớ nhớ. Học sinh vào quán bà ăn, bà chỉ lấy ít tiền hoặc không lấy đồng nào. Bằng tấm lòng chân thành, mong muốn được phục vụ người khác, không quản ngại khó khăn gian khổ ông bà đã tạo được sự tin yêu và tôn trọng của toàn bộ bà con khu phố chợ.

Hôm nay, như mọi ngày, hai ông bà lầm lũi dọn gánh hàng chè để bán. Được một lúc, trời bắt đầu mưa nặng hạt. Mùa mưa năm nay thất thường quá, khắc nghiệt như chính cái xóm nghèo này. Ngoài trời gió mỗi lúc một mạnh hơn, bà Tư lo lắng cho căn nhà của mình, bùn đất bắn tứ tung, mái nhà không biết có chịu nổi những cơn gió ở ngoài kia không. Rồi bà nghĩ đến đứa con đang đi làm xa… Nhà nghèo nên người con duy nhất của ông bà phải đi ra ngoài làm ăn, mong sao thoát khỏi cảnh cơ cực mà sau này có thể phụng dưỡng mẹ cha. Hai tấm thân già trong căn nhà ọp ẹp mở hàng chè ngoài chợ, nương tựa vào nhau mà sống…

Cách nấu chè của bà Tư cũng độc đáo, khi bà dọn hàng là đã thơm phức cả góc chợ… (Ảnh minh hoạ: Dantri)

Bất chợt tiếng gọi của ông làm bà giật mình, thoát ra khỏi suy nghĩ ảm đạm đó: “Một thùng mì, sữa, quần áo cũ…”.

Thấy bà sắp ướt hết cả, ông Tư vội lấy tấm nilon đã cũ che cho bà, quán chè lạnh ngắt, nhưng dù vậy trong lúc này bà vẫn thấy ấm lòng đến lạ. Bên cạnh bà luôn có ông, tình cảm của ông khiến bà quên đi cảm giác lạnh lẽo của góc chợ không bóng người. Khi nắm chặt tay ông, mọi khó khăn đều không làm bà run sợ.

Tối đó, ông Tư xem tivi thì thấy bà con vùng lũ mà thương tâm, nhà thì ngập, người thì ngoi ngóp lên nóc nhà, trẻ em thì quần áo ướt chạy lũ, mặt mũi chúng ngác ngơ chẳng hiểu điều gì đang xảy đến, trâu bò lợn gà thì chết hết rồi cuốn đi theo dòng nước…

Ông Tư xót xa rơi nước mắt, biết bao giờ mới làm ăn được trở lại, đã nghèo rồi lại càng nghèo hơn. Vậy là mặc cho mưa gió hoành hành ông Tư mặc áo mưa và đi quyên góp cho bà con vùng lũ. Nhà có hai ông bà tuy tuổi đã cao nhưng cứ mỗi khi thiên tai xảy đến với vùng quê này thì ông đều làm như vậy. Đó cũng như điều thông lệ của quê ông, ông không nhận tiền mà chỉ lấy thùng mì hay bịch sữa để có thể trực tiếp giúp người dân đang bị cơ nhỡ do bão lũ.

Vậy là mặc cho mưa gió hoành hành ông Tư mặc áo mưa và đi quyên góp cho bà con vùng lũ. (Ảnh minh hoạ: Dailo)

Tấm lòng lương thiện của ông đã khiến bà con khu chợ rất nể phục, ai cũng mang quà đến nhà ông… từ sáng sớm. Mọi người cùng hai ông bà đóng gói chuyển hàng cứu trợ đến tối mới xong. Ông bà Tư cũng ướt đẫm mồ hôi nhưng tất cả đều không cảm thấy mệt mỏi.

Sau lần đó, thật không may khi bà Tư trượt chân ngã, rồi bà không còn có thể tự đi lại được nữa. Cả ngày bà Tư nằm một chỗ, chỉ có ông chăm sóc bà từng bữa ăn, giấc ngủ.

Nằm trên giường, bà Tư chỉ mong gặp lại người con trai duy nhất của mình. Từ ngày anh chia tay hai ông bà để đi làm ăn đến nay chưa có một tin tức gì, bố mẹ thì ngày một già yếu… Ngày nào bà Tư cũng hỏi ông xem có tin tức gì của con trai không? Mỗi lần ông đều an ủi bà ráng ăn cho mau khỏe, khi con nó về nhìn thấy bà nó sẽ vui… Nhưng sau nhiều lần an ủi và bệnh tình của bà ngày một xấu đi, có lúc ông cũng thấy chơi vơi, cô đơn, buồn tủi.

“Ông ơi có tin gì của con không?” bà đã nói câu này không biết bao nhiêu lần kể từ ngày bà bị bệnh. Đến giờ, bà cũng chẳng còn ý thức nổi là mình chỉ có nói một câu đó với ông.

Ông Tư ngậm ngùi nuốt đi những giọt nước mắt, ông luôn tỏ ra cứng cỏi khi ở bên cạnh bà. Ông cũng đã giấu bà đi gọi điện thoại cho cậu con trai duy nhất, nhưng sau nhiều lần không có kết quả gì ông đành buồn bã chịu đựng một mình.

“Ông ơi có tin gì của con không?” (Ảnh minh hoạ: Baomoi)

Ngày ngày chống chọi với bệnh tật của tuổi già cùng với nỗi nhớ con day dứt, bà cũng không buồn ăn những món ăn mà ông tự tay nấu nữa. Bà Tư nhận ra sự chờ đợi của mình rơi vào vô vọng, sức khỏe của bà ngày một yếu hơn. Bà không còn đủ sức để có thể hỏi về con trai mình trong mỗi bữa ăn hay mỗi khi nhìn thấy ông.

Ông nâng bà dậy, cảm giác như bà cũng sắp không còn đủ sức để chịu đựng thêm được, những giọt nước mắt ít ỏi còn lại trên đôi má gầy gò thấm màu bạc của thời gian, bà không nói với ông lời nào, bà nhìn ông… và nước mắt rơi xuống… Bà khao khát được nhìn thấy người con trai trước lúc ra đi…

Ông thấy thương bà hơn bao giờ hết, hai con người vào cái tuổi gần đất xa trời chỉ biết dựa vào nhau vượt qua sự tàn nhẫn của thời gian và nỗi thương nhớ con. Ông ngồi cạnh, cầm bàn tay nhăn nheo của bà, xoa nhè nhẹ như không muốn làm bà đau. Ông muốn tiếp thêm sức mạnh cho bà, ông hiểu hết tất cả nỗi lòng của người mẹ như bà, rồi ông khẽ nâng bà nằm xuống, ông nói: “Bà yên tâm, con mình rồi sẽ không sao, con mình sẽ sống tốt mà”.

Bà Tư cũng cảm nhận được nguồn động lực to lớn từ ông, bà thấy ấm lòng vì đến cuối cuộc đời bà vẫn được nắm tay ông, ông luôn xoa dịu đi tất cả những vết thương cho bà… Rồi đôi mắt bà cũng dần khép lại, giọt nước mắt vẫn còn vương trên đôi lông mi nhuốm màu thời gian. Bà ra đi, trả lại cho ông cùng với những tháng ngày hiu quạnh…

Bà ra đi, trả lại cho ông cùng với những tháng ngày hiu quạnh… (Ảnh minh hoạ: News.zing)

Ông giữ chặt tay bà, ông không muốn buông ra, ông không muốn phải chịu cảnh một mình đơn độc, ông muốn được cùng bà chăm sóc nhau, cùng bà chia sẻ những nỗi niềm tâm trạng mà chỉ có bà mới hiểu được ông…

Bà con khu chợ đến giúp ông lo việc hậu sự cho bà, ngày tiễn bà về với tiên tổ theo tục lệ địa phương thì người con trai sẽ đón mẹ lại trước quan tài. Ông xót xa khi bà ra đi mà con không biết, ông thấy cuộc đời sao mà bi đát đến vậy… Những người có mặt đều thấy thương tâm cho hoàn cảnh của ông, họ bàn tán không biết ông sẽ ra sao trong những ngày tháng tiếp theo.

Từ ngày bà Tư mất, bà con quanh khu chợ đều bảo nhau sang nhà ông Tư khi có dịp, để ông bớt cảm thấy cô đơn. Một buổi chiều tối khi mọi người đang chia nhau những củ khoai được một người mang đến nhà ông Tư, từ ngoài cửa có một người đi vào, tất cả bỗng dưng im lặng, không ai bảo ai nhưng họ đều nhìn người đó không chớp mắt. Rồi tiếng ông Tư cất lên từ bên trong “Hai đấy à, vào nhà đi con”. Bà con khu xóm người thì mừng vì cậu con trai duy nhất của ông bà Tư nay đã về, người thì oán trách tại sao không về sớm hơn…

Trước mặt cậu con bây giờ là chiếc bàn thờ vẫn đang khói hương nghi ngút… Hình ảnh bà Tư ở đó, cậu con trai quỳ xuống và khóc những tiếng than ai oán: “Mẹ ơi con mang tiền về rồi, nhà mình hết khổ rồi sao mẹ lại bỏ con lại mà đi, con mang tiền về xây nhà cho bố mẹ đây này…”

Trước mặt cậu con bây giờ là chiếc bàn thờ vẫn đang khói hương nghi ngút… (Ảnh minh hoạ: Afamily)

Mọi người ra về trả lại khoảng không gian cho cha con ông Tư. Ông vẫn ngồi đó bất động, mắt nhìn ra xa, nơi mà ông nghĩ rằng bà đang chứng kiến cảnh gặp mặt của cha con ông. Ông ước gì giờ này bà còn sống để cùng ông và con trong ngày gia đình đoàn tụ. Quay sang ông, cậu Hai dập đầu liên tục xin ông tha thứ. Anh thấy mình là đứa con bất hiếu, đã quá mải mê làm giàu, mải mê kiếm tiền mà quên đi cha mẹ của mình…

“Mẹ mày những ngày cuối cùng chỉ mong được gặp mày một lần, bố mẹ không cần nhiều tiền, chỉ cần biết mày khỏe mạnh là yên tâm rồi… mẹ mày trước khi nhắm mắt vẫn chỉ hỏi mày đâu…”

Anh Hai nức nở như một đứa trẻ con. Sự sám hối muộn màng của người con lúc này cũng không thể làm gì cho mẹ mình được nữa, tiền nào có thể làm vơi đi những tháng năm chờ đợi trong vô vọng, tiền nào có thể làm nhẹ đi gánh vác nhọc nhằn trên đôi vai của mẹ cha những lúc tuổi già. Anh Hai bỗng cảm thấy cuộc đời trống rỗng, hư không…

Cuộc sống muôn màu, xung quanh chúng ta vẫn còn biết bao điều tốt, còn nhiều những tấm lòng luôn biết nghĩ cho người khác bằng hành động và công việc thiết thực. Nhưng bên cạnh những điều tốt đẹp thì cũng còn nhiều lắm những nỗi đau, nỗi cô đơn sâu thẳm trong mỗi sinh mệnh, mỗi cuộc đời, mỗi con người… Nếu như, nếu như, và nếu như có cơ hội hẳn chúng ta sẽ làm lại, sẽ bắt đầu biết quan tâm, biết sẻ chia, biết có trách nhiệm với người thân nhiều lần hơn nữa.

Tiền bạc chưa bao giờ là tất cả, là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. (Ảnh minh hoạ: Tiepthigiadinh)

Tiền bạc chưa bao giờ là tất cả, là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Không có tiền thì người ta không thể tồn tại, nhưng thiếu tình thân thì người ta cũng không thấy cuộc đời được còn ý nghĩa. Nghèo nàn về vật chất vẫn có thể chịu đựng được, nhưng cái nghèo về tinh thần thì thật dai dẳng và đau đớn biết bao nhiêu… Nếu được lựa chọn, thì bạn đừng bao giờ đánh đổi tình thân để lấy tiền bạc. Bởi lẽ, điều người bạn yêu thương cần không phải là cuộc sống sung sướng, mà là được nhìn thấy bạn mỗi ngày, cùng nhau cố gắng, cùng nhau sẻ chia, cùng nhau sống hết một kiếp người…

Gia Viên

Xem thêm:

Exit mobile version