Nữ hoàng Cleopartra quyền lực được người đời truyền tụng với trang phục rất cầu kỳ đính ngọc trai và đồ trang sức quý giá khắc họa biểu tượng về thời trang và vẻ đẹp của phụ nữ Ai Cập cổ đại.
Trang phục giữa các tầng lớp trong xã hội Ai Cập cổ không có nhiều khác biệt, sự khác biệt duy nhất chính là chất lượng vải và lựa chọn trang sức cho trang phục. Thời kỳ này, khí hậu của Ai Cập cổ là nhiệt nóng, do đó những bộ trang phục không đòi hỏi tính thẩm mỹ cao, không chú trọng trong việc phân biệt tầng lớp xã hội và giới tính, chủ yếu nó đòi hỏi chất lượng để làm sao thỏa mãn được sự thoải mái, mát mẻ cho người mặc.
Nhưng đương nhiên không phải vì vậy mà họ không quan tâm tới vẻ đẹp của bộ trang phục, thậm chí người Ai Cập cổ sử dụng rất nhiều màu sắc trong trang phục và rất thích trang điểm mắt và son môi đỏ.
Nhắc đến Ai Cập cổ đại là nhắc đến nền văn minh sông Nile, một dòng sông trù phú mà thượng đế ban tặng không chỉ mang đến sự màu mỡ cho đất liền mà còn mang đến những giá trị văn minh, văn hóa to lớn cho người Ai Cập. Và trong đó ngành thủ công sản xuất vải lanh được tạo ra từ chính những cây lanh được trồng 2 bên ven bờ sông Nile.
Đây là nghề thủ công đã trở thành đặc quyền của người Ai Cập cổ đại. Nghệ thuật sản xuất vải lanh rất phát triển, người Ai Cập cổ có thể cho ra đời những tấm vải lanh mỏng giống với vỏ tằm hiện đại. Những người phụ nữ Ai Cập cổ trồng cây lanh bên ven bờ sông Nile, tới mùa thu hoạch thì tiến hành bóc ngay trên đồng và đem về se và dệt sợi.
Trang phục của đàn ông Ai Cập cổ đại là để trần phần thân trên, nửa thân dưới là một miếng vải lanh hoặc da thú quấn quanh và đính lại ở phần thắt lưng gọi là Skhen-ti (Klit). Để thể hiện đẳng cấp trong xã hội và phân biệt giai cấp, đàn ông quý tộc thường thắt thêm một miếng vải lanh khác màu để tạo thành những xếp nếp nghệ thuật. Những kiểu quấn này rất phù hợp với sự đơn giản trong tư tưởng của người Ai Cập cổ, không đòi hỏi nhiều công sức, không có đường may, tất cả đều được quấn một cách khéo léo và tinh tế bằng tay. Trang phục Skhen-ti ổn định xuyên suốt thời đại Ai Cập.
Trang phục của người phụ nữ Ai Cập cổ đại cũng rất đơn giản, họ chủ yếu chú trọng đến nhu cầu thoải mái để giảm được tính nóng trong thời tiết sa mạc rát bỏng. Cũng không quá chú trọng đến tính thẩm mỹ, họ thường mặc chiếc váy bó sát Fulias (Shift), đây cũng là trang phục truyền thống của phụ nữ Ai Cập cổ. Không cầu kỳ trong các đường may, họ thường khéo léo quấn quanh cơ thể từ ngực tới thẳng gót chân để tạo hình tượng, gấu váy hẹp không cho phép người phụ nữ bước đi dài, để giữ váy thì phần gi-lê là hai dải băng rộng như hai quai được đính ở trên vai, phần ngực thường để trần. Cho nên mỗi khi nhắc đến hình tượng phụ nữ Ai Cập thì người hiện đại luôn liên tưởng đến một vị nữ thần rất gợi cảm, mềm mại thướt tha.
Một điều bí ẩn trong văn hóa của người Ai Cập cổ đại chính là nghệ thuật ướp xác được quấn bằng vải lanh ngâm trong nhựa thông, với một số thành phần được tẩm trong vải bao gồm dầu động vật trộn với nhựa thông, mỡ động vật, nhựa thực vật, đường, chất thơm từ các loại thảo mộc.
Hình ảnh các sợi vải lanh tìm thấy trong thi thể xác ướp Ai Cập khi được các khoa học gia phóng đại lên có rất nhiều màu sắc.
Người Ai Cập cổ vốn có con mắt thẩm mỹ rất tinh đời, họ chú trọng tới trang điểm trên gương mặt bằng điểm nhấn vào đôi mắt. Hay như trang phục của cả nam và nữ giới đều được thể hiện bằng các chi tiết tương phản cả về màu sắc và chất liệu, mà nét đặc biệt trong trang phục của họ đó là phần cổ được trang trí chi tiết và cầu kỳ nhất để thể hiện lên sự đẳng cấp và sự sang trọng.
Thanh Mai – Thiên Lộ