Tháng 12/1990, Jerry Sternin nhận nhiệm vụ thành lập văn phòng tại Việt Nam của tổ chức Save the Children (tạm dịch: Cứu lấy những đứa trẻ) theo lời mời của Chính phủ Việt Nam. Ông được đề nghị hỗ trợ vấn đề suy dinh dưỡng của trẻ em nơi đây, với thời hạn vỏn vẹn sáu tháng để thay đổi tình hình hiện tại.

Sternin đưa vợ và con trai mới 10 tuổi cùng đến Hà Nội với tâm trạng lo âu: “Chúng tôi cảm giác bơ vơ như trẻ mồ côi tại sân bay khi mới đến Việt Nam. Chúng tôi không biết sắp tới sẽ làm gì nữa!”. Ông cảm thán: “Ôi Chúa ơi, chuyện gì sẽ xảy ra đây!”. Quả thật, có quá ít nhân viên và nguồn lực để có thể giải quyết một vấn đề nan giải như vậy.

Ông đã cố gắng tìm hiểu và thu thập thông tin về tình trạng suy dinh dưỡng. Theo lý thuyết, tình trạng này là hậu quả của nhiều nguyên nhân chồng chéo như tình trạng nghèo đói, hệ thống vệ sinh, xử lý chất thải yếu kém, thiếu nước sạch… và không thể không kể đến sự thiếu hiểu biết về dinh dưỡng. Những kết luận này là đúng, tuy nhiên với thực trạng một nửa số trẻ em Việt Nam lúc bấy giờ bị suy dinh dưỡng, không thể chờ xử lý hết những vấn đề ấy được. Phải làm sao đây, khi ông chỉ có 6 tháng, đã vậy, ngân sách hầu như là số 0 tròn trĩnh?

Trách nhiệm, niềm tin và lòng kiên trì khai mở lối đi

Từ bỏ trong tình huống này là việc mà ai cũng có thể làm được, nhưng Sternin biết rằng mình có trách nhiệm giúp đỡ những đứa trẻ và ông cần phải kiên trì tìm cách. Ông tin rằng mình có thể làm điều gì đó. Có lẽ, những điều này đã dẫn ông tới một con đường. Ông chợt nhớ đến một kết quả nghiên cứu trước đó vài năm của giáo sư dinh dưỡng học Marian Zeitlin tại Đại học Tufts (Boston, Mỹ) đã đưa ra khái niệm “Positive Deviance (PD)” (tạm dịch: “trường hợp cá biệt mang tính tích cực”). Nói một cách dễ hiểu, dựa trên các kết quả quan sát, có thể thấy rằng trong bất kỳ một cộng đồng nào cũng có những người có hành vi hoặc chiến lược khác biệt, nhưng lại mang đến giải pháp tốt hơn so với những người khác, mặc dù phải đối mặt với những thách thức tương tự nhau. Những cá nhân này chính là các “positive deviants”, tạm gọi là “gương sáng”.

Nhận thấy lý thuyết này rất hay và độc đáo, Sternin đã tìm cách áp dụng trong tình huống của mình. Ông đã đến thăm 4 ngôi làng ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, nơi có tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng được chọn để điều tra, với 2.000 trẻ em dưới ba tuổi, 63% trong số đó bị suy dinh dưỡng. Ông giải thích cho các lãnh đạo địa phương rằng ông sẽ tìm kiếm các giải pháp đã có sẵn trong cộng đồng. Ông khá ngạc nhiên khi cả những người dân cũng rất quan tâm và ủng hộ ý tưởng này.

Ông Sternin chụp ảnh cùng một cụ già tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa (ảnh chụp màn hình trang Researchgate).

Giải pháp đã có sẵn ở trong chính cộng đồng

Sternin bắt đầu tiến hành xác định các gương sáng. Khi ông hỏi người dân rằng có phải vẫn có những đứa trẻ nhà rất nghèo nhưng vẫn to khỏe hơn những đứa trẻ khác không, các bà mẹ hào hứng đồng thanh đáp: “Có, có, có”. Ông và nhóm cộng sự nhỏ của mình đã điều tra các gia đình đó để tìm hiểu xem hành động khác biệt của họ là gì, kết quả là họ đã khám phá ra có hai điểm nổi bật liên quan đến thành phần của bữa ăn và tần suất ăn của trẻ.

Thứ nhất, về thành phần bữa ăn. Trong mỗi gương sáng – mỗi gia đình có con to khỏe hơn bình thường – cha mẹ còn cho thêm tôm, cua, ốc bắt được ở ngoài đồng và cả rau lang vào khẩu phần ăn của các con. Mặc dù những thứ này rất sẵn có, hoàn toàn miễn phí, nhưng quan niệm thông thường cho rằng những thực phẩm này là “rẻ tiền” và không phù hợp với trẻ em.

Thứ hai là về tần suất ăn của trẻ. Các gia đình khác chỉ cho trẻ ăn 2 lần/ngày: sáng sớm, trước khi cha mẹ ra đồng và chiều muộn, sau khi họ trở về sau một ngày làm việc. Bởi vì những đứa trẻ có dạ dày nhỏ, chúng chỉ có thể ăn một lượng nhỏ thức ăn trong mỗi lần như vậy. Tuy nhiên, các gia đình là gương sáng lại cho trẻ ăn thường xuyên hơn, cha mẹ sẽ hướng dẫn người giữ trẻ (anh chị, ông bà hoặc hàng xóm) cho trẻ ăn 4-5 lần/ngày.

Bà Monique (vợ ông Sternin) cùng các bà mẹ chia sẻ cách chuẩn bị bữa ăn cho trẻ (ảnh chụp màn hình trang Medium).

Những phát hiện này hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của Sternin. Ông biết rằng, nếu tập hợp mọi người lại rồi thuyết trình về kết quả nghiên cứu và đưa ra nguyên tắc chống suy dinh dưỡng, tức là theo trình tự thay đổi kiến ​​thức – thay đổi thái độ – thực hành, sẽ không hiệu quả, vậy nên ông đã làm theo chiều ngược lại. Ông để họ thực hành cùng nhau trước, bằng cách chia 50 gia đình có con bị suy dinh dưỡng thành 5 nhóm và mỗi nhóm sẽ tập trung tại mỗi nhà của thành viên mỗi ngày, mang theo rau lang, tép, cua đồng để cùng chuẩn bị bữa ăn. Ông tin rằng chính những kết quả tích cực sau khi thực hành sẽ kéo theo sự thay đổi thái độ và tiếp nhận kiến thức dễ dàng hơn.

Chiến thắng hiển hách dành cho những người dám bước đi

6 tháng sau, 65% trẻ em suy dinh dưỡng của những ngôi làng này được nuôi dưỡng theo chế độ tốt hơn và tiếp tục được duy trì. Sau 2 năm, ở những nơi có áp dụng dự án của Sternin, tình trạng suy dinh dưỡng giảm đến mức không ngờ là 85%. Thành công của Sternin bắt đầu lan rộng và 14 ngôi làng đầu tiên đã được chọn để làm các mô hình dinh dưỡng, những trường học sống để những địa phương khác trong cả nước tham quan, thực hành quy trình. Chương trình đã tác động đến 2,2 triệu người tại 256 làng xã.

Điều đáng mừng là ngay cả những trẻ em chưa ra đời khi Sternin đã rời khỏi làng cũng phát triển khỏe mạnh như nhóm trẻ em mà Sternin can thiệp trực tiếp, chứng tỏ những thay đổi tốt đẹp này đã bám rễ vào cộng đồng. Đây rõ ràng là một thắng lợi to lớn và giàu ý nghĩa.

Với nguồn lực ít ỏi, Sternin và nhóm cộng sự nhỏ bé đã tạo nên một tác động lớn lao cho cả cộng đồng. Họ không phải là các chuyên gia. Họ cũng chẳng có trước đáp án khi vào cuộc. Tất cả những gì họ có là trách nhiệm, niềm tin và lòng kiên nhẫn. 

Thanh Tâm

Video xem thêm: Cá vượt ngược dòng là cá sống, người vượt nghịch cảnh người thành công

videoinfo__video3.dkn.tv||17125c9fa__