Đã lâu không có dịp đến thăm cô giáo chủ nhiệm cấp 3 vì quá bận. 20/11 năm nay, tôi mới sắp xếp được công việc để ghé thăm cô. Gần 20 năm không gặp, cô giáo của tôi trông đã già đi nhiều, mái tóc lấm tấm bạc, những nếp nhăn in hằn trên khuôn mặt và đôi mắt cũng đượm buồn…
Lớp tôi là lứa học trò đầu tiên mà cô chủ nhiệm, khi ấy cô mới ra trường được 2 năm và là giáo viên trẻ nhất ở trường. Trong suốt 3 năm phổ thông, đám học trò chúng tôi đã gây ra biết bao câu chuyện dở khóc dở cười khiến cô đau đầu, rất nhiều lần cô bị ban giám hiệu khiển trách vì không thể “quản lý” tốt cái lớp luôn bị xếp hạng gần cuối bảng cả về thành tích học tập lẫn nền nếp. Thế nhưng, dù nghịch ngỡm cỡ nào, chúng tôi cũng rất thích được học với cô. Cả lớp đứa nào cũng cao hứng, đi khắp nơi khoe khoang rằng cô giáo giảng bài hay như thế nào, cô quan tâm đến chúng tôi ra sao…
Cùng cô ôn lại những kỷ niệm ấy, thấy như mới hôm qua còn cắp sách tới trường, ngủ quên ở trong lớp rồi bị cô cốc đầu gọi dậy và mắng thật dịu dàng. Rồi bỗng thấy thương cô quá. Cô đã từng rất tâm huyết với nghề, từng rất bao dung với lũ học trò nghịch ngợm chúng tôi. Nhưng rồi, cuối cùng, cô vẫn không thể kiên định được nữa…
Tôi hỏi cô vì sao lại bỏ nghề dạy học. Cô trầm ngâm hồi lâu rồi mới nói:
– Làm Thầy khó lắm em à.
– Học sinh bây giờ bày ra nhiều trò phá phách lắm à cô?
– Không phải em ạ. Nếu so với học trò hồi xưa thì bây giờ không có nhiều chiêu trò nghich ngợm nữa. Đều có smart phone hết cả mà, đa phần các em ấy đều dành thời gian vào đó.
– Vậy thì chắc các thầy cô đỡ vất vả hơn nhiều rồi cô nhỉ?
Cô im lặng một chút rồi nói với giọng suy tư:
– Thực ra, làm giáo viên không ngại học trò nghịch ngợm, bởi vì đó vốn là bản tính của các em. Thầy cô chỉ buồn nhất khi không được học trò tôn trọng. Trước kia, dù cô rất mệt để quản lý lớp mình nhưng luôn nhận lại từ các em tình nghĩa thầy trò thắm thiết, rất nhiều kỷ niệm đẹp mà đến bây giờ cô vẫn ghi nhớ. Nhưng càng về sau thì không còn được như vậy nữa. Có những lúc thấy học trò làm sai mà bất lực lắm em. Nói thế nào chúng cũng không hiểu và không muốn nghe. Bố mẹ cũng bênh vực, chiều chuộng con cái quá mức, không muốn các thầy cô quản thúc.
– Vậy nên cô mới không dạy học nữa phải không ạ?
– Ừ. Cô đã không làm tròn bổn phận của một nhà giáo.
Nhìn ánh mắt đượm buồn của cô, tôi bỗng thấy lòng mình chùng xuống.
– Cô có bao giờ tiếc nuối vì quyết định của mình không cô?
– Có chứ em. Dù công việc hiện tại của cô có thu nhập cao hơn nhiều so với dạy học, nhưng mà, nghề giáo luôn có những niềm vui mà những nghề khác không thể có được.
Cô đưa tay gạt đi giọt nước mắt vừa chực rơi. Tôi biết cô đang rất buồn, và tôi cũng vậy. Các em học sinh bây giờ có thể không hiểu, nhưng thời chúng tôi, thầy cô đáng kính và đáng quý lắm. Trong thế giới của một đứa trẻ, thầy cô có một vị trí vô cùng quan trọng. Cha mẹ dạy dỗ thì còn có lúc bướng bỉnh không chịu vâng lời nhưng thầy cô chỉ cần thủ thỉ khuyên bảo mấy câu liền răm rắp làm theo. Dù là học sinh cá biệt đến mấy đều biết “sợ” giáo viên, không chỉ sợ bị trách phạt mà hơn cả là sợ làm thầy cô buồn.
Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học.
(Comenxki)
Tôi đề nghị chở cô thăm lại trường xưa bởi đã rất lâu không có dịp ghé lại. Ngày lễ, sân trường khá vắng vẻ, rảo bước trong khuôn viên, tôi bất ngờ vì diện mạo ngôi trường đã được thay đổi hoàn toàn: mới hơn, đẹp hơn. Nhớ ngày xưa, chúng tôi vẫn thường hay chen chúc trong cái căng tin bé xíu, chật hẹp thì nay đã được thay thế một căng tin thoáng mát hơn, rộng rãi hơn. Ngày xưa chúng tôi chen nhau giành từng hàng ghế đá dưới sân thì nay có rất nhiều ghế đá của các cựu học sinh tặng. Cây phượng năm xưa xum xuê mát rượi, có hoa phượng đỏ rực mỗi khi hè về thì nay đã bị chặt nhường cho một dãy lầu học mới xây dựng. Khuôn viên trường đẹp hơn, có bồn nước và cây cối tốt tươi xung quanh.
Tôi đi cùng cô ghé thăm lại phòng học ngày xưa – nơi chất chứa bao nhiêu kỷ niệm cô trò. Tất cả bàn ghế đều đã được thay mới. Bảng đen ngày xưa cô thường viết có bụi phấn bay trắng trắng vạt áo, mái đầu nay đã được đổi sang chiếc bảng từ chống bụi. Mọi thứ đều đẹp hơn, hiện đại hơn, mà sao cứ thấy buồn man mác trong lòng.
Tôi từng mang theo ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn và thi vào trường đại học Sư phạm, nhưng sau khi tốt nghiệp thì không tìm được việc, cuối cùng đành theo nghiệp làm báo. Rồi tôi chợt nghĩ, năm ấy mình không tìm được việc liệu có phải là may mắn không?…
“Lặng xuôi năm tháng êm trôi
Con đò kể chuyện một thời rất xưa
Rằng người chèo chống đón đưa
Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều…”
Hải Dương