Ông Võ Văn Rạng (60 tuổi), ngụ ở đường Lý Chính Thắng, quận 3, làm nghề phục chế sách cũ đã 40 năm nay. Ông được mọi người gọi vui là “bác sĩ sách”, và có lẽ là người duy nhất ở Sài Gòn còn làm nghề này, theo Vnexpress.
Năm 15 tuổi, ông Rạng bén duyên với nghề nhờ xin được phụ việc vặt cho một xưởng in. Năm 1978, ông Rạng học xong lớp 12 nhưng không thi đại học. Từ đó, ông trở thành một nhân viên trong xưởng in của hợp tác xã làm nhiệm vụ may, đóng sách mới và sửa sách cũ khi có khách hàng.
Mơ ước của ông Rạng là trở thành một thầy giáo dạy Văn, nhưng vì cơn sốt bại liệt năm 2 tuổi đã khiến chân phải của ông bị tật nên không thể thực hiện được. Vậy là ông đành gắn bó với nghề phục chế sách hơn nửa đời người.
Sách cũ do khách đem tới, tùy mức độ hư hỏng mà ông có những cách phục chế khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết những “bệnh nhân” đến tay ông đều đã ở tình trạng rất tệ, cần phải được “đại phẫu”. Với những cuốn sách này, ông phải cẩn thận tháo rời từng trang sách, làm vệ sinh, xếp lại như cũ rồi cưa hai đường ở gáy sách, tạo lỗ để xỏ kim khâu.
Vào khoảng từ năm 1980 – 1990, nghề sửa sách cũ rất thịnh hành. Khi đó có nhiều người mê sách, quý sách, cứ hư là đi sửa. Từ ngày có Internet, thói quen đọc sách giảm hẳn đi, khách của ông cũng vắng hơn.
Nghề phục chế sách đòi hỏi tính cẩn thận và kiên nhẫn. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công nên mỗi ngày chỉ được vài cuốn. Nhất là những cuốn sách cũ, xuất bản từ những năm 1960, giấy đã mục rã, mạnh tay sẽ làm rách ngay, nên phải vô cùng cẩn thận. Vậy nên, ngay cả thời nhiều khách hàng nhất, ông Rạng cũng chẳng thể giàu lên được.
Đồ nghề của ông Rạng chỉ gồm có hồ, kim chỉ và một chiếc máy cắt giấy được ông chủ xưởng in bán lại hơn 20 năm trước. Khách hàng của ông thường là những người lớn tuổi, người kinh doanh sách cũ hoặc người sưu tập sách.
Tuy nhiên, 5 năm trước, có một vị khách khiến ông nhớ mãi. Một cậu bé cấp 1 cùng cha đến nhờ ông Rạng sửa lại cuốn sách đã bị bung chỉ, những trang sách rời ra. Ông Rạng hỏi: “Sách này bây giờ xuất bản nhiều, sao không mua mới, giá mua còn rẻ hơn giá sửa”. Cậu bé trả lời: “Vì cuốn sách này là món quà cô giáo tặng, nên con muốn giữ”.
Trung bình mỗi ngày ông Rạng “chữa” được từ 3 đến 5 cuốn, tiền công từ 20.000 đến 50.000 đồng mỗi cuốn, tùy mức độ hư hỏng. Ông không có vợ con nên nếu tiết kiệm thì mức thu nhập này cũng đủ duy trì cuộc sống.
Ông Rạng thường nghỉ vào lúc 4 giờ chiều. Thường xuyên phải dùng các ngón tay miết, giữ chặt các trang sách khi dán khiến các khớp ngón tay của ông Rạng bị đau. Để thả lỏng các khớp ngón tay và thư giãn đầu óc, ông thường chơi đàn ghi ta.
Cuộc sống hối hả, người ta cũng bị cuốn trôi theo dòng mà dần dần lãng quên những điều xưa cũ. Dù vẫn biết quy luật tự nhiên là vậy, nhưng đôi khi nhìn lại vẫn thấy có chút tiếc nuối đọng lại trong tâm.
Cảm ơn ông Rạng, và cảm ơn những người đang âm thầm giữ “hồn xưa nếp cũ”, để những người yêu hoài niệm có nơi để trở về, để những người trẻ không quên chuyện của cha ông…
Video xem thêm: Tính khí càng ôn hòa thì phúc báo càng dày sâu