Chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Nhật, Kathy Matsui cho rằng, mặc dù tỷ lệ sinh ở các nước phát triển đều thấp, nhưng Nhật Bản là nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có số lượng trẻ em dưới 15 tuổi chỉ đạt 16,6 triệu – một con số đáng báo động, trong khi thú cưng nhiều hơn cả trẻ em: hơn 22 triệu chó mèo.
Khi thế giới đang hoà mình vào tốc độ công nghiệp hoá vùn vụt, thì một trong những vấn đề nhức nhối trong xã hội Nhật nói riêng, và nhiều nước phát triển, là tình trạng già hóa dân số. Tỷ lệ sinh tại đất nước mặt trời mọc đang giảm một cách đáng kể. Tỷ lệ sinh đẻ ở Nhật chỉ là 1,37 trên mỗi phụ nữ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ cân bằng 2,1.
Chính phủ Nhật Bản cũng công bố dữ liệu cho thấy số lượng những người già trên 80 tuổi ở nước này đã vượt qua ngưỡng 10 triệu người. Theo ước tính, đến năm 2060, số người ở độ tuổi trên 65 sẽ chiếm 40% dân số Nhật Bản.
Hệ lụy nhức nhối: Những cụ ông cụ bà 80 tuổi vẫn phải làm việc
Tình trạng già hóa dân số dẫn đến thiếu hụt lao động, bởi vậy, nhiều nhà tuyển dụng Nhật Bản vẫn thuê lao động già như một nguồn lao động giá trị. Đây là một nguyên nhân quan trọng giải thích vì sao ở Nhật việc những người 80 tuổi còn làm việc là hiện tượng rất phổ biến.
Một bộ ảnh được đăng tải trên Tokyo Times đã ghi lại hình ảnh những cụ ông, cụ bà ở Tokyo vẫn đang hăng say làm việc. Các cụ già tóc bạc trắng với một cây gậy đi lại trên đường giống như những người trẻ.
Một nhân viên bán hàng cho một nhãn hiệu mỹ phẩm Nhật Bản đã kỷ niệm sinh nhật 100 tuổi của mình trong cửa hàng. Đại diện nhãn hiệu này cho biết, họ không áp đặt độ tuổi nghỉ hưu, chỉ cần mong muốn thì nhân viên có thể làm việc không thời hạn. Các cửa hàng của nhãn hiệu mỹ phẩm này có 50.000 nhân viên đã 80 tuổi.
Mặc dù tình hình việc làm của Nhật Bản vẫn rất khả quan nhưng hiện trạng dân số già đã và đang trở thành cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở đất nước này. Theo một nghiên cứu công bố gần đây, nếu tình trạng khủng hoảng nhân khẩu học tiếp tục diễn ra, trong vòng 50 năm tới, Nhật Bản sẽ xảy ra một việc chưa từng có tiền lệ. Đó là quốc gia này sẽ giảm đi 1/3 dân số.
Nguyên nhân bi kịch già hóa dân số và đâu là giải pháp?
Nhiều người Nhật có tâm lý nuôi dưỡng và chăm sóc thú cưng thay vì sinh con. Mặc dù chi phí chăm sóc thú cưng ở Nhật khá cao nhưng việc nuôi một con vật vẫn đơn giản và không gặp nhiều áp lực như nuôi một đứa trẻ. Hơn nữa, chó và mèo cũng có thể đem lại cho họ cảm giác gần gũi và được yêu thương.
Theo ước tính, tổng giá trị ngành công nghiệp thú cưng Nhật Bản trong năm qua đã đạt tới 10 tỷ USD, bao gồm các chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, đưa chó mèo đi nghỉ dưỡng ở các khu du lịch, tắm suối nước nóng, tập yoga, hay thậm chí là thiết kế thời trang cho chó mèo…
Tuy nhiên, việc dồn tình yêu cho thú vật và bỏ qua nghĩa vụ tạo ra thế hệ trẻ cho đất nước đã tạo ra những nguy cơ lớn cho xã hội Nhật: thiếu hụt lực lượng lao động dẫn đến áp lực cho nền kinh tế và tiếp nhận các dòng người nhập cư, những người già chỉ sống với những con thú cưng sẽ không có ai chăm sóc và chết dần chết mòn trong cô độc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ sinh của đất nước Nhật Bản, và cơ cấu dân số.
Nguyên nhân đặc biệt quan trọng thứ hai dẫn tới tình trạng dân số Nhật Bản ngày càng già, theo các chuyên gia phân tích, là vai trò, địa vị xã hội của những phụ nữ Nhật sau khi sinh con.
Theo hãng tin BBC, ở Nhật Bản, số phụ nữ có bằng đại học nhiều không kém gì so với nam giới và lượng phụ nữ đi làm đã tăng đều đặn trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, sau khi sinh con, nhiều phụ nữ đã không thể trụ lại ở công ty cũ. Việc tìm kiếm một công việc mới và phù hợp cũng là một trở ngại rất lớn.
Nhiều phụ nữ chia sẻ rằng, với nền văn hóa doanh nghiệp hà khắc ở Nhật Bản, việc sinh con là một sự đánh đổi lớn giữa gia đình và sự nghiệp. Để có thể giữ lại công việc, người phụ nữ gần như phải quên bọn trẻ đi và cống hiến hết mình cho công ty. Đó là điều rất khó cân bằng được và cũng là một trong những lý do tại sao 70% phụ nữ Nhật Bản thôi đi làm sau khi sinh đứa con đầu lòng.
Một lý do khác là do những người chồng. Nói về việc giúp đỡ vợ con trong công việc gia đình, thì đàn ông Nhật Bản vẫn còn thua xa đàn ông châu Âu và châu Mỹ. Những ông chồng ở Thụy Điển, Đức, Mỹ thường dành 3 giờ mỗi ngày để giúp vợ làm việc nhà và chăm sóc con cái. Trong khi đàn ông Nhật chỉ dành khoảng 1 giờ giúp vợ và 15 phút chơi với con cái.
Vì vậy, để giải quyết được vấn nạn này, Nhật Bản cần đầu tư hơn trong chính sách phát triển con người của chính phủ nói chung cũng như của công ty nói riêng. Những bằng chứng từ châu Âu và Mỹ cũng đã cho thấy, việc các công ty có chính sách ưu đãi và giúp đỡ phụ nữ giữ được việc làm có thể làm tăng tỷ lệ sinh đẻ. Ở những quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch và Mỹ, tỷ lệ lao động nữ cao và tỷ lệ sinh cũng cao. Còn những nước có tỷ lệ lao động nữ thấp như Italy, Hàn Quốc và Nhật Bản thì tỷ lệ sinh đẻ cũng thấp.
Hiểu Minh