Một điều kì lạ khi đến Nhật Bản đó là thật khó có thể gặp một người vô gia cư hay ăn xin nào đang ngửa tay ra xin tiền người qua đường trên phố. Tại sao vậy?
Một người Việt Nam trong lần đến thăm thành phố Ginza của Nhật Bản đã bắt gặp một cảnh tượng khiến anh vô cùng kinh ngạc. Anh kể rằng mình đã trông thấy một người đàn ông nhưng không biết có thể gọi là ăn xin hay không. Ông ấy mặc bộ Kimono màu vàng pha nâu được là ủi sạch sẽ tươm tất, chân đi giày trắng bóc như vừa mua từ cửa hiệu, tay cầm chuông, tay còn lại cầm chiếc bát gỗ, đầu đội chiếc nón che gần hết cả khuôn mặt. Ông ấy đứng im trên vẻ hè, ai đi ngang cho gì thì cho, nhưng ông không xin. Anh thắc mắc đến người hành khất cũng có lòng tự trọng đến nhường này sao?
Vì sao Nhật Bản không có ăn xin ngoài đường?
Theo một số liệu thống kê thú vị, tại Tokyo có 2.000 người vô gia cư, nhưng bạn sẽ không bao giờ gặp được bất kỳ người vô gia cư nào hay một cậu bé lấm lem nào trên đường phố Nhật Bản đang ngửa tay ra xin tiền một người qua đường hay một ai đó.
Chính phủ Nhật Bản đầu tư thực thi chính sách “trợ cấp nhân sinh”, có nghĩa là bất kỳ người nghèo hay người vô gia cư khi cảm thấy điều kiện vật chất quá khó khăn và cần được giúp đỡ thì họ có thể đến chính quyền địa phương xin nhận trợ cấp. Trung bình một người có thể nhận số tiền trợ cấp hàng tháng lên tới 120.000 Yên (khoảng hơn 22 triệu đồng) để trang trải cuộc sống tối thiểu. Tuy nhiên, rất nhiều người nghèo ở Nhật Bản từ chối nhận chính sách này.
Hầu hết những người vô gia cư ở Nhật Bản đều là những người già, trẻ em khuyết tật, chủ doanh nghiệp bị phá sản, nhân viên văn phòng, sinh viên tốt nghiệp ra trường vì một lý do nào đó mà phải rẽ ngang cuộc đời. Dù rơi vào bế tắc hay bi thương họ không hề ngửa tay ra xin tiền, đơn giản vì họ nghĩ rằng như vậy đang làm mất đi lòng tự tôn trong nhân cách của mình.
Lòng tự trọng của người Nhật rất cao, họ cho rằng mình có thể chết nhưng không được xin của bố thí. Tại Nhật Bản, những người ăn xin là những người bị coi thường nhất, vì họ cho rằng tinh thần võ sĩ đạo sẽ không cho phép họ làm vậy.
Người Nhật tâm niệm rằng: Một người cho dù đến bước đường cùng cũng không bao giờ nhụt chí.
Cũng chính bởi vậy, từ đống đổ nát hoang tàn sau cuộc chiến tranh khốc liệt, Nhật Bản đã tự vươn mình trở thành một siêu cường quốc kinh tế chỉ trong một thời gian ngắn, khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục.
Tự trọng – Tinh thần võ sĩ đạo trong tính cách người Nhật
Lòng tự trọng được xem là giá trị cốt lõi trong văn hóa của người Nhật. Không chỉ riêng đối với người giàu mà ngay cả người vô gia cư cũng hiểu rằng, sự tôn nghiêm làm nên một con người chứ không phải tiền bạc hay chức vị.
Giáo dục cho trẻ em về lòng tự trọng trong nhân cách được người Nhật chú trọng ngay từ những khi còn bé. Đến Nhật, bạn có thể trông thấy một cậu bé 2-3 tuổi đang lẫm chẫm tập đi theo mẹ, nhưng nếu chẳng may trượt ngã, không bao giờ người mẹ cuống quýt, vội vã đỡ con dậy. Thay vào đó, mẹ cậu bé sẽ quay lại và nói: Con hãy cố tự mình đứng dậy nhé! Không dựa dẫm, tự đứng dậy ngay tại chính nơi mình vấp ngã là bài học về lòng tự trọng đầu tiên mà mỗi người con Nhật Bản được học ngay từ khi bé.
Có thể bạn chưa biết, tại Nhật, khi một người cảnh sát khi bắt gặp một người lái xe vi phạm luật giao thông, anh ấy sẽ không bắt người tài xế xuống xe mà sẽ bước đến bên buồng lái hỏi chuyện với người tài xế chỉ vì muốn giữ lòng tự trọng cho người lái xe.
Tại một cửa hàng của Nhật Bản, người chủ tiệm đã quyết định lắp đặt camera để quản lý trông coi hàng hóa phòng trường hợp bị mất cắp. Ngay một thời gian sau, không có bất kỳ vị khách nào ghé đến cửa hàng mua đồ nữa, họ tẩy chay chủ tiệm vì ông ấy đã làm tổn thương lòng tự trọng của mình. Cũng từ đây, trong các siêu thị hay tiệm tạp hóa của Nhật đều không lắp camera như các nơi khác.
Và một điều kì lạ trong hàng tá những kì lạ về xứ sở này đó chính là chỉ trong vài ba năm, nước Nhật có tới từ 4-5 Thủ tướng, không phải người đứng đầu của đất nước bị cách chức mà họ xin từ chức. Từ chức vì lòng tự trọng.
Trong bất kể một lĩnh vực nào, dù chỉ là một sai phạm nhỏ, dù đó là do cấp dưới gây ra, người đứng đầu luôn nhìn nhận rằng nguyên nhân dẫn đến hậu quả này xuất phát từ chính họ, là lỗi của mình. Có câu chuyện kể về một vị giáo sư khi bị người khác đâm xe làm ngã, ông đứng dậy và nói với người làm ông ngã rằng: “Xin lỗi, vì tôi mà ông gây ra chuyện này!”
Người Nhật rất kiêng kị xúc phạm người khác. Trong giao tiếp, họ luôn cố gắng tìm cách nói giảm, nói tránh bằng những hành động ít mang tính đe dọa, không làm tổn thương người khác trước đám đông vì người Nhật muốn giữ lòng tôn nghiêm cho người khác.
Vậy tự trọng là gì mà từ một giáo sư học thức đến một người ăn xin ngoài đường coi trọng đến vậy?
Tự trọng là một phẩm chất cao quý, ước chế con người ta không phát sinh tham lam, tật đố; tự trọng hướng con người ta đi đúng đường, bước đúng bước không mưu cầu quá nhiều mà biết sống đúng mực. Tự trọng có thể được xem như thước đo của đạo đức mà con người có thể dùng để đối đãi với nhau. Không có tự trọng hay lòng tự tôn nhân cách con người dễ bị hoen ố, sống không cần biết quan tâm đến xung quanh và dần trở nên tha hóa. Cũng bởi vậy mà tự trọng đã trở thành bài học đầu tiên mà mỗi em nhỏ người Nhật được học ngay những bước vấp ngã đầu tiên của cuộc đời.
Người Nhật hiểu rằng, giữ lòng tự trọng không phải mục đích vì để thể hiện tôi là ai, tôi là người như thế nào với người khác; mà họ tin khi có tự trọng con người sẽ biết phân biệt đâu là đúng, đâu là sai; điều gì nên và không nên làm, từ đó mà gặt hái sự tôn nghiêm của chính bản thân mình. Tự trọng trong văn hóa người Nhật xuất phát từ tâm niệm sống tốt đẹp, dạy con người ta biết vươn lên sau những khó khăn; luôn cố gắng suy nghĩ và hạn chế tối đa thương tổn trong tâm người khác. Nhật Bản ngày nay có lẽ đã không chỉ là xứ sở của hoa anh đào hay những ngọn núi tuyết cao sừng sững, mà còn là đất nước của những giá trị nhân cách cao cả.
Hồng Tâm