Như Đại Kỷ Nguyên đã đưa tin trước đó, hiện nay, tại Việt Nam, ở những sân bay lớn như Nội Bài hay Tân Sân Nhất, đã xảy ra nhiều vụ nhân viên sân bay trộm hành lý của khách.
Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng không, có 12 vụ mất trộm tài sản trong các hành lý ký gửi tại sân bay Nội Bài trong năm 2013 và 2014. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này có thể nhiều hơn nếu chúng ta tính đến những trường hợp lấy cắp đồ tại sân bay nhưng không hề bị phát hiện.
Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao hành lý ký gửi hay bị lấy trộm và cách để phòng tránh vấn đề này.
Vì sao hành lý ký gửi hay bị lấy trộm?
Theo một phóng sự điều tra thực tế của phóng viên báo Người Lao Động vào tháng 10/2014, mặc dù Cảng vụ Hàng không miền Bắc khẳng định quy trình hành khách gửi hành lý ký gửi lên máy bay được chia thành nhiều khâu, mỗi khâu có đơn vị phụ trách khác nhau, có nhân viên an ninh giám sát kỹ càng, v.v… nhưng thực hiện trên thực tế thì như thế nào? Quan sát của phóng viên cho thấy, ở khâu bốc hành lý từ băng chuyền ra xe vận chuyển chỉ có 2 nhân viên vận chuyển và 1 nhân viên an ninh “thỉnh thoảng giám sát từ xa.” Ở trong khoang máy bay, không có nhân viên an ninh giám sát nào đi cùng nhân viên xếp đồ vào khoang.
Một nguồn tin trong sân bay Nội Bài tiết lộ rằng hiện tượng moi móc hành lý, lấy trộm đồ của khách vẫn diễn ra thường xuyên bất chấp “sự nghiêm ngặt của quy trình giám sát”. Bộ phận bốc xếp hành lý là nơi xảy ra rủi ro lấy trộm đồ nhiều nhất vì các nhân viên bốc xếp trực tiếp tiếp xúc với hành lý của khách. Đó là chưa kể đến nguy cơ có sự móc ngoặc giữa bộ phận kiểm tra soi chiếu và bộ phận bốc xếp. Khi soi chiếu, tất cả hành lý trong vali và kiện hàng đều thấy rõ, do đó nếu xảy ra sự thông đồng giữa hai bộ phận này thì nhân viên bốc xếp sẽ được thông báo vị trí của món đồ cần trộm. Đa số các vật lấy trộm có kích thước nhỏ gọn, dễ giấu trong người và có giá trị.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Võ Huy Cường, nói rằng “Trường hợp bắt quả tang thì khó lắm. Chúng tôi chỉ phát hiện ra trường hợp tìm cách mang đồ ra ngoài. Tuy nhiên truy ra nguồn gốc thì rất khó. Người ta cứ nói là vô tình, nói là nhặt được.”
Ngoài ra, Phó giám đốc phụ trách an ninh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, ông Phạm Tuấn Anh, cho biết, “các vụ mất cắp xảy ra trong khu vực hạn chế, không có người nào bên ngoài, mà chỉ có lực lượng trực tiếp tham gia vào các dây chuyền vận chuyển trong khu vực này.”
Ông Phạm Chí Cường, Trưởng ban An toàn, Chất lượng và An ninh của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khẳng định: “Ăn cắp đồ ở sân bay là vấn nạn nhức nhối gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành hàng không. Đối tượng ăn cắp chắc chắn là những người có điều kiện tiếp xúc hành lý, hàng hóa. Tại các kho hàng hóa, dù có quy trình được coi là chặt chẽ, nhưng không phải không có kẽ hở, bằng chứng là các vụ mất cắp vẫn liên tục xảy ra.”
“Chuyện bình thường thôi mà!”
Tình trạng mất đồ trong hành lý ký gửi tại các sân bay ở Việt Nam đã khiến nhiều hành khách rất bức xúc. Một vị hành khách, lấy biệt danh Sandy, đã gửi bài chia sẻ trên trang vnexpress.net. Trong đó, cô kể rằng có một người bạn làm công an cửa khẩu tại sân bay, khi nghe cô trình bày bức xúc, anh này cười bảo “chuyện bình thường ở đây mà.” Cô sốc khi viết
“Hóa ra việc các nhân viên bốc dỡ thản nhiên lấy đồ (nói nhẹ là lấy đồ, nếu dùng đúng từ là ăn trộm) của hành khách mà không một ai kiểm soát, không một ai phải chịu trách nhiệm là chuyện thường ngày và quá bình thường?”
Một facebooker tên Gigi Ngo đã đăng dòng status với tâm trạng hết sức bất bình về việc cô bị rạch vali lấy thuốc bổ, vitamin và hai chai nước hoa. Ngoài ra, cô còn phải đưa 200.000 đồng “tiền cà phê” cho hải quan sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhiều ý kiến khác của cư dân mạng cũng lên tiếng nói rằng họ từng là nạn nhân của các vụ mất cắp hành lý ký gửi tại các sân bay trong nước.
Một độc giả có biệt danh Jimmy2407bt chia sẻ: “Hàng không Việt Nam là nỗi ám ảnh cho những hành khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là Việt Kiều về nước hay khách du lịch từ nước ngoài về.”
Một bạn khác tên Jennie cũng đồng cảnh ngộ: “Tôi cũng đã từng là nạn nhân. Dường như việc này đã trở thành luật bất thành văn tại Sân bay.”
Dù việc rạch vali, bẻ khóa hành lý để lấy trộm đồ của hành khách không phải là chuyện hiếm tại các sân bay, nhưng nhiều hành khách khi phát hiện ra đã không muốn làm to chuyện, vì sao? Họ cho rằng cho dù có làm ầm ĩ lên thì cũng khó lòng tìm lại được những món đồ bị “đạo chích” lấy mất.
Một độc giả khác tên huyhoangduong lại than thở rằng: “Mất đồ là chuyện thường ngày nên hành khách đi cũng chán chẳng thèm làm to chuyện. Hè vừa rồi tôi đi chuyến Nha Trang – Hà Nội cũng bị mất đồ, mua được cái dây lưng da định mang ra HN làm quà tặng, nhưng khi ra đến Nội Bài mở ra thì chỉ còn cái vỏ hộp, lõi mất từ lúc nào cũng chẳng rõ??? Quá chán cho dịch vụ vận tải hành khách được coi là xa xỉ nhất VN này.”
Một yếu tố khác cũng làm nản lòng các nạn nhân bị mất đồ là mức bồi thường hành lý thất lạc chỉ 20 USD/kg, theo Quyết định số 10/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Còn đối với các chặng quốc tế, nếu có độ dài đường bay dưới 1.000 km, mức bồi thường là 25 USD. Từ 1.000 km đến 2.500 km là 50 USD. Từ 2.500 km đến dưới 5.000 km là 80 USD và từ 5.000 km trở lên mức bồi thường lên tới 150 USD.
Hành khách nên làm gì để ngăn ngừa tình trạng này?
Trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được các giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng mất cắp đồ đạc trong hành lý ký gửi thì bản thân mỗi hành khách nên có các cách để hạn chế rủi ro mất đồ trong các chuyến bay. Ngoài các động tác thông thường như dùng dây kéo bảo vệ để móc hai đầu khóa vali lại với nhau, hoặc dán thẻ cá nhân lên hành lý, v.v…., bạn có thể áp dụng thêm một vài mẹo nhỏ sau đây.
1. Cuốn vali bằng màng quấn công nghiệp
Việc quấn nilon giúp hành lý không bị bung ra, giữ sạch sẽ và giảm hư hại vali do va đập trong quá trình bốc xếp. Tuy nhiên, nếu trong hành lý có những món đồ khả nghi cần phải kiểm tra cụ thể, nhân viên an ninh vẫn có thể rọc màng quấn để mở vali.
Tại Việt Nam, chỉ có các chuyến bay quốc tế mới có dịch vụ quấn màng nilon cho hành khách.
2. Sử dụng băng keo dán những chỗ quan trọng trên vali
Băng keo dán có thể giúp niêm phong các vị trí cần thiết trên vali như khóa kéo, phéc-mơ-tuya, … , để hạn chế rủi ro bị rạch hoặc nạy khóa vali. Tuy nhiên, nếu đối tượng trộm dùng dao bén nhọn để rạch các vali thì cũng đành chịu!
3. Chọn vali có hình thức bên ngoài cũ kỹ
Sử dụng vali chứa hành lý có vẻ ngoài cũ kỹ giúp tránh gây sự chú ý của kẻ gian.
Một facebooker có ý kiến rằng: “Mọi người có về nước nên đóng hành lý cẩn thận, cần quấn nhiều lần băng dính ở ngoài rồi cho vào thùng, bên trong valy thì nên để nhiều quần áo ở bên ngoài, bọc những đồ đắt tiền ở giữa, như vậy có bị rạch va ly nhưng cũng rất khó để lấy được đồ.”
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mạn phép trích dẫn ý kiến của một độc giả trên mạng như sau:
“Biết rằng phải tự bảo vệ mình nhưng bảo vệ cách nào đây khi mà vali có khóa vẫn bị mất. Mong rằng các vị lãnh đạo ở các cửa khẩu hãy làm đúng chức trách của mình để những hành khách như chúng tôi không phải chịu thiệt thòi, đặc biệt khách du lịch là người nước ngoài. Xin đừng để họ phải dùng 2 từ “trộm cắp” ngay khi đặt chân đến Việt Nam.”
Bình Minh